Nhưng trong niềm vui đó người hâm mộ vẫn cảm thấy chưa thật hài lòng với màn trình diễn của thầy trò HLV Đinh Thế Nam. Không hẳn vì thất bại trước U.20 Indonesia mà cái chính là các tuyển thủ trẻ Việt Nam và trên hết là HLV vẫn còn cho thấy những hạn chế nhất định mà nếu không có sự mổ xẻ nghiêm túc để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp thì rất khó cho lứa tài năng được kỳ vọng sẽ thực hiện giấc mơ World Cup này bay xa vào năm tới.
U.20 Việt Nam đã giành quyền dự VCK U.20 châu Á cần được thi đấu quốc tế nhiều và có thêm chuyên gia ngoại NGỌC LINH |
Về phần cầu thủ, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao cho các em được cọ xát quốc tế nhiều hơn, được trui rèn trận mạc để nâng cao tâm lý và bản lĩnh thi đấu tốt hơn. Nhóm 10 cầu thủ V-League và hạng nhất được bổ sung trước 2 tuần đá vòng loại và giờ trở thành bộ khung chính của U.20 Việt Nam tuy rất tài năng nhưng lại là lứa ít được va chạm quốc tế nhất. Bởi thời gian qua khi U.20 Việt Nam đá hết giải Đông Nam Á đến giải U.19 quốc tế và đi tập huấn đá 3 trận tại Nhật Bản thì không có nhóm này nên kinh nghiệm bước ra sân chơi lớn của Thanh Nhàn, Vĩ Hào, Ngọc Sơn, Đức Phú, Xuân Bắc, Hiểu Minh hay Hải Nam là còn rất ít. Xuân Tiến và Văn Cường có khá hơn một chút nhờ từng đá giải Đông Nam Á ở Campuchia hồi đầu năm nhưng cũng chưa phải quá nhiều do thời gian đó dính Covid-19. Chính vì thế, lực lượng được xem là chủ lực này làm sao không tránh khỏi sức ép nặng nề và tâm lý nhiều lúc căng cứng trước hơn 20.000 khán giả Indonesia. Thế nên, muốn U.20 Việt Nam đi xa thì lứa cầu thủ vừa giành quyền dự VCK này phải được đá quốc tế càng nhiều càng tốt từ nay đến tháng 3.2023 mà khả năng lớn có thể sẽ tham dự giải U.21 quốc tế đầu năm 2023 cũng như vài trận chất lượng với các đối thủ mạnh khác đến từ Tây Á.
Dành cho bạn
Về phần HLV, những ngày qua cũng đã có ý kiến so sánh tại sao U.20 Indonesia có thể để HLV Shin Tae-yong vừa dẫn dắt U.23 vừa huấn luyện U.20 được mà Việt Nam không áp dụng? Đem câu hỏi này đặt lên bàn quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thì được giải thích rằng đâu phải VFF không tính đến việc mời HLV ngoại cho U.20 Việt Nam, bằng chứng là vài năm trước đây đã từng mời ông Philippie Troussier, người đã từng đưa 5 đội tuyển đến World Cup, dẫn dắt tuyến trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam sau lứa Quang Hải để chuẩn bị cho lâu dài. Nhưng dịch bệnh bất ngờ xuất hiện cùng với những khó khăn về tài chính khi trả lương cho ông thầy người Pháp khiến mối lương duyên không thể kéo dài. Chính vì thế, VFF hướng đến việc trao quyền nắm các đội trẻ lại cho HLV nội, tạo cơ hội để họ thử thách khả năng cũng như nâng tầm hình ảnh bóng đá trẻ nước nhà. Do đó, kế hoạch thành lập BHL U.20 đã có từ đầu năm và VFF mạnh dạn trao cơ hội cho HLV Đinh Thế Nam, còn HLV đội U.23 Gong Oh-kyun là người thay ông Park Hang-seo ở giai đoạn vừa qua và chỉ tập trung vào lứa này. Hoàn toàn không phải vì thành tích ở VCK U.23 châu Á mà vội vàng bổ sung hay chọn ông Gong thay thế. Tuy nhiên, qua thực tế vòng loại U.20 châu Á vừa rồi, VFF cũng sẽ có những tính toán bổ sung nguồn lực sắp tới cho BHL, nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao có kế hoạch để đội tập huấn liên tục được đá nhiều nhất và có cọ xát tốt nhất, đặc biệt phải gỡ bài toán đang vướng lịch thi đấu các giải khác từ trong nước đến quốc tế của năm 2023 mà các CLB chưa chắc đã hoàn toàn nhả quân dài hạn.