Đang là nhân viên phòng kế hoạch, Phương Dung, 27 tuổi, bị chuyển xuống xưởng sản xuất ngồi với phòng thống kê và công nhân. Làm chưa ấm chỗ, tháng kế tiếp cô bị đẩy xuống xưởng ép nhôm, nơi sản xuất bụi bặm, ồn ào. Nhưng chưa hết, cô kể còn thường bị cấp trên giao những việc "giời ơi đất hỡi" hoặc kiểu đánh đố hoặc "hơi tí là mắng mỏ". Cũng có dạo lấy lý do không có đơn hàng, xưởng không có việc, cô bị cho nghỉ không lương 7 ngày, có tháng bị giảm lương 20%.

"Mình sốc và buồn lắm. Đã gắn bó với công ty hơn 4 năm trong đó hai năm liền được vinh danh nhân viên xuất sắc mà giờ bị đối xử như thế này", Dung, nhân viên một công ty vật liệu xây dựng ở Hà Nội, nói.

Cảm giác bị chèn ép, đối xử bất công khiến Dung chỉ muốn nghỉ việc. Tuy nhiên, nghĩ gần tới ngày nhận thưởng Tết, cô thấy không đành. "Tết sắp đến không có tiền, không có việc, đành cố mà chịu đựng", cô nói.

Mức lương hàng tháng của Dung khoảng 12 triệu đồng, thưởng Tết mỗi năm có thể được tới 3-4 tháng lương. Số tiền này cho phép cô làm nhiều thứ.

Phương Dung bị chèn ép khoảng 4 tháng nhưng vẫn cố gắng bám trụ vì khoản thưởng Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương Dung bị chèn ép khoảng 4 tháng nhưng vẫn cố gắng bám trụ vì khoản thưởng Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quốc Thắng, ở quận 2, TP HCM cũng đang đắn đo nghỉ việc trong những ngày cuối năm. Công việc trong ngành sáng tạo nội dung vốn đã bận rộn những tháng gần đây khi bộ phận thiếu người, Thắng phải làm nhiều gấp đôi trước. Chuyện thức khuya, ôm máy tính hết cả hai ngày cuối tuần để chạy deadline là cảnh thường xuyên. Mức thu nhập tăng không đáng kể so với công sức bỏ ra đã thúc đẩy Thắng tìm việc mới.

Anh không phải chờ lâu, công ty mới đề nghị anh làm trưởng nhóm khoảng chục nhân viên và mức lương cao hơn 6 triệu đồng. Công ty này lớn, hứa hẹn cho Thắng nhiều cơ hội học hỏi hơn. Có điều họ cần đi làm ngay, trong khi Thắng chưa muốn nghỉ việc lúc này.

"Lý do níu chân tôi là thưởng thâm niên, lương tháng 13 và thưởng Tết, rồi cả khoản lì xì đầu năm. Những khoản này dồn lại, như năm ngoái cũng gấp 2,5 lần lương tháng của tôi. Năm nay tôi có thu nhập cao hơn, dự đoán thưởng cũng tốt hơn", Thắng tiết lộ.

Chàng trai dò hỏi những người từng nghỉ việc được biết nếu nghỉ trước Tết sẽ mất luôn các khoản thưởng. Điều này đồng nghĩa nếu chuyển việc, anh sẽ trắng tay. "Giả sử công ty vẫn trả thưởng dựa trên số tháng làm việc, tôi sẽ nghỉ ngay", anh nói.

Những tính toán của Dung hay Thắng là tâm lý chung của đa số người làm công ăn lương. Khảo sát nhanh hồi giữa tháng 12 của phóng viên VnExpress với khoảng 200 người cho thấy, 82% sẽ lựa chọn cố làm hết năm để lấy thưởng Tết. Điều này cho thấy thưởng Tết là niềm hy vọng và mong đợi của rất nhiều người lao động.

Khảo sát về tiền lương 2022 của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Group với 6.800 người cho kết quả khá bất ngờ: Lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết là phúc lợi được người lao động quan tâm nhiều nhất. Đứng sau đó là các yếu tố khác như bảo hiểm sức khỏe, y tế, thời gian làm việc linh hoạt, phụ cấp đi lại, làm việc ở nước ngoài, ứng trước lương...

Có đến 53% ứng viên luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc. 82% người được khảo sát cho biết sẽ phản ứng nếu không nhận được thưởng Tết như kỳ vọng; 27% sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn và 55% sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết.

Mỗi cuối năm, Lệ Hằng lại phập phồng chờ thưởng Tết vì khoản này sẽ quyết định chị mua sắm gì, biếu nội ngoại bao nhiêu, về quê bằng xe khách hay taxi...  86

Người lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội tìm việc ở bảng tin hồi tháng 11/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Người lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội tìm việc ở bảng tin hồi tháng 11/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Dành cho bạn

Chị Nguyễn Lan Anh, trưởng phòng nhân sự và phụ trách tổng đãi ngộ của một công ty thể thao ở Hà Nội, cho biết tâm lý cố làm để nhận thưởng Tết là một hiện tượng phổ biến. "Ở công ty, nếu tính tổng số người nghỉ việc mỗi năm, tỷ lệ nghỉ sau nhận thưởng chiếm 30-35%", Lan Anh nói.

Bên cạnh đó, tâm lý không nhảy việc cuối năm xuất phát từ văn hóa coi trọng ngày Tết cổ truyền của người Việt. Ít ai muốn công việc bị đảo lộn khi năm cũ đã gần hết, vừa ảnh hưởng đến thu nhập, lại khó ứng xử vào dịp đầu xuân năm mới nhiều người hỏi thăm. Hơn nữa, nhiều người nghĩ khoản thưởng là công sức làm việc cả năm nên phải chờ nhận. Với phần lớn người lao động, khi mức lương hàng tháng chỉ đủ duy trì cuộc sống, thưởng Tết chính là một khoản dư ra, cho phép họ chi cho những mục tiêu khác như trả nợ, tiết kiệm, biếu xén..., nhất là dịp cuối năm nhu cầu chi tiêu cao.

Hiện tượng "cố làm hết năm để nhận thưởng Tết rồi nghỉ việc" góp phần vào sự biến động nhân sự mỗi dịp đầu năm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Khảo sát của công ty tư vấn tuyển dụng Anphabe, cho thấy đầu năm 2022, nhất là sau quý I khi đã nhận lương thưởng, tình trạng nghỉ việc cao nhất so với ba năm trở lại đây. Trong đó, nhóm ngành pháp lý, nhân sự, marketing có tỷ lệ nghỉ việc lên đến hơn 40%, lao động càng trẻ nghỉ việc càng nhiều, với 36%.

Thực trạng này gây ra nhiều bất lợi cho người sử dụng lao động, khiến họ phải mất thời gian, chi phí, nguồn lực để tuyển dụng, đào tạo nhân viên và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh năm kế tiếp.

Về phía người lao động, cố gắng nhận thưởng xong mới nghỉ có thể khiến họ mất nhiều cơ hội tốt. Có thể họ sẽ có được một khoản thưởng Tết, nhưng dần dần sẽ đánh mất lợi thế của mình.

Phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng nghiên cứu đời sống xã hội, phân tích người nhảy việc nhiều sẽ dần dần đi tới hiện tượng bấp bênh, tức là có được sự linh hoạt, tự do nhưng công ty không có chế độ chính sách, đãi ngộ, trách nhiệm gì với bạn và như thế doanh nghiệp càng có lợi hơn. "Nhiều chủ doanh nghiệp tiết lộ với tôi sẽ cân nhắc trước các CV hay nhảy việc", ông Lộc nói.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, chị Lan Anh không đánh giá hiện tượng cố làm hết năm để nhận thưởng đúng hay sai, mà tùy thuộc vào lựa chọn mỗi người. Nhưng có một thực tế những người làm tuyển dụng đều biết là xuất phát từ chính tâm lý ngại nhảy việc cuối năm mà sẽ có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn, lương cao hơn vào dịp này.

Nhiều năm làm tuyển dụng Lan Anh nhận thấy thưởng Tết chỉ khiến người lao động cân nhắc hơn vào dịp Tết, không phải là yếu tố tiên quyết thu hút hay giữ chân họ. Để một nhân sự gắn bó lâu dài với công ty, cần nhất cái tâm của người đứng đầu. "Phúc lợi của chúng tôi áp dụng cho tất cả nhân viên, cả nhân viên part-time cũng có chế độ Tết, bởi chúng tôi hiểu, người lao động là vốn quý nhất của một doanh nghiệp", cô nói.

Doanh nhân Robert Linh (Hà Nội), đồng sáng lập và lãnh đạo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khai khoáng, bán lẻ, cho biết thực trạng nhảy việc sau Tết rất nhiều và ngày càng xảy ra nhiều hơn do ý thức hệ của bộ phận người lao động mới Gen Z.

"Tôi biết có một số người chủ doanh nghiệp có tâm lý trách người nghỉ việc sau khi nhận thưởng là vô ơn, cũng có những nhân viên không dám nghỉ vì bị sợ mang tiếng. Cả hai tư tưởng này đều sai, bởi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là lợi ích, không có ơn huệ gì ở đây", ông Linh bày tỏ. Theo ông, quan trọng nhất để giữ chân người lao động hiện nay là ngoài lương, thưởng, cần có một văn hóa doanh nghiệp khiến họ hài lòng, thích thú.

Phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc cho biết, một số doanh nghiệp nước ngoài giữ chân người lao động bằng cách ngoài thưởng tháng lương thứ 13 vào cuối năm, sẽ thưởng thêm doanh số vào khoảng tháng Tư hàng năm. Một số doanh nghiệp cũng chia thưởng thành hai phần trước và sau Tết, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu pha Tết, vừa giữ lại cho họ một khoản để bắt đầu lại cuộc sống sau Tết, đồng thời giữ chân người lao động. Một số nơi áp dụng thưởng theo tháng làm việc thực tế, nên ngay cả nhân viên đã nghỉ việc vẫn được nhận thưởng Tết theo số tháng đã cống hiến...

Phương Dung, cô nhân viên công ty vật liệu xây dựng ở Hà Nội, đã nhận hơn 30 triệu đồng thưởng Tết và nộp đơn xin nghỉ việc sau vài ngày. "Mình buồn vì sau 5 năm tuổi trẻ cống hiến, giờ phải ra đi theo cách này", cô chia sẻ.