Chiều muộn, Tuấn Em (34 tuổi, công nhân dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình - nơi bé Hạo Nam bị mắc kẹt) trở về lán với gương mặt thất thần sau một ngày ra công trường hỗ trợ lực lượng cứu nạn. "Cả tuần rồi, mỗi lần tui ra chỗ đó cứ nghe tiếng kêu cứu của bé trai trong đầu", Tuấn Em nói.
Anh Đoàn Tuấn Em kể lại thời điểm đầu tiên cứu bé Hạo Nam bất thành, chiều 6/1. Ảnh: Ngọc Tài
Hơn 11h ngày 31/12/2022, anh cùng đồng nghiệp sửa thiết bị bên kia sông, nghỉ tay chuẩn bị dùng cơm trưa trong căn chòi dã chiến bên công trường. Nhóm công nhân vừa dọn chén, ba đứa trẻ chạy vào với gương mặt "cắt không còn giọt máu".
"Thằng cu rớt xuống hố rồi, cứu nó chú ơi", một bé gái trong nhóm cùng Hạo Nam nhặt ve chai thảng thốt. Bỏ chén cơm, Tuấn Em cùng một số công nhân chạy theo nhóm trẻ đến khu vực hố khoan cọc nhồi bêtông, nghe giọng bé Hạo Nam khẩn thiết: "Chú ơi, lôi con lên dùm với". "Con đang ở đâu?", Tuấn Em gọi to và nghe tiếng kêu cứu phát ra từ miệng hố sâu hoắm.
Khi đó Tuấn Em toát mồ hôi hột, tim đập thình thịch vì không thể tưởng tượng lồng chiếc cọc bêtông quá nhỏ, một đứa trẻ sao có thể lọt vào. Anh cố hít thật sâu lấy lại bình tĩnh, hô hoán nhờ những người xung quanh đến ứng cứu.
Một người trong nhóm phóng ra cầu sắt bắc qua sông tìm dây thừng. Tuấn Em cũng tức tốc chạy sang trạm y tế cầu cứu, cùng một nhân viên y tế chở hai bình oxy đem đến hiện trường. Phát hiện sợi dây thừng buộc vào sà lan, nhóm công nhân chặt đoạn dài chừng 30 m, đem đến miệng hố rồi thả xuống. "Con bám vào sợi dây để các chú kéo lên", một người trong nhóm hét to.
Kéo căng dây cảm giác nặng biết bé đã bám vào, nhóm người dồn sức kéo lên, tuy nhiên, khi dây di chuyển khoảng một mét bỗng nhẹ hẫng cùng tiếng la "ới ới" phía dưới. Cả nhóm công nhân thất thần không ai bảo ai, nhưng biết bé đã trượt xuống sâu hơn.
Anh Thái Văn Tấn Tài những ngày qua luôn túc trực ở công trường cứu hộ chờ tin con. Ảnh: Hoàng Nam
Cách công trình gần một km, trong khi nhóm công nhân nỗ lực cứu hộ, anh Thái Văn Tấn Tài (40 tuổi) nghe tin con gặp nạn lúc vừa kết thúc làm đồng. Khi đó anh chỉ nghĩ con trai rơi xuống ống cống hầm cá. Hớt hải chạy đến hầm, anh Tài không thấy ai, tiếp tục phóng ra phía công trường. Khi thấy các công nhân nối dây, linh cảm người cha mách bảo con mình đang nguy cấp. "Lôi lên được lần nào chưa?", anh Tài hỏi gấp, được trả lời "kéo lên một lần mà hụt".
Nghe xong anh sốt ruột, hối nhóm người tìm thêm dây. Trong lúc nhóm công nhân tìm kiếm thiết bị cứu nạn, người cha lại gần miệng hố gọi con, nghe tiếng kêu "ba ơi cứu con". Anh động viên: "Con nắm cọng dây rồi ba lôi lên". Những phút sau đó, đáp lại anh chỉ là những âm thanh "khịch khịch" như con đang ngộp nước. Lúc này, người cha khuôn mặt khắc khổ mường tượng điều chẳng lành.
Cố giữ tia hy vọng, một người trong nhóm công nhân tại hiện trường tức tốc chạy sang UBND xã báo công an. Vừa dọn cơm trưa, chưa kịp ăn, anh Đặng Văn Giang, công an xã cùng đồng nghiệp vội vã lên xe máy đến hiện trường. "Đến nơi, dù không còn nghe tiếng của bé, nhưng chúng tôi cố gắng bơm oxy xuống cọc bêtông với hy vọng còn nước còn tát", anh Giang nhớ lại.
Hiện trường nơi bé Hạo Nam gặp nạn nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Tài
Dành cho bạn
Hay tin bé Hạo Nam gặp nạn, nhiều người dân gần đó mang thiết bị đến hỗ trợ. "Khi soi đèn pin xuống không thấy em. Phải chi bé còn tương tác, mình dễ xác định vị trí, động viên cháu an tâm, ngậm ống oxy kéo dài sự sống", đại úy Nguyễn Phương Hồng, một trong hai công an xã tham gia cứu hộ bé Hạo Nam ứa nước mắt kể lại.
Không buông xuôi, nhóm cứu hộ tiếp tục cột đèn pin vào một trong những ống oxy đưa xuống vừa hy vọng trông thấy, vừa giúp bé nếu còn tỉnh sẽ thấy mà đưa ống thở vào miệng. Tuy nhiên, dù phía trên mọi người hết sức nỗ lực, phía dưới cọc bêtông là khoảng không im lặng.
Tia hy vọng của nhiều người dần tắt khi nhiều ngày trôi qua công tác cứu hộ huy động tổng lực nhân sự, thiết bị song không thành. Tối 4/1, tỉnh Đồng Tháp thông tin bé Hạo Nam tử vong sau khi liên ngành y tế, pháp y và chính quyền hội chẩn dựa trên cơ sở, bằng chứng thu thập được.
Gần bảy ngày sau tai nạn thương tâm, người dân ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, chưa hết bàng hoàng. Xóm nghèo ven sông Tiền sinh kế chủ yếu trồng ớt, lúa song mùa màng bấp bênh. Năm trước cha mẹ bé Hạo Nam thất bát vụ ớt, nợ nần cả trăm triệu đồng và là một trong những hộ khó khăn của địa phương. Không nản lòng, họ trồng tiếp 1.000 m2 ớt sau nhà mong đủ miếng ăn cho 4 người. Nhà nghèo, 10 tuổi đầu, Nam chỉ nặng 20 kg, bằng đứa bé 3-4 tuổi.
Căn nhà của Hạo Nam được dựng sơ sài bằng sàn gỗ, vách lá chừng 15 m2 tuềnh toàng không một vật dụng giá trị. Mỗi ngày, bốn con người trong gia đình nhỏ không có nổi chỗ ngủ riêng. Ban ngày sàn nhà được các thành viên dùng làm chỗ ăn cơm, sinh hoạt, tối đến giăng mùng để cả nhà ngủ.
Căn nhà tuềnh toàng của gia đình Hạo Nam. Quân khu 9 đã thống nhất sẽ xây cho gia đình ngôi nhà mới, tìm việc cho vợ chồng anh Thái Văn Tấn Tài. Ảnh: Ngọc Tài
Mấy ngày qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (34 tuổi) không thiết ăn uống, hai mắt sưng húp vì thương con. Người mẹ trẻ nhớ lại, Nam là đứa trẻ ngoan, hiểu chuyện. Mỗi sáng sớm, em thường đến căn tin trường mua đồ ăn sáng về cho ba mẹ và em gái 20 tháng tuổi. Hôm nào nhà bán ớt có tiền, Nam mua gói cháo lớn 15.000 đồng cho cả nhà, lúc eo hẹp chỉ mua 5.000 đồng để em gái ăn. Ba người lớn lùa tạm cơm nguội.
Hai tháng gần đây, con nít trong ấp mừng rơn vì lớp dạy võ về mở tại trung tâm văn hoá xã, học phí 60.000 đồng một tháng. Nam xin mẹ cho tiền đóng tháng đầu tiên. Biết nhà khó khăn, em hay nhặt nhạnh ve chai, sắt vụn bán kiếm tiền. Mấy hôm trước cũng tại công trình cầu Rọc Sen, bé trai nhặt bán được 21.000 đồng, về hớn hở khoe, nói tháng này mẹ không phải đóng tiền học võ.
Anh Tài kể vợ chồng làm mướn, công việc bấp bênh, khiến hai con vất vả. Khi địa phương có dự án cầu bắc qua sông cùng với mở đường lớn, anh cùng vợ hy vọng cuộc sống quê nghèo thay đổi để con có tương lai tốt đẹp hơn. "Nhưng giờ tui không có mong ước gì xa xôi, chỉ muốn con sớm được đưa về nhà yên nghỉ", anh Tài rưng rưng nói.