Căn nhà như chiếc hộp của bà có diện tích khoảng 2,5m2, trần cao 1,2m, cửa chính chỉ vừa một người chui vào.
Khó nhọc từ nhỏ
Bà Nguyễn Thị Sang năm nay 80 tuổi, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Bà Sang mất mẹ khi còn rất nhỏ và người ba một tay nuôi nấng bà cùng với 4 anh chị em trong nhà. Những năm tháng đó, ba của bà Sang làm nghề bán nước trà trước cổng chợ Bà Chiểu. Vì vậy, từ năm 10 tuổi bà đã theo ba mỗi buổi sớm để phụ bưng bê nước trà.
Cuộc sống mưu sinh khó khăn, việc bán trà của gia đình bà cũng không khá khẩm lắm. Tiền bán được bao nhiêu đều dành nuôi 5 miệng ăn ở nhà, lắm lúc nhà có khoai thì ăn khoai, lúc sang hơn có gạo thì bà được ăn cháo.
Lớn hơn, bà lập gia đình cùng một người đàn ông đã có một đời vợ, rồi chuyển về căn nhà nhỏ ở khu vực Q.4 sinh sống (gần cư xá Vĩnh Hội bây giờ). Chồng bà làm bảo vệ ở công viên Tao Đàn (Q.1), còn bà ở nhà lo cơm nước và giặt giũ. "Tôi sống ở đây từ lúc chưa có con đường Hoàng Diệu này. Sau này, người ta mới làm đường rồi tôi chuyển nhà qua bên đường để ở", bà Sang nhớ lại.
Đến năm 1996, căn nhà nhỏ của bà nằm trong diện giải tỏa. Cầm tiền đền bù, vợ chồng bà cũng đã có ý định về quê chồng sinh sống. Nhưng rồi nghĩ suy trước sau, ông bà chọn TP.HCM làm nơi gắn bó cho hết cuộc đời còn lại. Không có nhà, vợ chồng bà ở tạm căn chòi tại mảnh đất thuộc ngôi nhà cũ rồi sau đó chuyển qua trú ngụ tại căn hầm dưới chân cầu thang cư xá Vĩnh Hội, cách nhà cũ chỉ vài bước chân.
Và rồi, hạnh phúc gia đình không kéo dài được với bà vì sau đó chồng bà qua đời. Không con cái, bà phải sống một mình trong căn hầm khi vắng bóng chồng.
Là phụ nữ, không nghề nghiệp, sống đơn chiếc nên khó khăn với bà luôn chồng chất. May mắn, bà được nhiều người dân xung quanh cùng chính quyền địa phương cưu mang giúp đỡ. Để có thêm tiền, bà sắm chiếc tủ nhỏ dùng để bán nước giải khát và thuốc lá cho những người xung quanh. Bà cũng nhận giữ xe cho cư dân ở cư xá để có thêm nguồn thu nhập.
Cuộc sống trong căn nhà hộp
Quầy hàng của bà đặt phía sát vỉa hè, phía bên trong là cửa ra vào. Khi dọn hàng bà chỉ việc lấy bạt phủ lại chứ không thể mang được các vật dụng cất vào nhà vì cửa ra vào quá nhỏ. Cửa ra vào nhà bà nhỏ gần 1/3 so với những cánh cửa thông thường, dạng hình vuông, có chiều cao vào khoảng 1 m và chiều ngang cũng tương tự.
"Để đi vào căn nhà nhỏ này rất cực. Tôi phải khom người xuống rất thấp, mỗi lần chui vào là đụng đầu hoài, nhiều khi đầu tôi còn bị sưng nữa. Mỗi khi bệnh chui vào rất mệt. Giờ thì tôi cũng đã quen rồi.", bà Sang miêu tả.
Dành cho bạn
Sau cánh cửa nhỏ là không gian vô cùng chật hẹp, diện tích khoảng 2,5 m2, trần cao 1,2m. Bên trong cùng nhà có một phòng vệ sinh kèm phòng tắm nhỏ. Bà Sang kê một chiếc sofa để làm giường ngủ, dưới chân là chiếc ti vi, trên đầu là máy lạnh. "Những thứ này tôi đều được người ta cho. Hễ nhà ai bỏ cái gì là họ đều cho để tôi xài", bà Sang cho biết.
Ở trong nhà nhưng không khi nào bà Sang có thể đứng thẳng người được. Bà phải cúi người xuống thấp mỗi khi di chuyển, kể cả việc nấu ăn, giặt giũ hay đi vệ sinh. Vì diện tích nhỏ nên bà dành hết không gian sử dụng trong nhà. Bà kê chiếc tủ nhỏ làm bệ thờ cha và chồng. Cạnh bên là gian bếp với lò nấu bằng dầu như hàng chục năm nay bà vẫn sử dụng. Phía trong cùng là nhà vệ sinh được ngăn cách bằng chiếc rèm vải mỏng.
Nằm dưới chân cầu thang bà đều cảm nhận được hết những tiếng động đi lại trên đầu mình. Đều đặn, mỗi buổi sáng bà bị đánh thức bởi những bước chân đi lại. Nhiều lúc người dân đi mạnh, những mảng bê tông mỏng trên trần lại rớt xuống. Bà Sang phải dùng băng keo dán lại và mong sao nó không rớt xuống nữa.
Tuổi đã già, chân tay yếu, những giấc ngủ mỗi ngày của bà luôn không thẳng giấc. Bà luôn bị chập chờn vì tiếng động phát ra từ phía trên. "Sống ở đây là người ta đi trên đầu mình mỗi ngày. Với người đi bộ thì không sao, chứ người đi xe máy, rồ ga chạy lên cầu thang thì coi như ê cái đầu", bà Sang cho biết.
Buổi trưa, căn nhà này trở nên ngột ngạt, bà Sang phải bắt ghế ra ngoài ngồi thẩn thờ vừa trông xe, bán hàng chờ đến chiều mới quay trở vào nghỉ ngơi.
Khoảng 4 năm trước, cuộc sống cô độc của bà được an ủi vì có một thanh niên không gia đình đến xin ở nhờ trước cửa nhà. Mở lòng thương, bà chấp nhận và bỏ tiền túi cho nam thanh niên này mua sắm đồ đạc để làm nghề sửa xe máy. Có như vậy, bà mới cảm thấy cuộc sống không còn cô đơn khi đến tuổi xế chiều. Đến hiện tại, bà ngẫm lại cũng đã ở căn nhà như chiếc hộp này được gần 30 năm rồi.