DẤU ẤN MỜ NHẠT

Trong 10 năm qua, không có quá nhiều CLB nước ngoài liên kết với các lò đào tạo VN. Chỉ có 2 trường hợp nổi bật nhất, tạo được tiếng vang với giới truyền thông, nhưng cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn, là Lyon với Trung tâm TDTT Thống Nhất và Juventus với CLB TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Để đánh giá mối liên kết có hiệu quả hay không, hãy nhìn kết quả đầu ra. Cả lò Lyon và Juventus đều chưa có cầu thủ trẻ nào tạo được dấu ấn đậm nét ở các đội tuyển trẻ VN (một số cầu thủ của 2 lò này được gọi lên các đội tuyển U.17, U.19 VN nhưng số lượng khá ít).

Bóng đá Việt Nam cần làm lại: Những nước cờ sai

Nguyễn Trung Thành có lẽ là cái tên sáng giá nhất từ lò Lyon. Anh có một bàn thắng trong hành trình vô địch U.23 Đông Nam Á 2022 của đội tuyển U.23 VN tại Campuchia dưới sự dẫn dắt của HLV Đinh Thế Nam. Cá nhân Trung Thành cũng không góp mặt ở các giải danh giá khác như SEA Games, VCK U.23 châu Á và không cạnh tranh được vị trí tại CLB Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện tại anh chỉ chơi ở giải hạng nhì trong màu áo CLB Trẻ TP.HCM. Trước đó, tiền vệ này thường xuyên đi đá phủi, kinh doanh sân bóng để trang trải cuộc sống.

"Suốt khoảng thời gian tôi làm trợ lý ở CLB TP.HCM, lò Lyon hay lò Juventus đều không có cầu thủ giỏi nào để giới thiệu lên. Chất lượng cầu thủ trẻ ở đây không tốt. Thông thường, các em thi trượt ở những lò khác thì mới về đây. Các phụ huynh cũng sẽ ưu tiên những lò đào tạo khác như PVF, Hà Nội, Thể Công Viettel hay HAGL để gửi gắm con em mình, vì ở đó có hệ thống sân bãi, điều kiện ăn ở, tập luyện tốt hơn, và cũng tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ đi du dấu nước ngoài", một cựu trợ lý CLB TP.HCM chia sẻ với Báo Thanh Niên.

Nhưng ngoài những yếu tố khách quan như vừa kể trên, sự phát triển của bóng đá VN chưa bền vững bởi còn nguyên nhân nội tại.

THỰC CHIẾN QUÁ ÍT, SAO GIỎI NGAY ĐƯỢC

Không thành công cùng bóng đá VN, HLV Troussier đã nhìn nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không thành công đó, như Thanh Niên đã từng đăng tải: "Bóng đá VN vẫn chưa có đủ số lượng cầu thủ cần thiết để đạt những mục tiêu xa hơn. Tôi nghĩ một tập thể mạnh cần phải có những cá nhân tốt. Các cầu thủ cần phải đạt được những tiêu chí về mặt thể hình, kỹ thuật, kinh nghiệm và tư duy chơi bóng".

Thực tế đã chứng minh những nhận xét của ông Troussier không sai. Lực lượng cầu thủ các lứa kế cận của VN chưa dồi dào và chất lượng cũng chưa cao như kỳ vọng. Nguyên nhân nằm ở việc cầu thủ trẻ ít được thực chiến. Trúng tuyển vào một lò đào tạo danh tiếng đã khó, trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, được thi đấu tại V-League còn khó hơn rất nhiều. Một trong những nguyên nhân khiến các cầu thủ trẻ chưa tìm được chỗ đứng là thời gian cọ xát quá ít. Lâu nay, các giải trẻ lớn nhất của VN thi đấu theo thể thức đấu cúp. Gần đây, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) nỗ lực tăng số lượng trận đấu lên khi cho các đội thi đấu 2 lượt ở vòng loại, nhưng chừng đó cũng là quá ít. Trung bình mỗi đội được chơi khoảng 10 trận/giải.

Dành cho bạn

CHẬT VẬT ĐI TÌM CHỖ ĐỨNG

Những cầu thủ giỏi hơn, được góp mặt ở đội tuyển trẻ quốc gia, sẽ được chơi nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, số lượng các trận vẫn chưa đủ để nhào nặn các cầu thủ trẻ này thành những chiến binh thật sự nên hầu hết họ chưa đủ sức cạnh tranh suất đá chính ở đội một. Hãy nhìn vào hai cầu thủ nổi bật của bóng đá trẻ VN trong khoảng thời gian gần đây là Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường. Họ từng bùng nổ ở VCK U.23 châu Á 2022, tỏa sáng tại VCK U.20 châu Á 2023. Nhưng phải đến mùa giải 2023 - 2024 họ mới được trao cơ hội nhiều hơn, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm. Nhiều cầu thủ trẻ khác cùng trang lứa với Khang, Trường đều đang rất chật vật tìm chỗ đứng tại đội 1 V-League.

"Thật sự các cầu thủ trẻ ở VN được thi đấu quá ít. Các em cần được chơi bóng nhiều để tích lũy kinh nghiệm, nâng trình độ và bản lĩnh thi đấu. Ít nhất 2 tuần phải được thi đấu một trận. Ở cấp độ trẻ, các em được đá càng nhiều càng tốt. Trong điều kiện tuyệt vời nhất, các cầu thủ trẻ cần được đá giải league, thể thức sân khách - sân nhà, chơi bóng xuyên suốt mùa giải. Nhưng với tình hình hiện tại, tôi nghĩ việc này khó được triển khai. Chúng ta còn thiếu nhiều sân bãi và việc tổ chức giải league cho các lứa trẻ cũng tốn rất nhiều tiền. Đây không phải là vấn đề giải quyết được trong một sớm một chiều", cựu trợ lý CLB TP.HCM chia sẻ. (còn tiếp)

HỌC TẬP BÓNG ĐÁ THÁI LAN Ở ĐIỂM NÀO ?

Nếu cần một hình mẫu tham khảo, hãy nhìn sang đối thủ lớn nhất của VN trong khu vực: Thái Lan. Hiện tại, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan đã có hệ thống giải trẻ, chơi theo thể thức league cho nhiều lứa tuổi. Về hình thức liên kết, họ không cần tìm những đội bóng tại châu Âu mà tin vào Nhật Bản. Các CLB Thái Lan chủ yếu gửi những cầu thủ trẻ tài năng sang CLB Nhật Bản để tập luyện. Nếu thể hiện tốt, những cầu thủ đó có thể được chơi bóng tại xứ hoa anh đào. Các CLB Nhật Bản cũng thường xuyên theo dõi Thai-League 1. Một số mối liên kết nổi bật là Muangthong United - Urawa Reds, BG Pathum United - Cerezo Osaka, Buriram United - Consadole Sapporo.