Nhiều dịch vụ mua trước trả sau chào sân hoặc mở rộng hiện diện gần đây để đón nhu cầu chi trước trả sau trong thời lạm phát.

"Món nào trả sau được thì trả, tiền mặt cần để cho chi tiêu hàng ngày trước", Minh Tiến (33 tuổi) ngụ ở quận 10, TP HCM cho hay. Đầu năm đến nay, anh quyết định niềng răng và mua xe bằng hình thức trả sau.

Không thể trì hoãn vì tuổi tác, Tiến chọn gói niềng răng 35 triệu đồng, nhưng chỉ cần trả trước 5 triệu đồng rồi được góp linh động trong 3 năm. Cùng với đó, anh sắm một mẫu xe mô phỏng kiểu cub cổ điển giá 25 triệu đồng, trả trước 10 triệu và góp phần còn lại trong 6 tháng.

Tương tự Tiến, chị Thị Thu (quận 7, TP HCM) mua góp một chiếc TV hơn 10 triệu đồng cách đây 2 tháng vì cần cho con giải trí. "Lương giờ về thì hết rất nhanh vì nhiều khoản đều tốn hơn trước, nên chi một lúc nhiều tiền rất ngán trong khi tôi vay được gói 6 tháng 0% lãi suất", chị Thu cho hay.

Tận dụng nhu cầu mua sắm không thể trì hoãn nhưng cần "vừa túi tiền" trong giai đoạn lạm phát, các dịch vụ mua trước trả sau, tín dụng tiêu dùng được tăng tốc kích cầu trong nửa đầu năm. Hàng loạt cú bắt tay và chào sân diễn ra gần đây.

Nhiều dịch vụ mua trước trả sau bắt đầu tăng tốc mở rộng tại Việt Nam trong tháng 8. Ảnh: Pixabay

Nhiều dịch vụ mua trước trả sau bắt đầu tăng tốc mở rộng tại Việt Nam trong tháng 8. Ảnh: Pixabay

Nhận định trong buổi công bố hợp tác với Kredivo triển khai dịch vụ mua trước trả sau hôm 10/8, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc sàn thương mại điện tử Sendo nói đây là cách để có thêm "một lựa chọn tiện lợi và vừa túi tiền trong phương thức thanh toán" cho hàng chục triệu khách hàng và nhà bán hàng.

Kredivo là đơn vị cung cấp nền tảng tín dụng trụ sở ở Singapore và có thị phần lớn ở Indonesia. Họ vào Việt Nam vào tháng 8/2021 thông qua hợp tác cùng VietCredit. Khách đăng ký qua ứng dụng họ được VietCredit cấp hạn mức tín dụng lên đến 25 triệu đồng để chi tiêu trực tuyến.

Một Fintech nước ngoài khác là SmartPay cũng không muốn lỡ cơ hội. Ví điện tử tung dịch vụ mua trước trả sau hôm 12/8 với chiêu cạnh tranh "3 không", tức không phí duy trì, không cần trả trước và không phí thanh toán khoản vay.

Hạn mức tín dụng chào mời tối đa 30 triệu đồng, cấp bởi CIMB Bank Việt Nam. Ông Moin Uddin, Giám đốc điều hành của SmartPay đánh giá thị trường mua trước trả sau phát triển vượt bậc thời gian qua vì nó giải quyết nhu cầu cho giúp phân khúc khách hàng gặp khó khi tiếp cận các dịch vụ vay tiêu dùng thông thường và hoặc chứng minh tài chính.

Sức hút của nhu cầu tiêu dùng còn khiến một doanh nghiệp chuyên về công nghệ cũng nhập cuộc. Xuất thân từ gia công phần mềm, KMS vừa tung ra Kaypay, ứng dụng thương mại điện tử kết hợp tính năng mua trước trả sau.

Kaypay cho biết nền tảng xây dựng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Dù là tân binh nhưng họ đã hợp tác với loạt thương hiệu thương mại điện tử và thanh toán như Haravan, Shopify, TrueID, Onepay, Appotapay, và bày bán nhiều mặt hàng thời trang, mỹ phẩm thương hiệu quốc tế.

Các nền tảng mua trước trả sau bùng nổ mở rộng và kích cầu trong một tháng trở lại đây trong bối cảnh kinh doanh tài chính tiêu dùng nửa đầu năm không quá mạnh mẽ.

Dành cho bạn

Như tín dụng của FE Credit quý II giảm nhẹ 2,1% so với quý I. Tuy nhiên, VnDirect cho rằng FE Credit sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu dùng cao, đặc biệt nhờ những sự kiện sản phẩm công nghệ mới vào quý III.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng đóng góp của HDSaison vào kết quả hợp nhất của HDBank cũng sẽ tương đối được cải thiện nhờ doanh thu tốt hơn thời gian tới.

Ông Krishnadas, Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ trách mảng Phát triển Kinh doanh của Kredivo, nói có "cái nhìn tích cực về rất nhiều cơ hội" tại đây vì thanh toán không tiền mặt còn phổ biến, lượng người có thẻ tín dụng còn thấp trong khi có nhu cầu thanh toán tiện lợi và tiết kiệm.

Nền tảng này trước đó đã hợp tác với FPTShop, CellphoneS và tham vọng hiện diện trên tất cả sàn thương mại điện tử lớn, nâng tổng số đối tác lên 100 trong thời gian tới.

Còn theo nghiên cứu của mình, Kaypay cho rằng thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam có tiềm năng khoảng 4,6 tỷ USD, so với các quốc gia đã đi trước một vài năm trong khu vực như Indonesia (9 tỷ USD) hay Singapore (3 tỷ USD).

"Việt Nam có độ trễ nhất định nhưng sẽ đi rất nhanh khi đã bắt kịp xu hướng. Trong vòng 3 năm tới, hình thức mua trước trả sau sẽ trở thành hình thức chi trả phổ biến với người dùng tại Việt Nam", Đại diện công ty nhận định.

Dù vậy, thị trường mua trước trả sau nói riêng và vay tiêu dùng nói chung vẫn còn những thách thức. Nợ xấu là tâm điểm hàng đầu. Trong nửa đầu năm, FE Credit ghi nhận nợ xấu tăng 113% so với cùng kỳ 2021, lên khoảng 15,1% vào cuối quý II. HDSaison cũng có mức độ hình thành nợ xấu tăng cao trong hai quý đầu năm.

Trên mạng xã hội, các hội nhóm chia sẻ cách "bùng" nợ hay dịch vụ hỗ trợ không trả nợ cũng thu hút một lượng thành viên nhất định. Tuy nhiên, ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit cho rằng đó vẫn là những trường hợp nhỏ lẻ. Tình hình nhìn chung vẫn tích cực và các công ty như đơn vị của ông có bí quyết công nghệ và mô hình để sàn lọc khách hàng khi KYC (định danh khách hàng).

Còn với một số khách hàng như chị Thị Thu, những người trả nợ đúng hạn và hài lòng về các quyết định mua trả góp của mình, ngành này vẫn có một trường hợp làm mất điểm về thiện cảm với người tiêu dùng.

"Tôi luôn trả đúng hạn và nói với tổng đài không cần nhắc lịch trả nợ. Nhân viên đã xác nhận nhưng mỗi tháng vẫn gọi nhắc liên tục. Và chỉ cần vay một lần là họ sẽ gọi quảng cáo chào mời vay tiếp rất thường xuyên, phiền toái", chị nói.