HLV Lê Kỳ Phương trong buổi huấn luyện đội U11. Ảnh: Báo NA
Những người thầy tâm huyết
Nhắc tới những cầu thủ trẻ đang gây ấn tượng tại V-League 2022, không thể bỏ qua Đinh Xuân Tiến, cái tên mới 19 tuổi cùng gương mặt “non choẹt” được HLV Nguyễn Huy Hoàng trao cơ hội trong màu áo SLNA. Mùa giải năm ngoái, Xuân Tiến còn đang thi đấu cho các đội trẻ (U19, U21 SLNA) nhưng sự tiến bộ vượt bậc đã giúp anh có tên ở đội 1 tham dự sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam.
Dù mới 19 tuổi nhưng Văn Tiến có cách chơi rất chững chạc, tư duy chiến thuật và kỹ thuật đều tốt. Chính bởi vậy, khi không thể triệu tập anh cho đội tuyển U19 Việt Nam dự giải U19 Đông Nam Á 2022, HLV Đinh Thế Nam đã rất tiếc nuối.
Câu chuyện về cầu thủ 19 tuổi này cũng rất đặc biệt bởi khi 11 tuổi, anh từng khiến HLV Lê Kỳ Phương 5 lần tới tận nhà thuyết phục gia đình cho theo nghiệp bóng đá. Tiến bộc lộ tài năng sớm qua Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng Nghệ An năm 2014, nơi anh giành danh hiệu Vua phá lưới, còn đội bóng huyện Nam Đàn lên ngôi vô địch.
Tuy nhiên, nếu không có tâm huyết của HLV Kỳ Phương, bóng đá xứ Nghệ đã mất đi một nhân tài. Và câu chuyện trên cũng phần nào làm sáng tỏ cho câu hỏi, vì sao bóng đá xứ Nghệ luôn dồi dào tài năng dù mọi mặt điều kiện thua kém nhiều CLB, trung tâm khác. Ở đó, mỗi HLV đều như một sứ giả mang tình yêu bóng đá truyền cho các bạn nhỏ bằng tất cả sự tận tụy.
HLV Kỳ Phương chia sẻ, ông làm đào tạo trẻ cho SLNA từ năm 2003 và kinh qua rất nhiều lứa học trò, không ít người trong số đó thành tài và cũng có những tiếc nuối. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, niềm đam mê và muốn cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà khiến ông Phương cứ miệt mài như một chú ong thợ.
“Không có đam mê thì không theo đuổi được công việc này bởi bóng đá trẻ đâu chỉ dạy chuyên môn mà các thầy còn phải uốn nắn từng chút về tính cách, phương pháp huấn luyện vừa phải cứng rắn vừa phải mềm mại. Nhìn chung, chúng tôi vừa làm thầy, vừa làm cha, vừa làm bạn với các con”, ông Phương tâm sự.
Ở lò đào tạo trẻ SLNA, những HLV gắn bó hàng chục năm chẳng phải hiếm và điểm chung là họ đa phần đều là người bản địa. Chính kinh nghiệm và sự am hiểu về con người, bóng đá xứ Nghệ trở thành tiền đề để các HLV giúp học trò phát huy hết tiềm năng sẵn có, tạo sức bật về mặt chuyên môn.
HLV Đinh Văn Dũng, người “gõ đầu trẻ” suốt 25 năm qua đến bây giờ còn chẳng thể nhớ hết mình đã từng huấn luyện bao nhiêu cầu thủ nhí. Học trò của ông không ít người đã giải nghệ.
“SLNA không như nhiều CLB khác, chúng tôi thiếu thốn nhiều và thu nhập cũng không cao nhưng tôi và anh em làm đào trẻ vẫn quyết tâm bám trụ. Đam mê là một phần, phần khác vì muốn cống hiến sức mình cho sự phát triển của bóng đá xứ Nghệ”, ông Dũng bày tỏ.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm, giáo án huấn luyện của SLNA không có gì quá đặc biệt, thậm chí được xây dựng chủ yếu từ kinh nghiệm. Nhưng ở mọi lứa tuổi, lò đào tạo xứ Nghệ luôn chú trọng việc rèn luyện ý thức tực lập, kỷ luật, tác phong và đạo đức.
“Nước sông Lam cạn, bóng đá Nghệ An mới hết nhân tài”
Bóng đá xứ Nghệ luôn sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng. Ảnh: VPF
Một người bạn của tôi kể, CĐV SLNA luôn truyền tai nhau câu nói: “Khi nào nước sông Lam cạn thì bóng đá Nghệ An mới hết nhân tài”. Quả đúng như vậy, suốt chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam, SLNA là cái nôi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ xuất sắc.
Dành cho bạn
Có thể kể ra như cha con cựu danh thủ Văn Sỹ Chi (các con trai Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn), Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Công Vinh, Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Hoàn, Nguyễn Trọng Hoàng hay về sau này là Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn, Phạm Mạnh Hùng, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, Đinh Xuân Tiến…
Theo HLV Lê Kỳ Phương, mảnh đất xứ Nghệ vốn thời tiết khắc nghiệt, đời sống người dân ở các huyện đa phần rất khó khăn nhưng bù lại chính hoàn cảnh này đã hun đúc nên con người nơi đây cần cù, chịu thương chịu khó.
“Không riêng bóng đá, người Nghệ An ở lĩnh vực nào cũng khát khao vươn lên. Với cầu thủ Nghệ An, các em chủ yếu xuất thân nông dân, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên khi theo đuổi bóng đá các em không có đường lùi mà phải tiến lên để hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, niềm tự hào SLNA cũng là kim chỉ nam để mọi thế hệ cầu thủ nơi đây nhìn vào và cố gắng từng ngày”, ông Phương phân tích.
Đương nhiên, bên cạnh khát khao, theo ông Phương, không thể phủ nhận cầu thủ xứ Nghệ có năng khiếu bẩm sinh và say mê trái bóng ngay từ khi còn rất nhỏ. “Nghệ An là địa phương mà người dân đam mê bóng đá, việc con cái theo nghiệp quần đùi áo số được các bậc phụ huynh rất đồng lòng, vun vén.
Đi tới thôn, xã, huyện nào ở Nghệ An các bạn sẽ thấy những em nhỏ chơi bóng. Tự phát cũng có, tổ chức cũng có, nhiều thôn mà giải bóng đá phong trào có tới cả chục đội tham dự. Chính những sân chơi như thế đã góp phần tạo ra những tài năng trẻ”, ông Phương khoe.
Tìm kiếm tài năng ngay tại chỗ
Để tận dụng “vốn” sẵn có, SLNA thành lập 25 lớp năng khiếu nghiệp dư ở các cơ sở được đặt tại 21 huyện, thành, thị. Để được chính thức có tên trong danh sách đội trẻ SLNA, những mầm non SLNA đã có ít nhất 2 – 3 năm ăn tập trong lớp năng khiếu trước khi bước vào những bài sát hạch, kiểm tra vô cùng gắt gao. Đây chính là nguồn chính cung cấp cầu thủ cho lò SLNA với 200 – 230 VĐV được duy trì mỗi năm.
Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SLNA thông tin, SLNA không thể so về điều kiện với các trung tâm khác. Vì vậy, con đường riêng của SLNA là nhờ vào những vệ tinh đặt ở các cơ sở trực thuộc tỉnh. Đây là con đường tối ưu nhất, phát hiện được VĐV sớm nhất.
Mỗi năm SLNA bổ sung 15 – 20 VĐV chính quy. Và mỗi năm, mỗi lớp năng khiếu nghiệp dư cung cấp 2 – 3 em. Thay vì phải đi tìm kiếm tài năng ở khắp các khu vực, SLNA đi tìm kiếm tài năng từ rất sớm và tại chỗ.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô tuyển sinh hơn nữa. Những cháu nào ở các tỉnh lân cận nếu có phẩm chất và chuyên môn tốt, SLNA sẵn sàng chào đón”, ông Nghĩa nói.
Xét về thành tích, SLNA đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất về số lần vô địch ở các giải trẻ. Là đội duy nhất 7 lần vô địch lứa tuổi U11, trong đó có 5 năm liên tiếp: 2017, 2018, 2019, 2020, 2022 (2021 không tổ chức vì dịch Covid-19).
Ở lứa tuổi thiếu niên là 9 lần đăng quang vào các năm: 1997, 1998, 2003, 2013, 2014, 2018, 2019, 2020 và 2022. Lứa tuổi U17 là kỷ lục 8 lần vào các năm: 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2012, 2020. Lứa U19 là kỷ lục 5 lần: 1999, 2001, 2004, 2005, 2006 và 5 lần của lứa U21: 2000, 2001, 2002, 2012, 2014.
Số lần vô địch ít nhất của SLNA trong cấp độ trẻ là giải U15 với 4 lần vào các năm: 2002, 2018, 2019, 2022.