3 tháng đoạn đường di chuyển chỉ từ máy tính ra bàn ăn
3 tháng nay, anh Nguyễn Tuấn Anh (30 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) chưa có một ngày cuối tuần được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Đoạn đường di chuyển xa nhất của anh chỉ vỏn vẹn hơn 500m từ nhà ra siêu thị để mua đồ ăn, các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Không gian sống và làm việc của lập trình viên này quây trọn trong căn phòng rộng 20m2. Chiếc máy tính là vật bất ly thân của anh.
Làm lập trình viên tại một công ty về công nghệ của Hàn Quốc, mỗi tháng anh Tuấn Anh nhận mức lương ngót nghét 100 triệu đồng.
"Khối lượng công việc nhiều đến nỗi không có thời gian mà tiêu tiền".
Anh Nguyễn Tuấn Anh Kỹ sư IT
Công ty mà anh đang làm việc chuẩn bị ra mắt ứng dụng công nghệ mới. Chính vì vậy mà anh Tuấn Anh cùng các đồng nghiệp khác trong nhóm phải tập trung cao độ, làm hết sức để kịp tiến độ sản phẩm. Việc thức đến 23h đêm hay thậm chí đến 3-4h sáng hôm sau diễn ra đều như cơm bữa với cậu kỹ sư trẻ.
Những bữa cơm chóng vánh với các món luộc với Tuấn Anh là chủ đạo, để tiết kiệm thời gian. Việc ăn tối cũng thường xuyên diễn ra sau 22h đêm.
"Có khi bận quá, vừa tranh thủ nấu cơm tay tôi vẫn cầm điện thoại để nghiên cứu về những giải pháp công nghệ. Có lần mải "code" (sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra những mã lệnh - PV) mà cháy cả nồi canh đang nấu trên bếp", anh Tuấn Anh kể.
Nam kỹ sư IT chia sẻ, công việc bận rộn không chỉ ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt, sức khỏe mà còn khiến cuộc sống riêng tư của anh cũng dị biệt, khác thường.
Tuấn Anh kể, có lần đang cuộc hẹn hò cùng một người bạn gái mới quen thì có tin nhắn công việc yêu cầu phải "fix bug" (xử lý lỗi trong lập trình) khẩn cấp. Khi đó, vì không mang theo máy tính và tình huống gấp gáp nên ngay trong cuộc hẹn đầu tiên mà nam kỹ sư đành bỏ rơi cô gái để chạy về nhà lấy máy tính. Cố gắng quay trở lại quán cà phê nhưng cuộc trò chuyện với "bạn gái tiềm năng" cũng thành thảm họa vì nam kỹ sư lại cắm mặt vào máy tính.
Mức lương lập trình viên theo năm kinh nghiệm (Ảnh: TopDev).
Theo Tuấn Anh, những thông tin trên mạng đồn đoán ngành IT đang là nghề dẫn đầu bảng khi có mức lương khủng không sai nhưng để đạt được mức lương hàng trăm triệu, kỹ sư phải thực sự rất giỏi trong nghề, có khả năng làm việc với cường độ áp lực lớn hoặc giữ vị trí chủ chốt trong các công ty.
Nam kỹ sư công nghệ chia sẻ, do đặc thù của ngành IT là công nghệ thay đổi theo từng ngày, từng giờ nên lập trình viên phải học hỏi liên tục, sáng đi làm, tối học thêm công nghệ. Nếu không có kỹ năng nghiên cứu, tự học hỏi công nghệ mới, nhân sự sẽ rất dễ bị đào thải. Bên cạnh đó, công việc cả ngày gắn liền với máy tính và những dòng code, cũng bởi vậy không ít lập trình viên được nhận xét là khô khan.
Anh Trần Tú (quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh, 27 tuổi) hiện đang làm ở một công ty công nghệ tại Hà Nội cũng cho rằng, ngành IT đang rất phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên đây không phải là "đất hứa" với tất cả mọi người.
Có kinh nghiệm gần 5 năm trong ngành, hiện mức lương của anh Tú đạt gần 30 triệu đồng/tháng. Nhân viên công nghệ này chia sẻ, đây chỉ là mức lương trung bình, không cao trong ngành lập trình, song tính chất công việc vẫn hết sức căng thẳng, vất vả, nhất là những thời điểm chuẩn bị ra mắt các tính năng hay sản phẩm mới. Nhiều trường hợp, lập trình viên phải làm việc thâu đêm để xử lý những vấn đề phát sinh và hỗ trợ khách hàng.
Nhân viên công nghệ đối mặt nhiều áp lực trong công việc (Ảnh minh họa: pexels)
Từ khảo sát hơn 4.000 ứng viên, thông tin trong báo cáo của Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam đã tổng kết, đưa ra bảng lương chi tiết của người lao động tại nhiều vị trí trong các ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Dành cho bạn
Theo đó, ở lĩnh vực công nghệ thông tin, mảng phát triển kinh doanh có kinh nghiệm mức lương từ 12-35 triệu đồng/tháng (TP Hà Nội) và 19-50 triệu đồng/tháng (TPHCM); mảng phát triển phần mềm lương khởi điểm của người mới tốt nghiệp ở TP Hà Nội là 10-23 triệu đồng/tháng, TPHCM là 16-28 triệu đồng/tháng, có kinh nghiệm là 23-70 triệu đồng/tháng và lên bậc chuyên gia là từ 70-117 triệu đồng/tháng.
Tuổi nghề kiểu "sống gấp"
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với kiến thức tích lũy khi học thạc sĩ ngành công nghệ thông tin ở Hàn Quốc, anh Vũ Đăng Thịnh (SN 1995, ở Bắc Ninh) tự tin chinh phục, theo đuổi lĩnh vực này khi về nước.
Hiện anh đang làm vị trí kỹ sư lập trình về AI (trí tuệ nhân tạo), Big data (dữ liệu lớn)… cho một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Miệt mài làm việc, mỗi tháng mức anh nhận mức lương 35-40 triệu đồng/tháng. Đây là thu nhập mơ ước của người lao động ở nhiều ngành nghề khác.
Để có mức thu nhập như vậy, anh Thịnh phải làm việc liên tục, thực hiện một dãy các kế hoạch, dự án mới. Đặc trưng công việc khiến người lao động trong nghề này luôn phải suy nghĩ, tư duy với các thuật toán phức tạp.
Bên cạnh đó, do đặc thù lĩnh vực công nghệ thông tin luôn chịu sự đào thải rất khốc liệt nên mỗi nhân sự cũng phải không ngừng cập nhật xu hướng mới đáp ứng yêu cầu thay đổi liên tục về công nghệ, sản phẩm của công ty.
Kỹ sư IT này kể: "Người lao động trong ngành này luôn phải học hỏi không ngừng bởi công nghệ mới sinh ra liên tục, các công ty liên tục cập nhật công nghệ mới cho sản phẩm của mình. Cho nên, bản thân mỗi nhân sự đều phải duy trì chu trình ngày đi làm, tối về tự học hỏi, nếu không sẽ dễ bị lạc hậu".
Nếu như nghề bác sĩ, giáo viên rất chú trọng đến kinh nghiệm, thâm niên nghề nghiệp thì tuổi càng cao lại càng là một rào cản với nhân viên công nghệ. Tại Việt Nam, các công ty về IT phần nhiều là gia công phần mềm nên họ ưa chuộng tuyển dụng các lập trình viên trẻ để giảm chi phí. Bởi vậy, những lập trình viên đã có tuổi nếu không có kỹ năng tốt sẽ rất khó để cạnh tranh.
"Một số công ty về công nghệ không thích nhân viên "cứng" tuổi. Độ tuổi lý tưởng ở lĩnh vực này là dưới 35. Tuổi nghề của lập trình viên ngắn ngủi như vậy nên khi có tuổi, nhân sự ngành này thường phải phấn đấu để đạt được các vị trí như quản lý dự án (Project manager), giám đốc kĩ thuật (CTO) ...", anh Thịnh chia sẻ.
Đào thải khốc liệt
Anh Nguyễn Duy Linh, Giám đốc một công ty về phần mềm ở Cần Thơ khái quát, thu nhập trung bình của kỹ sư IT hiện nay khoảng 60 triệu đồng/tháng. Để có mức lương đó, anh Linh thừa nhận, người lao động trong ngành này phải cập nhật kiến thức công nghệ liên tục do công nghệ và kỹ thuật thay đổi rất nhanh. Nếu không cập nhật thì họ sẽ khó cạnh tranh trên thị trường lao động, dễ bị đào thải.
Qua thực tế làm việc, Giám đốc công ty phần mềm này đúc rút, các dự án IT thường không rõ ràng, đòi hỏi người làm việc phải có kinh nghiệm và kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực để. Ngoài ra, các yêu cầu thường thay đổi theo tình hình hoạt động của khách hàng, dẫn đến khả năng hoàn thành công việc khá khó khăn và mất thời gian. Nhân viên IT thường làm việc nhiều giờ với máy tính, thường xuyên làm overtime (tăng ca) để kịp tiến độ, điều này ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội của họ.
Mức lương của các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Còn ông Phạm Khang, Giám đốc một công ty về công nghệ tại Hà Nội cho biết, ngành IT vẫn đang trong cơn khát nhân lực, đặc biệt là với nhân sự chất lượng cao. Hầu hết các công ty công nghệ đều liên tục tuyển dụng các vị trí IT nhưng đa số ứng viên chỉ đáp ứng được ở mức cơ bản, rất khó để tuyển được những nhân sự có kinh nghiệm, kỹ năng. Vì vậy doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo nhân sự trẻ để đáp ứng được yêu cầu công việc.
"Với những nhân sự mới (Juinor), mức lương trung bình xoay quanh 10-20 triệu đồng/tháng. Sau 3-5 năm, khi tích lũy đủ kinh nghiệm ứng viên có thể nhận những mức lương tốt hơn tại vị trí Senior (nhân sự chủ chốt). Mức lương trên 100 triệu đồng/tháng ở Việt Nam không nhiều người đạt được nhưng với kỹ sư IT, khi trở thành một phần không thể thiếu của doanh nghiệp và được giữ các vị trí quan trọng thì mức thu nhập 100-200 triệu là hoàn toàn có thể. Mức thu nhập này bao gồm lương cứng và các ưu đãi như % lợi nhuận hoặc mua cổ phiếu ưu đãi...", ông Khang nói.
Ông Khang cũng thông tin thêm, để đạt được mức lương khủng trong ngành IT không dễ dàng, nhân sự phải trở thành một phần quan trọng của công ty. Ngoài vững chuyên môn, người đó còn cần liên tục trau dồi, phát triển những khả năng khác của bản thân như kỹ năng giao tiếp, quản lý. Rất hiếm khi một nhân sự giữ vị trí quan trọng lại chỉ làm thuần túy về chuyên môn, mà thường làm việc trên phương diện quản lý, hỗ trợ các nhân viên cấp dưới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.