Thay vì giấc mơ trăm tỉ, “vua phòng vé” bắt đầu tơ tưởng tới dòng phim nghệ thuật, mà vì đó, đạo diễn “Nhà bà Nữ” tự nhận đã ít nhiều pha sai tỉ lệ cho món “kem trộn” trong “Nhà bà Nữ”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra lúc canh khuya, khi Trấn Thành vừa về tới nhà, ăn tối lúc 1 giờ sáng và giọng vẫn sang sảng như không mệt mỏi nào có thể chạm được tới con người giàu năng lượng này ở vào tầm tuổi tròn 3 con giáp.
Lần đầu tiên, chủ nhân của hai kỷ lục doanh thu ngoạn mục nhất của điện ảnh Việt tự tay “nhặt sạn” trong bộ phim mới nhất của mình, những hạt sạn mà anh ngạc nhiên sao tới giờ vẫn chưa thấy ai nói tới mà “toàn đi chê mấy thứ không đâu à!”, cùng mong muốn sẽ làm một bộ phim về bi kịch của… sự im lặng, thay vì tiếng ồn (như trong Nhà bà Nữ).
“Thừa thắng xông lên” đến nỗi anh không cho phép mình được nghỉ ngơi sao? Ít ra, để tái tạo năng lượng?
Tôi nghĩ đây chưa phải là lúc cần tái tạo mà trái lại, cần tranh thủ ngay lập tức nguồn năng lượng đang sẵn có trong mình. “Thừa thắng xông lên” ở đây không phải là “thấy bở đào mãi” mà chính bởi không gì có thể “đào mãi” mới cần phải tranh thủ. Ai cũng vậy thôi, và nhất là trong cái nghề sáng tạo này, trong đời họ sẽ có một khoảng “giờ vàng” quý giá cho một trạng thái minh mẫn và thông tỏ nhất để nhìn thấy rõ nhất, thấu suốt nhất con người họ, con đường đi của họ, những khao khát vẫn hằng nung nấu họ…, đủ để giúp họ thăng hoa và phát tiết.
“Cao thủ không bằng tranh thủ”?
Đúng vậy! Thường thì tôi hay nhìn đời mình như nhìn một tấm bản đồ, với những “quy hoạch vùng” cho từng cữ 5 năm một. Cứ mỗi 5 năm, tôi lại đoán chừng tiếp 5 năm sau đó tôi sẽ đi tới đâu, làm tiếp những gì. 5 năm đó có thể tôi đi thẳng một lèo, cũng có thể tôi rẽ ngang rẽ ngửa, có lúc dừng lại để điều hướng, căn chỉnh sao cho thuận tự nhiên, nhưng cái nhất quán và xuyên suốt vẫn cứ phải là một tâm thế luôn luôn đi tới, về phía những gì đang thu hút mình, đón đợi mình.
Trấn Thành tại trường quay Nhà bà Nữ. Đoàn phim cung cấp
Có quãng nào… “tranh thủ không bằng cao thủ” không? Anh từng cảm giác chán mình chưa?
Có. Có khoảng 2 năm, lúc đó tôi còn đứng diễn hài trên sân khấu, thì tự dưng là, cảm thấy mình không được vui nữa, không còn thấy mình hay ho, những lời mình nói ra không lấp được khoảng trống nào cả, phía trước mặt hay trong chính bản thân mình; nó vô vị, vô nghĩa và cả vô định nữa; không còn thiết đi đâu, gặp ai, làm gì… Đó là lúc tôi mơ hồ sợ hãi cái guồng quay mà ở đó mình thậm chí không còn cả cơ hội được nạp vào và tái tạo…
Và từ đó, nhà làm phim Trấn Thành ra đời?
Cũng không hẳn. Giấc mơ làm phim đến một cách đường đột và ngẫu nhiên hơn tôi nghĩ. Đó là sau khi đóng phim Bệnh viện ma cùng Hari Won, rồi sau đó là Cua lại vợ bầu. Cả hai phim, đạo diễn Nhất Trung đều mời tôi tham gia vào khâu kịch bản ( Cua lại vợ bầu còn gồm cả công đoạn dựng phim). Đấy là những cột mốc đầu tiên đ.ánh dấu một thằng cha Trấn Thành có khả năng “làm gì đó” với một kịch bản phim, can thiệp vào nó từ khâu “trứng nước”. Thì khi phim ra, và mặc dù Cua lại vợ bầu cũng là một kỷ lục doanh thu khủng, nhưng tôi vẫn thấy lấn cấn sao đó vì câu chuyện vừa được kể đó, nó dường như không giống hoàn toàn với những gì trước đó mình tưởng tượng, mình gần như đã nhìn thấy rõ mồn một trong đầu bằng những hình ảnh sống động nhất mà rốt cuộc đã không nhấc ra được, không hiện ra trên màn ảnh…
Đó là lúc tôi nhận ra một sở thích thường trực ở mình: kể cho ai đó nghe một câu chuyện mà có thể tác động mạnh tới tâm lý của họ. Cũng là một khả năng đã sớm được bộc lộ từ khi tôi còn nhỏ: mọi người rất hay cười phá lên trước những câu chuyện của tôi, họ vui vì cách kể chuyện đó của tôi. Tôi cho rằng đó cũng là một dạng năng lượng mà dần dà mình sẽ gọi đó là “sứ mệnh”. Sứ mệnh truyền đi những năng lượng tích cực trong một đời sống bị xâm thực bởi quá nhiều năng lượng tiêu cực. Sứ mệnh thắt chặt lại những sợi dây bị lỏng lẻo bởi quá nhiều giằng níu, va đ.ập. Ví dụ như là tình thân, tình người, lẽ sống…
Tưởng tượng được tất cả, trừ… doanh thu (ngoài sức tưởng tượng)?
Không có một con số cụ thể, nhưng ngay từ đầu, tôi gần như có được sự tự tin đủ cho tưởng tượng. Có thể là do trước đó, tôi gần như chưa bao giờ có một sản phẩm nào đưa ra thị trường mà bị thất bại về doanh thu cả, từ live show tới DVD…, hay trong câu chuyện làm phim thì là Cua lại vợ bầu – bộ phim thu về gần 200 tỉ mà trong đó, tôi được một đạo diễn giàu kinh nghiệm như Nhất Trung mời tham gia hai công đoạn quan trọng. Nó là một minh chứng mạnh giúp tạo đà động lực.
Và động lực lớn nhất của tôi là làm phim vì con người, hơn là vì… con số. Con số với tôi chỉ là phần thưởng đính kèm cho động lực đó mà thôi.
Nghe có vẻ “tử vì đạo!
Có thể khi đứng ngoài và đứng xa con số đó, người ta sẽ khó mà tin được điều đó, sẽ thấy nó “sai sai”. Tôi thì nghĩ thế này: Có những con số, ở vào một cái ngưỡng nào đó, sẽ khiến người ta muốn cho đi nhiều hơn. Con số càng lớn, cảm giác biết ơn cuộc đời càng tăng. Thời điểm tôi nhận ra điều đó sâu sắc nhất chính là những ngày đại dịch cam go nhất nơi tâm dịch, khi bao phận người bé nhỏ ở ngoài kia đang phải chật vật mưu sinh, thậm chí còn không biết ngày mai ăn gì, không còn cả đường về quê và có thể bị cái đói cướp đi trước khi c.hết vì dịch bệnh. Thì đó là lúc mình ở trong nhà, không làm gì mà cũng không phải lo c.hết đói, và thốt lên: “Trời ơi, cũng có ngày mình được nghỉ ngơi nè!”. Mình đã may mắn được sinh ra trong một kiếp người mà không phải lo đói lo rét, mình có một trí khôn đủ để ấm thân, lại còn nhận được bao nhiêu thương yêu từ bạn bè, những người hâm mộ, những ngày đó luôn sốt sắng hỏi mình: “Thành ơi, mày có đồ ăn chưa?”…
Đi qua những ngày đó, sẽ không thấy sức mạnh của những con số nữa. Con số đó có lớn hơn nữa thì cùng lắm cũng chỉ có thể làm mình hạnh phúc được ngang đó. Mà có ít hơn nữa thì mình cũng vẫn hạnh phúc cơ mà! Đi qua những ngày đó, cảm hứng lớn nhất của tôi là muốn được cho đi và san sẻ…
Thường anh thích kể một câu chuyện thế nào: Một tiếng kêu? Một lời khuyên? Hay thậm chí, một lời biện hộ?
Một lời nhắc.
Nhà bà Nữ nhắc gì?
Nhắc về một tiếng kêu, khi những người trẻ không thương lượng được với gia đình mình, về cách mà họ muốn lựa chọn để trưởng thành.
Vậy anh đã bao giờ tự nhắc mình chưa, về cách mà cái gã tham lam Trấn Thành không thương lượng được với chính mình và phải ôm đồm đủ thứ: Diễn viên, MC, giám khảo game show, biên kịch, đạo diễn…?
Không ít lần bụng bảo dạ: “Bớt đi, đừng bao đồng nữa!”, vậy nhưng tôi cũng không dễ để chừa được cái bệnh ôm đồm đó, vì trong mình luôn chất chứa quá nhiều năng lượng. Nhưng nếu để ý thì trong năm 2022 rõ ràng là tôi đã chịu thu mình lại, giảm thiểu tối đa sự xuất hiện của mình, thậm chí còn cả gan từ chối làm MC cho một game show mới hot nhất hiện nay để toàn tâm toàn ý cho việc làm phim.
Cái thằng cha Trấn Thành – đạo diễn là được ưu tiên nhất rồi đó! Dù thật ra, cũng phải có những “thằng cha” kia thì mới có được “thằng cha – đạo diễn” đó. Với tôi, khi làm phim, nó giống như đi kêu mấy cái “thằng cha” kia cùng về góp chuyện, góp vốn để cùng làm nên một bộ phim vậy. Mỗi phiên bản là một vốn sống, và trường quan sát.
Vậy cổ đông nào là trường vốn nhất trong số đó?
Vị “Chủ tịch Hội đồng quản trị” chắc chắn sẽ là Trấn Thành – đạo diễn. Ngẫm lại, tôi thấy cái tư chất đạo diễn ở mình hình như đã sớm được phát tiết từ nhỏ. Đi ăn tiệc với ba mẹ hay lúc la cà với bạn bè, tôi đều thích đứng ra trước mọi người và bày trò gì đó thật vui để hướng sự chú ý vào mình hoặc tập hợp họ lại. Nó là một dạng năng lượng trời sinh, mà sau đây, khi gặp môi trường thuận lợi hoặc đủ chín, nó chắc chắn sẽ thành hình và lộ diện.
Cảnh trong phim Nhà bà Nữ. Đoàn phim cung cấp
Phiên bản nào là đáng tiếc nhất khi phải hy sinh nó?
Là Trấn Thành MC. Trong những chỉ số thông minh mà tôi may mắn có được, tôi tự đ.ánh giá cao nhất là chỉ số thông minh về phát ngôn ở mình. Hạnh phúc nhất của đời tôi, chắc chắn là được nói. Nếu như đạo diễn là người đứng sau ống kính và tư duy bằng cách nghĩ chậm, thì hạnh phúc của một MC là được đứng trước ống kính, và nói ra được những điều hay ho mà anh ta nghĩ ra được, rất nhanh, tại thời điểm đó. Vào cái ngày mà Trấn Thành không còn ý tưởng hay ho nào để làm phim, thì công việc cuối cùng hắn muốn làm trước khi rời khỏi cái vũ trụ này, chính là được nói.
Chứng kiến sức công phá phòng vé của Bố già và Nhà bà Nữ, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lo rằng, rất có thể tới đây sẽ bùng nổ dòng phim gia đình như một công thức ăn khách bị lạm dụng. Và đó là lúc Trấn Thành thừa khôn ngoan để… cười mỉm và rời đi?
Chính xác hơn là tôi sẽ rời đi trước cả khi có làn sóng đó. Ở nơi nào đã và sẽ có nhiều người, nhiều thứ tương tự, ở đó sẽ không có tôi, còn tôi. Cái nghề này là vậy, giống, tức là c.hết. Và vì cuộc sống này còn bao điều để kể, bao nhiêu quan hệ chồng chéo, bao nhiêu vấn đề cần bóc tách, chứ đâu chỉ quẩn quanh giữa mấy người thân. Hoặc những vấn đề muôn thuở, nhưng cần một con dao mổ mới, để đưa ra những lát cắt mới. Chẳng hạn: câu chuyện về lòng tham cơ bản của con người, về phân hoá giàu nghèo, về khoảng cách quá xa giữa không chỉ người giàu và người nghèo mà còn giữa trí thức và những người lao động chân tay, về cách mà chúng ta có thể yêu thương hay ghét bỏ một ai đó, định dạng nào là phù hợp nhất cho mỗi chúng ta trong đời sống tình cảm của mình…
Tự thấy mình có thế mạnh về phân tích tâm lý, mối quan tâm hơn hết của tôi khi làm phim, rộng ra sẽ là những câu chuyện mà ở đó, các va đ.ập tâm lý diễn ra mạnh nhất và phức tạp nhất, khó nhìn thấy và bóc tách, phân định đúng sai nhất.
Sau hai bộ phim đều về bi kịch của những tiếng ồn, anh có quan tâm đến bi kịch của sự im lặng, ít ra là trước khi nó va đ.ập và bùng nổ?
Ồ, đó chính xác là câu chuyện mà tôi đang muốn kể đấy! Chỉ mong ai đó từng kêu Nhà bà Nữ ồn (ủa, một cái xóm lao động với những người bình dân sao không cho người ta ồn vậy trời!), thì tới lúc xem những thước phim im lặng kia sẽ đừng kêu: Ủa, sao không ai nói gì vậy trời?
Nghĩ đi, còn gì đáng sợ hơn bi kịch của sự im lặng! Cái im lặng của sự mất kết nối; hoặc ích kỷ, không muốn lên tiếng giùm ai, cho bất kỳ cái gì; hoặc có định nói, thì cũng lại chùn lại vì ý nghĩ: Nói ra ích gì… Chừng đó phép tính nó dần làm thui chột tâm hồn con người ta, thui chột các mối quan hệ mà đáng ra cần được tưới tắm hàng ngày. Nói ra mà còn chưa hiểu được nhau, huống hồ im lặng!
Dành cho bạn
Tôi cũng muốn làm một bộ phim về bi kịch của sự uyên bác, nơi người ta sẽ biết cách tàn nhẫn với nhau một cách tinh vi nhất; nơi người ta thừa đủ thông minh để làm tổn thương bạn và tự bào chữa cho họ một cách hợp lý, hợp pháp nhất, để không ai bắt được vào đâu…
Vậy bi kịch của Trấn Thành là gì?
Cô đơn.
Cô đơn? Một người vợ (vẻ như) tâm đầu ý hợp, một lượng fan khổng lồ dành cho các phiên bản khác nhau của Trấn Thành cùng vô số khán giả đã làm nên doanh thu kỷ lục của Bố già và Nhà bà Nữ…; vậy mà còn chưa đủ sao?
Tới giờ này, ngoài vợ ra, tôi quả thật chưa thấy ai thực sự hiểu mình. Ngoài sự ủng hộ của khán giả, tôi vẫn cảm thấy cô đơn trong cuộc chiến kéo thị trường điện ảnh đi lên và tới gần khán giả này. Trước những lời bình luận ác ý, đôi lúc tôi tự hỏi: Ủa, người ta đang làm gì với một bộ phim vừa tạo ra được sự khởi sắc đến vậy ngoài rạp chiếu, ngay đầu năm, sau một năm thị trường đầy ảm đạm? Sao người ta có thể đ.ánh tráo các khái niệm đến vậy, một khi họ muốn vùi dập một ai đó… Ừ thì có thể nó chưa được hay theo như họ cảm thấy, OK, nhưng sao lại là thái độ ấy, thái độ vùi dập không thương tiếc một bộ phim Việt chỉ đang cố giành được chiến thắng chính đáng trên sân nhà?
Có thể nào là cảm giác cô đơn vì… không có đối thủ không, ở đây là phòng vé?
Nói thế thì thiếu khiêm tốn quá, và cũng là quá sớm. Cái gì cũng có thời đoạn của nó, điện ảnh Việt rồi đây sẽ có những Trấn Thành mới, chỉ là họ trụ được bao lâu mà thôi.
Vậy hãy thử làm một phiên bản Trấn Thành – nhà phê bình hay Trấn Thành – khán giả đi! Nếu anh là người bỏ tiền ra mua vé, anh sẽ đòi đạo diễn Nhà bà Nữ phải chỉnh sửa những gì?
Có những cái dở đâu khó để nhận ra mà chưa mấy ai nói nè! Bối cảnh. Nhà bà Nữ bị dở ở bối cảnh. Bối cảnh chính luôn! Cái quán bánh canh đó, cái khu lao động đó, nó thật sự bị thiếu sinh khí, thiết kế bối cảnh chưa được sâu và cần được trau chuốt hơn. Nó đã bị dựng vội, để kịp chiếu Tết.
Cũng tại bởi chiếu Tết mà tôi đã bị cái “tư duy phim Tết” chi phối quá, đã không đủ tự tin để có thể làm mặn hơn, đã trộn vào đó hơi nhiều công thức ăn khách của một bộ phim thị trường. Vì mải đứng trong tâm thế của người làm một bộ phim chiếu Tết nên tôi cứ bị cái tâm lý phải làm sao cho người ta được cười chút, vui chút, và rốt cuộc đã không kể được câu chuyện của mình đúng hoàn toàn như cách mà tôi muốn kể.
À, hóa ra cái “kẻ bán kem trộn” ở đây không phải là “con Như” mà chính là… “chồng con Như” (vai diễn của Trấn Thành trong Nhà bà Nữ)?
Đúng rồi! Và tiếc là, hắn ta đã trót pha sai tỷ lệ, giữa công thức ăn khách của một bộ phim chiếu Tết, và tâm thế muốn được làm một bộ phim thị trường nhưng có hơi hướng nghệ thuật.
Cảnh trong phim Nhà bà Nữ. Đoàn phim cung cấp
Nghe đâu, anh đang tơ tưởng tới phim nghệ thuật? “Giàu” rồi thì sẽ cần “sang”?
Để mà nói thực lòng yêu thích, thì với tôi, đúng đó là phim nghệ thuật. Vì mỗi khi xem nó, tôi đều thẫn thờ tự hỏi: Ủa, trên đời này có những người làm phim theo cái cách này hả? Ủa sao nó đúng với cảm xúc của mình vậy trời, sao họ kể nó ra hay vậy?…
Để chạm được tới đỉnh cao, một số người sẽ được trời ban cho một thứ năng lượng đặc biệt, một cơ chế thích nghi với độ cao hình chóp đó, và cùng đó là độ loãng không khí, là thưa thớt bóng người, là khả năng chịu đựng cô độc… Nó cũng giống như khi người ta mang một đôi giày cứng để tập ballet vậy, với người bình thường thì sẽ rất đau đớn, nhưng với những người được sinh ra để làm điều đó, họ sẽ chỉ thấy bồng bềnh và thơ thới. Tôi mong mình sẽ dần xác lập được cái “cơ chế” đó, để một ngày nào đó không xa có thể xỏ được chân mình vào đôi “giày cứng” đó của dòng phim nghệ thuật.
Nhưng dĩ nhiên chưa phải bây giờ. Tôi đâu vội đi chứng minh với thế giới tôi có thể làm được hết cái này tới cái nọ. Giờ là lúc cần lấy ngắn nuôi dài, và mỗi phim sẽ cố nhét vào đó một “miếng nghệ thuật”, cho khán giả quen dần… Là đang “dụ” người ta vào nhà mình đã, rồi dần dần mình sẽ chỉ cho họ xem phòng này phòng kia, và rất có thể, căn phòng đẹp nhất sẽ ẩn ở cuối hành lang.
Căn phòng đó biết đâu chẳng ai buồn hỏi thuê, ở đó mà “trấn thành”! Liệu anh đã chuẩn bị trước tâm thế để đi từ một Trấn Thành bất bại thành một Trấn Thành… thất bại?
Tôi chỉ coi đó là thất bại khi những bạn nghề thuộc dòng phim đó không công nhận giá trị của nó. Còn một khi đã làm phim nghệ thuật, thì có nghĩa không quan tâm tới các con số, cũng không màng chiếu Tết.
Mất công mơ sao không là một giấc mơ kép luôn đi, cho thiên hạ trầm trồ: Vừa công phá phòng vé, vừa đoạt Oscar, như Ký sinh trùng?
Ký sinh trùng quả thật là giấc mơ lớn nhất mà tôi đã từng mơ và sẽ còn mơ, tôi thậm chí luôn bị nó ám ảnh cả khi đang làm một bộ phim thị trường. Nếu để ý kỹ, các bạn sẽ nhận thấy trong Nhà bà Nữ có một đôi cảnh khá là “lạc quẻ” so với một phim thị trường, phim gia đình thông thường. Cả âm nhạc, cả cách mổ xẻ tâm lý, cách kể chuyện… của nó nữa. Đó là lúc tôi đang đem lòng tơ tưởng cái thứ mà thường làm tôi điêu đứng đó!
Thất bại lớn nhất của Trấn Thành tới giờ này là gì?
Là tôi đã để cho cái tay “Trấn Thành – diễn hài” được “lộng hành” quá lâu, cái cười đó lắm khi còn là dễ dãi nữa, để lâu dần thành sự mặc định của mọi người. Nên khi tôi nghiêm túc, tôi thực lòng nghiêm túc, tôi thật ra là một cái người rất nghiêm túc, thì người ta sinh nghi, người ta nghĩ tôi đang cố gồng. Thường ra, một bộ phim không thuộc thể loại hài nhưng có những trường đoạn hài, hay một câu thoại nào đó hài, một bộ phim hành động Mỹ chẳng hạn, thì sẽ được người ta khen là duyên, là nét chấm phá cần thiết. Nhưng nếu bộ phim đó, cách kể chuyện đó là của Trấn Thành, ngay lập tức người ta sẽ nghi: Ồ, Trấn Thành mà, lấy đâu ra mà nghiêm túc!
Con chuột nào khiến con mèo Trấn Thành muốn bắt nhất (2023 là năm tuổi của Trấn Thành)?
Là con chuột hướng nội. Vì con mèo đó hướng ngoại quá, cái năng lượng nó phát ra rõ ràng là hướng ngoại, trong khi cái tâm thế của nó thật ra là muốn hướng nội.
Cảnh trong phim Nhà bà Nữ. Đoàn phim cung cấp
Có không, nguy cơ “mèo già hóa cáo”?
Nhìn qua thì có vẻ sắp thành cáo rồi đó, nhưng thật ra con mèo đó luôn rất ngây thơ. Đủ để yêu lần nào cũng như lần đầu, vẫn chừng đó khóc cười thổn thức, không có dấu hiệu gì của một người từng trải cả. Luôn dễ tin, dễ buồn như thuở ban đầu, dù đã được nhìn thấy quá nhiều điều trên cuộc đời này. Có thể bị hố, có thể có lúc rút kinh nghiệm, nhưng sẽ rất nhanh quên, rất dễ tha thứ, để yêu lần nào cũng tinh khôi như yêu lần đầu.
Coi vậy nhưng nó cũng không có hiền đâu nha, không dễ lại gần làm quen và kiểm soát nó đâu. Con mèo nó yêu thương có chọn lọc, chứ không yêu thương một cách vô điều kiện như con chó.
Ngây thơ cũng là một phẩm chất của nghệ thuật đấy nhỉ?
Tôi không gọi đó là phẩm chất. Tôi gọi đó là món quà. Không có món quà đó, người làm nghệ thuật sẽ không thăng hoa được. Phải lần nào cũng như lần đầu, chúng ta mới có thể kể một câu chuyện thật giàu cảm xúc.
Anh thích nhìn cuộc đời bằng cặp kính nào?
Bằng chính cặp mắt của mình, và quan sát ở cự ly gần nhất có thể. Trong tất cả các bộ sưu tập cá nhân của mình, tôi lúc nào cũng ưu tiên những vật nhỏ. Tôi luôn nhìn thấy sự thú vị trong những món đồ tí hon, thích cái năng lượng tinh khôi và khó nhìn thấy đó, cái bé nhỏ mà vô cùng của nó. Cuộc đời cũng vậy thôi, chẳng hay ho gì cái việc phóng to nó ra cả, để nhìn thấy chi chít vết rạn ư, ích gì!
Nếu logo của Nhà bà Nữ là con cua, thì của “nhà ông Thành” là con gì?
Con tắc kè. Để thích nghi được mọi địa hình và có khả năng biến màu đủ để tự vệ.