Khổ với giấy xác nhận cư trú - Ảnh 1.

Thế nhưng nhiều trường hợp người dân và cơ quan, tổ chức đang rất khổ với xác nhận cư trú, như "đẻ" ra thêm "giấy phép con".

Nhiêu khê xác nhận độc thân

Ngày 15-2, chị M.H. đến UBND phường 14, quận 10 (TP.HCM) làm xác nhận độc thân. Chị H. thường trú ở phường 14 đã lâu và có căn cước công dân, được cấp xác nhận độc thân năm năm trước. Cán bộ tư pháp hướng dẫn chị cần cung cấp giấy xác nhận cư trú (mẫu CT07), đồng thời hướng dẫn chị sang công an phường để xin xác nhận cho nhanh, tránh thời gian chuyển tiếp.

Chị H. đến công an xin cấp giấy CT07 thì công an phường viết phiếu hẹn ba ngày sau trả kết quả.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường 14 Trần Khánh cho hay để xác nhận tình trạng hôn nhân chuẩn xác thì cán bộ tư pháp phải biết được thông tin cư trú của người dân tại địa phương kèm mốc thời gian.

Trong khi đó, dù có bảy cách chứng minh thông tin cư trú nhưng chỉ có giấy xác nhận cư trú là có xác định mốc thời gian. Thông tin này trước đây có trong hộ khẩu ở phần chuyển khẩu, cán bộ tư pháp căn cứ sổ hộ khẩu có thể xác nhận độc thân cho người dân.

"Người dân phàn nàn rất nhiều về rắc rối này. Cán bộ tư pháp cũng rất áp lực bởi từ khi bỏ sổ hộ khẩu thì chưa có hướng dẫn của các cơ quan cấp trên về loại giấy tờ nào có thể thay thế giá trị của sổ hộ khẩu sử dụng giải quyết xác nhận độc thân. Trong khi xác nhận độc thân liên quan đến rất nhiều các nhu cầu của người dân như kết hôn, vay ngân hàng, mua bán tài sản, nhà đất... nữa", anh Khánh chia sẻ.

Chị T.T. (trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp tình trạng này khi có lý do thay đổi chỗ ở khác nhau và cũng chờ hẹn sau ba ngày để cảnh sát khu vực xác minh thêm. "Bỏ sổ hộ khẩu rồi, dùng căn cước công dân gắn chip tưởng nhàn hơn ai dè còn mất thời gian hơn", chị T. băn khoăn.

Đi học, cấp nước... đều cần xác nhận cư trú

Đầu năm 2023, ông N.V.S. (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đi đăng ký lại định mức nước do hộ của ông có tăng thêm nhân khẩu. Cán bộ tiếp nhận ở phường đề nghị ông thực hiện thủ tục xin xác nhận thường trú thông qua dịch vụ công.

Khi ông S. thắc mắc rằng cơ quan công an chỉ khuyến cáo người dân thực hiện khai trực tuyến về việc đăng ký thường trú, tạm trú thì cán bộ tiếp nhận mới yêu cầu ông S. viết đơn yêu cầu cấp xác nhận thường trú cho bốn nhân khẩu.

"Nếu còn sổ hộ khẩu giấy thì tôi chỉ việc photocopy là có ngay thông tin các nhân khẩu, giờ thấy bất tiện quá", ông S. bày tỏ.

Chuyện đi học cũng vậy. Chị D.N.H. (TP Thủ Đức) cho hay hồ sơ chuẩn bị cho con vào lớp 1 cũng phải có giấy xác nhận cư trú. Bản thân chị H. còn phải vòng vèo lên phường xin giấy, về trụ sở khu phố cho công an khu vực ký tên.

Sau khi nộp tờ khai, công an phường hẹn chiều hôm sau đến nhận kết quả. Giấy xác nhận thông tin về cư trú cho có giá trị đúng 30 ngày và phải nộp 20.000 đồng.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 (TP.HCM) cho hay nhiều trường đang đợi hướng dẫn của phòng giáo dục về công tác tuyển sinh cận kề. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về việc dùng giấy tờ nào để xác định việc cư trú của trẻ xin nhập học.

Theo quy định, trường phải nhận các trẻ nhập học theo đúng tuyến, đúng địa bàn. Như vậy các trẻ có thường trú, cư trú thực tế trên địa bàn, theo tuyến phải được ưu tiên nhận hồ sơ. Tuy vậy nếu không có thông tin xác nhận cư trú CT07 thì không thể xác định trẻ thực tế cư trú tại địa phương (theo tuyến của trường) từ lúc nào để giải quyết.

"Việc xác định thông tin cư trú của trẻ xin nhập học là rất quan trọng để bảo đảm giải quyết nhu cầu nhập học khách quan, tránh tình trạng chạy trường", vị hiệu trưởng nói.

Khổ với giấy xác nhận cư trú - Ảnh 2.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường 14, quận 10, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Vay ngân hàng, mua bán tài sản cũng phải có

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.HCM cho hay để giải quyết hồ sơ vay có thế chấp tài sản (nhà đất) hiện nay, khách hàng cần phải có xác nhận cư trú CT07 theo yêu cầu của công chứng.

Đặc biệt với các hồ sơ nhà đất là tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình thì ngân hàng cũng phải xác minh thông tin hộ khẩu, nhân khẩu. Một cá nhân thì chỉ cần quét mã QR trên căn cước công dân.

Phía công chứng thì không ít nơi yêu cầu để công chứng hợp đồng thế chấp tài sản thì khách hàng phải cung cấp xác nhận CT07.

Theo công chứng viên Nguyễn Huy Việt, thời gian gần đây một số khách hàng đến công chứng có phàn nàn về việc gặp rắc rối khi xin giấy xác nhận độc thân để thực hiện giao dịch mua bán xe máy, ô tô, nhà đất...

Ông Việt mong thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sớm được kết nối, chia sẻ sâu hơn, hiệu quả hơn để các cơ quan chức năng liên quan giải quyết các thủ tục cho dân được nhanh chóng, thuận lợi...

Vợ chồng anh Ngọc Luân (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay khi làm thủ tục sang nhượng căn chung cư, ngoài các giấy tờ thì phải có xác nhận thông tin cư trú.

"Họ nói là do bỏ sổ hộ khẩu nhưng chưa liên thông nên cần phải xác minh chính xác chỗ ở hiện nay của tôi. Rõ ràng bỏ sổ hộ khẩu rồi nhưng thêm giấy tờ này như đẻ thêm giấy phép con, mất vài ngày mới xin được song hạn lại chỉ 30 ngày", anh Luân nói.

Khổ với giấy xác nhận cư trú - Ảnh 3.

Xin visa cũng mệt vì quy định khác nhau

Khi xin cấp visa Hàn Quốc (loại visa đại đô thị) với thời hạn năm năm, chị V.N.Thùy (Hà Nội) được KVAC (Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực Hàn Quốc) yêu cầu phải nộp bản gốc giấy xác nhận CT07 bản dịch thuật công chứng.

Tuy nhiên trong mẫu này, KVAC yêu cầu phải điền đầy đủ thông tin mục 7 và 8 trong mẫu CT07 bằng hình thức đánh máy, không được viết tay.

Dành cho bạn

Nhưng công an phường lại yêu cầu mục 7 và 8 phải viết tay, không chấp nhận đánh máy nên đến nay vẫn chưa thể xin xác nhận. "Mọi giấy tờ đã xong nhưng với mẫu giấy CT07, hai bên bất nhất khiến người dân rất mệt mỏi", chị Thùy nói.

Tương tự, chị Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi đi xin xác nhận CT07 cũng phải "chạy đôn chạy đáo, nhờ vả khắp nơi" thì sau gần hai tuần mới được.

Lý do vẫn là phía Hàn Quốc yêu cầu giấy xác nhận CT07 phải có tên đầy đủ các thành viên trong gia đình, toàn bộ phải in trên máy, không được viết tay, trừ chữ ký nhưng đến phường không được giải quyết do công an phường yêu cầu một số mục phải viết tay.

Văn phòng công chứng chưa dùng được dữ liệu

Một công chứng viên tại văn phòng công chứng ở Hà Đông (Hà Nội) cho rằng việc yêu cầu khách hàng đến làm thủ tục chuyển nhượng đất, nhà ở phải xin thêm giấy xác nhận CT07 là do hệ thống công chứng hiện nay chưa đồng bộ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại văn phòng cũng chưa có thiết bị quét mã căn cước công dân gắn chip nên chưa sử dụng được.

Thêm vào đó, người dân làm thủ tục chuyển nhượng đất hay nhà ở một địa chỉ nhưng họ có ở địa chỉ đó hay địa chỉ nào khác thì cần phải xác định rõ. Do đó phải yêu cầu người dân xin giấy xác nhận CT07 để hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định pháp luật về chuyển nhượng nhà đất.

Cần hướng dẫn thủ tục, quy trình cấp xác nhận độc thân

Theo ông Hà Tuấn Phương - chủ tịch UBND phường 14, quận 10 (TP.HCM), từ khi bỏ sổ hộ khẩu, vướng mắc trong thủ tục cấp xác nhận độc thân là vướng mắc lớn nhất vì không ít trường hợp người dân di chuyển, thường trú qua nhiều nơi thì cơ quan công an cần tra cứu, xác minh lâu hơn.

"Hiện nay chưa có hướng dẫn chung nên tôi nghĩ mỗi phường tự xây dựng quy trình nội bộ. Tôi mong cơ quan cấp trên sớm có hướng dẫn về thủ tục này để giải quyết thuận lợi cho người dân và cả cán bộ tư pháp", ông Phương nói.

Một cán bộ phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay khi mở dữ liệu ra không đủ thông tin mới yêu cầu người dân phải đi xin giấy xác nhận CT07. Vị này nói thêm theo quy định của công an với xác nhận CT07 sẽ trả kết quả cho người dân ngay trong ngày nhưng với những trường hợp cần xác minh do cư trú nhiều nơi thì phải đến ba ngày.

Không để người dân đi lại nhiều lần gây bức xúc

Làm căn cước công dân tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Làm căn cước công dân tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho hay việc một số địa phương vẫn yêu cầu người dân phải xin giấy xác nhận CT07 khi làm thủ tục hành chính dù đã có đủ điều kiện là do "nhận thức chưa đầy đủ" của cán bộ.

Theo vị này, giấy xác nhận CT07 chỉ là một trong bảy phương thức xác minh cư trú của người dân đã được cục hướng dẫn, tuyên truyền trong thời gian qua.

Trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở các địa phương dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để chứng minh nơi cư trú mà vẫn buộc dân phải ra công an phường xin giấy xác nhận CT07 là không đúng, gây khó dễ, cản trở việc cải cách hành chính, thực hiện đề án 06.

Đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06 - Bộ Công an) cho hay đến nay đã có 59/63 địa phương kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ hiệu quả việc khai thác, chia sẻ thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính của người dân. Bốn tỉnh còn lại đang hoàn thiện kết nối, chia sẻ gồm: Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa, Bắc Kạn.

Tuy nhiên qua kiểm tra, khảo sát trực tiếp và phản ánh của một số cơ quan báo chí việc thực hiện quy định của nghị định 104 tại bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các địa phương cho thấy phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện mà vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận CT07 khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch.

Việc này gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, bức xúc trong dư luận xã hội, vi phạm pháp luật, cản trở công cuộc cải cách thủ tục hành chính.

Từ thực tế trên, Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc quan tâm chỉ đạo, quán triệt 100% cán bộ tiếp dân buộc phải sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú của người dân theo quy định tại nghị định 104.

Khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công tuyệt đối không được sử dụng, yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận CT07.

Bốn địa phương chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phép sử dụng giấy xác nhận CT07 trong trường hợp không thể khai thác thông tin cư trú của người dân bằng các phương thức đã quy định.

Các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền đến toàn bộ người dân, dán tài liệu tuyên truyền công khai tại bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để người dân biết việc không yêu cầu cung cấp giấy xác nhận CT07. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai, thực hiện, xử lý kỷ luật với các cán bộ thực hiện không đúng quy định.

THÀNH CHUNG

Tại Hà Nội, bên cạnh việc kiểm tra, chấn chỉnh, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho hay Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu hướng đến xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của TP để chia sẻ.

Trước mắt, UBND TP chỉ đạo tập trung vào các nhóm dữ liệu như dữ liệu hộ tịch, y tế, an sinh xã hội, đất đai, công nhân...

Tại TP.HCM, ngày 13-1 thường trực Ban chỉ đạo đề án 06 TP ban hành kế hoạch số 208 về kiểm tra khảo sát nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc chấp hành triển khai các quy định của Luật cư trú và các văn bản thi hành trong việc giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, chấm dứt ngay việc yêu cầu công dân cung cấp xác nhận thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.