Liên quan đến vụ việc gia đình 3 người ở TPHCM bị bỏng khi nướng mực bằng cồn, sáng 20/5, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang tiếp nhận điều trị cho bé T.H.T.V. (4 tuổi).

Vụ thai phụ sắp sinh bỏng thương tâm vì nướng mực: Bé 4 tuổi cháy mặt, đùi - 1

Bé V. tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: CTV).

Bé V. là con gái lớn của chị H.T.T. (28 tuổi, hiện sống tại TPHCM), người bị bỏng nặng nhất trong vụ việc khi đang mang thai 37 tuần.

Theo đó, thời điểm bé V. được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đã thăm khám và xác định bé bỏng 8% diện tích cơ thể. Bệnh nhi được thay băng, bù dịch, chăm sóc tích cực tại khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, đến nay vết thương đã lành tốt, độ bỏng giảm còn 2% và không cần phải mổ. Nhưng nhìn da vùng mặt, đùi và tay bé bị lửa cồn hủy hoại, người chứng kiến không khỏi xót xa. Hiện, V. đang được cha và dì thay phiên chăm sóc.

Vụ thai phụ sắp sinh bỏng thương tâm vì nướng mực: Bé 4 tuổi cháy mặt, đùi - 2

Da đùi và một số vị trí trên cơ thể bé gái bị lửa cồn hủy hoại (Ảnh: CTV).

Như Dân trí đã thông tin, cách đây ít ngày, gia đình chị T. có tổ chức tiệc cho thai phụ ăn trước khi đến bệnh viện chờ sinh.

Trong lúc dùng cồn nướng mực cho buổi tiệc, bà L. (mẹ chị T.) bất cẩn làm cồn đổ khiến lửa phựt lên, cháy vào áo quần các thành viên đang ngồi cạnh nhau. Hậu quả, 3 người trong gia đình bị bỏng.

Các nạn nhân vào cấp cứu tại một bệnh viện ở quận 10. Trong lúc này, chị T. chuyển dạ nên tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt con khẩn cấp. Sinh em bé xong, bệnh nhân và mẹ ruột được Bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận điều trị ngày 16/5. Ngoài ra, con gái lớn của chị T. được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị tích cực.

Dành cho bạn

Bác sĩ khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, cả hai bệnh nhân điều trị tại đây đều bỏng độ 2-3, có tình trạng sốc bỏng. Ekip điều trị đã tiến hành điều trị chống sốc, bù dịch, dùng kháng sinh mạnh, xử lý nhiễm trùng, nhiễm độc, hỗ trợ dinh dưỡng cho các bệnh nhân.

Vụ thai phụ sắp sinh bỏng thương tâm vì nướng mực: Bé 4 tuổi cháy mặt, đùi - 3

Chị T. thời điểm vừa sinh con, chuyển vào Bệnh viện Trưng Vương điều trị (Ảnh: CTV).

Sắp tới, chị T. và mẹ sẽ được cắt lọc, ghép da những vị trí bỏng sâu, sau đó tiến hành tập vật lý trị liệu để hồi phục, tránh sẹo co rút. Thời gian điều trị dự kiến kéo dài, tính bằng tháng.

Bác sĩ cảnh báo, cồn khi bén vào người sẽ gây bỏng và tổn thương da diện rộng. Nếu sơ cứu không đúng cách, bệnh nhân sẽ chuyển từ bỏng nông thành sâu nhanh chóng, khiến cơ thể, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng hơn.

Do đó, người dân cần cẩn trọng, tránh nấu nướng trong phòng kín. Cần sử dụng các loại bếp an toàn (như bếp từ, bếp điện) và không dùng cồn đổ ra ngoài để nấu nướng tự phát.