Trong tuần qua báo chí VN đăng hàng loạt tin về công cụ phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT với những chức năng vượt trội cùng với những lời cảnh báo cho một tương lai đầy bất ổn, đặc biệt là cho thị trường lao động.

Khi có một phát minh công nghệ có tính cách mạng thì nó mang lại thay đổi lớn trong môi trường sống, môi trường làm việc và thị trường lao động như máy chạy hơi nước, điện, máy tính, internet. Tuy nhiên chưa có một cuộc cách mạng công nghệ nào đã gây áp lực để thay đổi hệ thống giáo dục quốc gia cũng như triết lý giáo dục một cách toàn diện như trí tuệ nhân tạo (AI).

Trí tuệ nhân tạo ChatGPT: Nỗi lo hay niềm tin cho giáo dục ? - Ảnh 1.

ChatGPT truy cập, tích hợp và phân tích kiến thức (thông tin) hiệu quả, nhanh và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần

Khi ChatGPT viết một bài luận hay hơn con người có thể viết

Để phát triển kinh tế và xã hội, con người cần phải giải quyết các vấn đề trong công việc, cuộc sống và đưa ra giải pháp. Các vấn đề này được phân loại theo ngành nghề để dễ đào tạo. Năng lực lao động của một người là khả năng đề xuất và triển khai giải pháp cho các vấn đề trong ngành nghề đó một cách chính xác và hiệu quả. Để làm được việc đó thì người lao động cần có kiến thức (nhớ, truy cập, tích hợp, phân tích và sử dụng) để giải quyết vấn đề. Nếu vấn đề đủ lớn thì cần sự phối hợp của nhiều người. Nếu đứng ở góc độ cá nhân thì xưa nay các hệ thống giáo dục quốc gia đặt nặng vấn đề nhớ và truy cập kiến thức vì nó là điều kiện cần cho giải quyết vấn đề. Do đó, nhiều hệ thống giáo dục đặt nặng việc học thuộc lòng và trả bài trong các kỳ thi cử. Với sự xuất hiện của internet, việc lưu trữ và truy cập kiến thức không còn quá quan trọng cho con người trong việc giải quyết vấn đề.

Với công cụ tìm kiếm như Google thì con người cần khả năng tích hợp, phân tích và sử dụng kiến thức nhiều hơn khi cần giải quyết vấn đề. Nói một cách khác, khả năng giải quyết vấn đề sẽ hiệu quả hơn và nhanh hơn khi con người có thể truy cập và tích hợp kiến thức phong phú từ trên mạng hơn là dựa vào trí nhớ của mình. Do đó việc học thuộc lòng và nhớ không còn cần thiết.

Giờ đây công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT truy cập, tích hợp và phân tích kiến thức (thông tin) hiệu quả, nhanh và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần. Ngoài ra, nó còn có khả năng đánh giá tính phù hợp và sáng tạo trong việc đưa ra giải pháp cho vấn đề.

Tôi làm một ví dụ yêu cầu ChatGPT viết một bài luận để làm hồ sơ xin học ngành công nghệ thông tin AI ở đại học Mỹ dựa trên một số yếu tố cá nhân tôi nêu qua những gạch đầu dòng. ChatGPT viết một bài luận hay hơn khả năng tôi có thể viết. Điều ngạc nhiên qua kiến thức về những bài tự luận mà nó đã học, nó đánh giá thông tin về việc tôi giỏi toán không đủ mạnh. Nó tự chế ra một yếu tố hoàn toàn giả tạo nhưng có khả năng tăng tính cạnh tranh của hồ sơ xin vào đại học cho tôi.

Như thế việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì trách nhiệm của con người giờ chỉ còn đánh giá các giải pháp mà AI đề xuất, yêu cầu AI thay đổi và hoàn chỉnh sau đó quyết định sử dụng hay triển khai. Còn các vấn đề khác thì AI có thể hoàn tất hiệu quả và nhanh chóng hơn con người nhiều.

Trí tuệ nhân tạo ChatGPT: Nỗi lo hay niềm tin cho giáo dục ? - Ảnh 2.

Trang chủ công cụ ChatGPT đang gây “sốt” trên toàn cầu

Con người nên học gì, học thế nào ?

Vậy thì con người nên học gì, học như thế nào, và đánh giá năng lực lao động hay học tập của con người như thế nào? Đây là một bài toán khó cho giới học thuật trên toàn thế giới.

Hiện tại một số đại học Mỹ đã cấm sinh viên sử dụng công cụ ChatGPT. Đây chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có chính sách hay quy chế phù hợp. Và để có những chính sách mới thì cần thay đổi triết lý giáo dục và phương pháp đào tạo cũng như đánh giá năng lực. Tuy nhiên, trường cũng như giảng viên không có cách nào để phát hiện sinh viên sử dụng công cụ này nếu sinh viên biết dùng nó một cách hiệu quả như cố tình làm sai hay viết sai một vài yếu tố nhỏ. Nói một cách khác thay vì lấy 10/10 điểm thì lấy 8 hay 9/10 điểm thôi.

Trí tuệ nhân tạo như ChatGPT là một nỗi lo hay là niềm hy vọng? Câu trả lời sẽ tùy theo tâm thế của từng người trước sự thay đổi mà nó mang lại.

Dành cho bạn

GS Trương Nguyện Thành

Nếu cấm sử dụng thì hệ thống giáo dục cần công cụ phát hiện vi phạm nhưng hiện tại chưa có những công cụ đó. Xưa nay quản lý chất lượng là để loại bỏ chất lượng kém chứ không tìm chất lượng hoàn hảo. Đây sẽ là thách thức lớn nhất cho quyết định cấm sử dụng công cụ AI, đó là phát hiện vi phạm và có bằng chứng không tranh cãi được. Giải pháp này là một ngõ cụt vì công cụ AI sẽ xâm nhập vào mọi góc cạnh của cuộc sống con người sớm hay muộn mà thôi.

Để giải quyết vấn đề thì con người chỉ còn phải biết đánh giá và triển khai giải pháp mà thôi. Nhưng AI chỉ có thể đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà nó có kiến thức. Do đó, con người cần có khả năng phân nhỏ vấn đề phức tạp ra nhiều vấn đề đơn giản hơn mà AI có thể giúp giải quyết. Đây là kỹ năng mà con người có được sau khi đi làm chứ không học ở trình độ đại học ở nhiều nơi.

ChatGPT là gì ?

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là công cụ hỏi đáp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do OpenAI phát triển, được thiết kế để mô phỏng các cuộc trò chuyện giống của con người, có thể làm thơ theo yêu cầu, thậm chí có thể trả lời các câu hỏi phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau.
Các nhà sáng tạo cho biết đã có hơn 1 triệu người sử dụng ChatGPT trong tuần đầu tiên.
ChatGPT sử dụng điều gọi là công nghệ AI tạo sinh, với khả năng học từ kho dữ liệu để biết cách tạo ra hầu như mọi loại nội dung chỉ từ một cụm từ ban đầu.
“Đây là mô hình trí tuệ nhân tạo được huấn luyện dựa trên bộ dữ liệu văn bản cực lớn. Bạn có thể cung cấp đầu vào cho nó và nó thì cho bạn sản phẩm đầu ra. Cơ bản những gì nó làm là viết tiếp điều mà bạn cho nó. Nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ trả lời. Nếu bạn yêu cầu nó viết tiếp thứ bạn đang viết, nó sẽ làm vậy”, Andrew Patel, nhà nghiên cứu AI tại WithSecure, giải thích.
Sử dụng kỹ thuật học máy có tên gọi Học tăng cường từ phản hồi con người (RLHF), ChatGPT có thể mô phỏng các cuộc đối thoại, trả lời câu hỏi, nhận lỗi, thách thức các tiền đề sai và bác bỏ các yêu cầu không phù hợp.

Do đó, vấn đề cho giáo dục bây giờ là đào tạo con người có khả năng chia nhỏ vấn đề phức tạp thành những vấn đề đơn giản mà AI có thể giải quyết được. Sau đó biết cách đặt vấn đề một cách hiệu quả để công cụ AI hiểu và đưa ra những giải pháp hợp lý rồi biết cách đánh giá để đưa ra quyết định chọn lọc một giải pháp để triển khai.

Một cách dễ hiểu nếu bạn cần phải lái xe đến một địa điểm mà bạn chưa hề đến. Lúc xưa bạn cần phải biết tra cứu bản đồ rồi đưa ra lộ trình để đi qua từng tỉnh. Giờ bạn chỉ cần cập nhật địa chỉ, Google Maps sẽ vẽ cho bạn nhiều lộ trình. Bạn cần phải đánh giá từng lộ trình rồi quyết định chọn một lộ trình để đi. Tuy nhiên khi triển khai, nếu có đường bị tắc thì bạn cần phải đánh giá lại và thay đổi để thích nghi. Với Google Maps việc một người không thuộc đường vẫn có thể tự lái đến các nơi chưa hề đi qua một cách dễ dàng mà xưa nay không hề như thế.

Trí tuệ nhân tạo ChatGPT: Nỗi lo hay niềm tin cho giáo dục ? - Ảnh 5.

ĐH Quốc gia Úc thay đổi cách thức đánh giá do lo ngại sinh viên dùng công cụ AI để gian lận

Với công cụ trí tuệ nhân tạo cũng thế. Trí tuệ nhân tạo sẽ là một cái não thứ hai hoạt động với công suất cao hơn, một người bạn, một người thầy, một đồng nghiệp, một trợ lực tốt nhất có thể vì khả năng đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng cho từng cá nhân. Lúc bấy giờ vai trò của người thầy cũng sẽ phải thay đổi một cách toàn diện.

Vậy trí tuệ nhân tạo như ChatGPT là một nỗi lo hay là niềm hy vọng? Câu trả lời sẽ tùy theo tâm thế của từng người trước sự thay đổi mà nó mang lại.