Niềm tin bất chấp
Trận gặp Indonesia tối 21.3 không phải lần đầu tiên, quyết định sử dụng Phan Tuấn Tài và Võ Minh Trọng của HLV Philippe Troussier bị mang ra mổ xẻ.
Ở tuổi 23, Tuấn Tài là một trong những hậu vệ trái triển vọng nhất của lớp kế cận. Cầu thủ sinh năm 2001 được nhận xét là có kèo trái rất "ngoan", khéo léo cùng kỹ năng phát triển bóng tốt.
Tuy nhiên, Tuấn Tài không hợp đá trung vệ, dù đặt vào bất cứ hệ thống phòng ngự nào. Bởi cầu thủ 23 tuổi thiếu yếu tố cốt lõi: năng lực phòng ngự và kỹ năng tranh chấp. Khi Indonesia liên tục tăng cường cơ bắp với gần một đội hình nhập tịch, chỉ để thắng càng nhiều cuộc tranh chấp tay đôi càng tốt, HLV Troussier vẫn tin dùng Tuấn Tài, với một cơ thể "mỏng", khả năng bật nhảy kém, cùng nhiều sai sót cá nhân.
Trường hợp của Minh Trọng cũng tương tự. Hậu vệ trái của đội Bình Dương là học trò của ông Troussier từ năm 2019, khi HLV người Pháp dẫn dắt U.19 Việt Nam. Minh Trọng có cổ chân trái dẻo, khả năng đột phá, kéo bóng từ biên tốt. Nhưng cũng giống Tuấn Tài, Minh Trọng được tin dùng từ trận này qua trận khác, dù kỹ năng phòng ngự yếu và mắc không ít sai lầm. Lựa chọn của ông Troussier, có lẽ nhằm để học trò tự tiến bộ sau những thất bại.
Dù vậy, đó là tính toán sai lầm. Cánh trái với Minh Trọng (chạy cánh) và Tuấn Tài (trung vệ lệch) trở thành "tử huyệt" để Indonesia khai thác.
Bàn thắng của Egy Maulana Vikri là tổ hợp của những sai lầm: Tuấn Tài không thể bật lên tranh chấp với cầu thủ Indonesia. Còn Minh Trọng, trong tư thế phòng ngự chới với đầy nghiệp dư, đã phá bóng thẳng vào chân Egy. Đó là sai lầm sơ đẳng khó chấp nhận của một đội tuyển đang ôm mộng World Cup.
Thực ra, khó trách những cầu thủ với số trận đá V-League chưa tới con số 20 có thể đá một trận tròn trịa về kỹ chiến thuật, giữa một chảo lửa khủng khiếp như Gelora Bung Karno, trong bối cảnh đối thủ gây áp lực trong từng tích tắc.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao HLV Troussier vẫn tin dùng những con người đó? Sau 3 năm làm giám đốc kỹ thuật PVF và 1 năm huấn luyện đội tuyển Việt Nam, thử nghiệm không dưới 100 cầu thủ ở mọi độ tuổi, phải chăng HLV người Pháp không tìm được người nào tốt hơn những gương mặt ông đã dùng?
Dành cho bạn
Xóa cờ làm lại
Bình luận viên Ngô Quang Tùng đặt dấu hỏi: "Nếu giữ nguyên con người như trận lượt đi, đội tuyển Việt Nam có chơi khác đi được không? Trước đây chúng ta đá với Indonesia với tâm lý rất thoải mái, bây giờ với tình thế tâm lý ức chế sau hai trận thua liên tiếp, chúng ta tự tạo ra tâm lý rất dở trước Indonesia. Nếu để đá không thua, tôi nghĩ cầu thủ có thể giải quyết được, bởi vốn dĩ Indonesia không có gì đặc sắc. Nhưng hiện giờ lấy gì để xoay ngược tình thế?".
HLV Troussier gọi trận tái đấu với Indonesia vào ngày 26.3 như trận lượt về vòng knock-out Champions League. Đội tuyển Việt Nam đã thua lượt đi, nhưng sẽ đòi lại tất cả nếu thắng lượt về.
Chiến lược gia người Pháp có thể đánh lại một thế cờ mới. Chưa bàn đến chuyện HLV Shin Tae-yong của Indonesia cũng có thừa những nước cờ "lạ" để giăng bẫy đội tuyển Việt Nam, có lẽ HLV Troussier cần tập trung vào đội bóng của mình. Đội tuyển Việt Nam cần chơi ở phiên bản tốt nhất, dù đối thủ là ai. Trước mắt cứ phải vậy đã.
Trước Indonesia, chiến lược gia 69 tuổi đã tung ra đội hình với 7 tuyển thủ có dưới 12 trận khoác áo đội tuyển quốc gia, bao gồm Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn, Mạnh Dũng, Đình Bắc, Xuân Mạnh và Nguyễn Filip.
Trong đó trừ Nguyễn Filip là ngoại lệ đã chứng tỏ đẳng cấp, 6 cầu thủ còn lại đều đứng trên lằn ranh chơi vơi. Một đội hình lỏng lẻo về bản lĩnh, đã sụp đổ ngay khi Indonesia thay đổi lối chơi.
Để thắng ở trận lượt về, HLV Troussier cần nước đi mới. Có quá nhiều thứ cần giải quyết, từ tâm lý cầu thủ, hệ thống thi đấu đến cách sắp xếp con người. Cơ hội vẫn còn nếu đội tuyển Việt Nam chịu thay đổi. Nhưng thay đổi lại là thứ khó nhất với ông Troussier lúc này.