Thời điểm này, nhiều nơi bắt đầu mở cửa làm ăn trong năm mới. Nhiều người trẻ miền Tây cũng tranh thủ trở lại nơi học tập, lao động mưu sinh. Bên cạnh những túi hành lý, họ còn mang theo những ước mơ, hoài bão và những kế hoạch, mục tiêu phấn đấu để tết năm sau được như ý hơn tết năm nay.
Hết kỳ nghỉ tết, người trẻ miền Tây lại lỉnh kỉnh hành lý đi học tập, lao động với nhiều ước mơ, hoài bão cho riêng mình
Mong công việc thuận lợi, khó khăn nhanh chóng qua đi
Nguyễn Hoàng Phúc (28 tuổi, H.Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết, ba mẹ đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Về phần anh, theo kế hoạch, đến tháng 4.2023 sẽ tốt nghiệp ngành chuẩn đoán hình ảnh tại Trường ĐH Trà Vinh. Phúc mong sớm xin được chỗ làm phù hợp, có thu nhập ổn định để tự trang trải cuộc sống và phần nào giúp cha mẹ về gánh nặng kinh tế.
Thế nhưng, niềm mong mỏi lớn nhất của anh Phúc vẫn là ngày gia đình đoàn viên. “Đã 4 năm nay, tết đến tôi đều về ở cùng chú thím bên nội. Tôi mong ba mẹ bên Đài Loan làm ăn suôn sẻ, nhanh có điều kiện giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Ngày các thành viên sum họp trong đêm giao thừa, cùng quây quần bên mâm cơm gia đình là mơ ước bao năm qua của tôi”, anh Phúc tâm sự.
Anh Phúc hy vọng sẽ có công việc ổn định sau khi tốt nghiệp và gia đình được đoàn viên
Còn Nguyễn Thị Phương Thoa (26 tuổi, H.Hồng Dân, Bạc Liêu), sau hơn nửa tháng về quê ăn tết cùng gia đình, chị sẽ trở lại TP.HCM làm việc vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Thời gian nghỉ tết đọng lại trong chị nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng cũng xen lẫn nỗi buồn khi một số người bạn và họ hàng vì mưu sinh đã không thể về quê ăn tết như mình.
Thoa mong năm mới công việc của ai cũng thuận lợi, những khó khăn sẽ nhanh chóng qua đi, cuộc sống bớt căng thẳng để ai cũng được vui vẻ, hạnh phúc. “Tôi làm nghề bất động sản, sức mua bấp bênh. Nửa năm nay thị trường có vẻ như ‘đóng băng’, tôi không chốt được hợp đồng nào cả. Hy vọng chuyến hành trình mưu sinh mới này sẽ triển vọng, khả quan”, chị Thoa nói trước khi đi làm lại tại TP.HCM.
Cũng như nhiều người khác, chị Nguyễn Hồng Phấn (31 tuổi, H.Long Mỹ, Hậu Giang) mong ước gia đình sẽ được nhiều sức khỏe, luôn vui vẻ và lạc quan. “Năm qua với nhiều biến động và thăng trầm, được về quê ăn tết tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tuy nhiên, năm nay tôi chạnh lòng vì cha đột nhiên trở bệnh, không còn đi đứng thoải mái để trò chuyện, ăn uống cùng con cháu. Năm mới, tôi không cầu mong gì hơn là mọi người trong gia đình luôn mạnh khỏe. Bởi, dù ai có làm ăn trắc trở thế nào thì mỗi lần về với mẹ cha, mọi buồn phiền cũng như tan biến”, chị Thoa nói.
Mong có tiền phụ gia đình cất lại nhà đã cũ
Trong khi đó, Vũ Trọng Nghĩa (22 tuổi, H.Long Mỹ, Hậu Giang) phấn khởi cho biết sẽ quyết tâm thực hiện lộ trình tiết kiệm tiền lương để tích lũy tiền cưới vợ. Nghĩa và bạn gái đã quen hơn 3 năm. Họ đã ra mắt gia đình hai bên, nhận được nhiều ủng hộ nhưng chưa tiến tới hôn nhân vì điều kiện nhà trai còn khó khăn.
Dành cho bạn
“Năm nay đi chúc tết tôi nhận được khá nhiều câu hỏi của dòng họ 2 bên về ý định kết tóc se duyên của hai đứa. Tôi làm trong một công ty sản xuất nón bảo hiểm ở TP.HCM. Tiền lương thưởng mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, nếu tăng ca đêm sẽ nhiều hơn. Tôi nhủ mình phải thật cố gắng, chịu cày nhiều hơn, tiết kiệm hơn để việc 2 đứa có thể tiến hành lễ cưới hỏi, về chung một nhà sẽ thành sự thực”, Nghĩa bộc bạch.
Nghĩa cố gắng năm nay sẽ làm được nhiều tiền để cưới vợ
Còn đối với Nguyễn Hưng Phát (29 tuổi, H.Long Mỹ, Hậu Giang), mục tiêu lớn nhất trong tết năm sau sẽ là tìm được câu trả lời cho những câu hỏi ‘khó’ của người quen trong tết này, đại loại như: “Có người yêu chưa, bao giờ dẫn về ra mắt”.
Phát bày tỏ: “Nơi tôi làm là trong một công ty sản xuất bao bì ở Đồng Nai. Trước đây, giờ làm việc chính thức và tăng ca đã ngốn hết thời gian rảnh của bản thân. Năm nay, tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho cá nhân để có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè, để… thoát ‘ế’. Bên cạnh mục tiêu số 1 đó, tôi cũng sẽ phấn đấu là mua xe gắn máy mới khoảng 40 triệu đồng, phụ gia đình cất lại căn nhà đã cũ”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Nguyễn Trọng Văn (36 tuổi, ngụ H.Hồng Dân, Bạc Liêu) có phần buồn bã cho biết, năm nay việc làm ăn không thuận lợi nên gia đình 3 thành viên về quê ăn tết mà không giúp đỡ được nhiều cho cha mẹ. Vì hoàn cảnh, vợ chồng anh cũng hạn chế đưa con đi chơi tết đó đây.
“Tôi thật sự không hài lòng khi năm qua vợ chồng đi làm ăn cả năm nhưng không dư dả như mong đợi. Sắp tới, vợ chồng tôi sẽ có công việc mới trong xưởng gỗ ở Bình Dương. Mỗi người đảm nhận 1 công đoạn khác nhau. Hy vọng năm nay chúng tôi sẽ không gặp phải tình trạng mất việc trước tết, phải lao đao tìm việc mới nữa”, anh Văn chia sẻ.
Ước mơ, dự định của mỗi người là khác nhau. Nhưng trong muôn vàn điều mơ ước và ấp ủ riêng, người trẻ ở miền Tây lại có điểm chung là cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, kinh tế ổn định để tết sau vẫn có điều kiện trở về quê ăn tết cùng gia đình. Bởi, món quà tinh thần quan trọng nhất đối với những người đi làm ăn xa xứ là tết sum họp, tết đoàn viên.