Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 1.

Hai sào lá dong nhà chị Thanh cho thu hoạch khoảng 30.000 lá, tương đương với 30 triệu đồng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

‘Lá dong Tràng Cát là giống dong nếp, bầu lá tròn và dai. Lá có màu xanh non, cuống dài. Khi luộc chín, bánh có màu xanh lá tự nhiên, đẹp mắt và có vị thơm đặc trưng’, vừa kể, chị Chu Thị Thanh - một chủ vườn tại làng Tràng Cát - vừa chọn lựa kỹ lưỡng từng chiếc lá dong bán Tết Nguyên đán.

Cả nhà cắt lá dong

Nhà chị Thanh có hơn 2 sào lá dong, dự kiến cho thu hoạch khoảng 30.000 tàu. Từ ngày 10-12 âm lịch, gia đình chị đã phải huy động hết các thành viên trong gia đình ra vườn cắt lá.

Cắt đến đâu chị Thanh lại ôm bó lá ra cho anh Nguyễn Văn Tú (chồng chị Thanh) bó gọn, chuyển về nhà. Tại vườn lá dong chỉ cần sắp xếp gọn để tránh bị rách khi vận chuyển.

"Ngay sau khi thu hoạch lá dong sẽ được nhấn ngập nước và xếp thành chồng. Khi cắt hết lá tại vườn, cả nhà sẽ phân loại lá theo kích thước để thương lái đến thu mua", anh Tú chia sẻ.

Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 2.

Chị Chu Thị Thanh cho biết lá dong năm nay xanh, đều lá và ít bị sâu. Hiện giá lá dong thu mua tại vườn dao động 80.000 - 120.000 đồng/100 tàu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cách nhà chị Chu Thị Thanh không xa, với 4 sào lá dong, gia đình chị Phan Thị Tuấn phải thuê thêm 10 người để đẩy nhanh tốc độ thu hoạch lá dong bán Tết.

"Lá dong không thể thu hoạch sớm quá vì để lâu lá sẽ hỏng, còn thu hoạch muộn quá lại không kịp bán cho thương lái. Năm ngoái, giá thuê nhân công là 200.000 đồng/ngày, nhưng năm nay tăng lên 250.000 - 300.000 đồng/ngày", chị Tuấn chia sẻ.

Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 3.

Tranh thủ được nghỉ, chị Nguyễn Hiền - giáo viên tại Trường THCS Cầu Giấy - về phụ giúp gia đình thu hoạch lá dong trước Tết Nguyên đán - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Trăm năm trồng lá dong

Cả làng đều thu hoạch lá dong vào cùng một thời điểm nên việc tìm nhân công cũng khó khăn hơn. Vào lúc cao điểm, nhà chị Tuấn phải hoạt động hết công suất với lịch trình dày đặc. Sáng dậy sớm cắt lá đến trưa mới nghỉ tay ăn cơm, rồi lại tiếp tục cắt lá đến tối muộn. Về nhà cả nhà lại tất bật sắp lá dong 50 tàu/bó, để thương lái tiện thu mua.

Làng Tràng Cát, xã Kim An là làng có truyền thống trồng lá dong hàng trăm năm tuổi. Đây là một trong những vựa lá dong lớn tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cung cấp lá dong cho Hà Nội và vùng lân cận.

Dành cho bạn

Lá dong Tràng Cát đang được thu mua tại vườn với giá 80.000 - 120.000 đồng/100 tàu. Dự kiến cận Tết, giá có thể tăng thêm.

Hiện, thị trường có hai loại lá gói bánh chưng là lá dong rừng và lá dong ta (lá dong Tràng Cát). Giá bán lẻ tại chợ của lá dong rừng thường chênh từ 10.000 - 20.000 đồng/bó so với lá dong ta. 

Theo kinh nghiệm dân gian, người dân nên bảo quản lá dong bằng cách dấp nước, bó lại và dựng đứng ở nơi có độ ẩm cao và phần cuống lá hướng xuống dưới. Với cách này, lá dong có thể để tươi tới 20 ngày.

Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 4.

Trên chiếc sân cũ lọt thỏm giữa vườn lá dong, mỗi thành viên trong gia đình chị Thanh lại phụ trách một khâu để nhanh chóng hoàn thành phần việc - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 5.

Lá dong được sắp xếp gọn gàng và bó lại để tránh bị rách - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 6.

Anh Nguyễn Văn Tú xếp lá dong lên xe mang về nhà bảo quản - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 7.

Gần 12h trưa, lá dong được vợ chồng chị Thanh chất đầy xe và chở về nhà - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thấy Tết đến gần khi làng Tràng Cát tấp nập bán lá dong - Ảnh 8.

Sau khi chuyển về nhà, lá dong được dấp nước và cất vào chỗ mát - Ảnh: NGUYỄN HIỀN