Hoa hậu Thiên Ân (trái) và Ban Mai đăng quang khi tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" bị tranh chấp - Ảnh: Facebook nghệ sĩ
Tranh chấp bản quyền tên gọi mới nhất diễn ra giữa công ty của Hoa hậu Sinh thái thiếu niên quốc tế Bella Vũ và Q-Talent về tên gọi cuộc thi Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam.
Kiện tụng
Đầu tháng 4-2023, Công ty TNHH giải trí Huyền Diệu (Bellalove) công bố cuộc thi Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam 2023. Cuộc thi do UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận tổ chức, dự kiến tổ chức tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Đại diện Công ty Q-Talent lên tiếng đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền cuộc thi Miss Eco Teen (Hoa hậu Sinh thái thiếu niên), có hiệu lực đến năm 2024.
Q-Talent cho rằng tổ chức Miss Eco Teen International đã đơn phương cắt hợp đồng và bán lại bản quyền cuộc thi cho một đơn vị khác nên đã gửi đơn kiến nghị.
Hoa hậu Bella Vũ đại diện cuộc thi "Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam 2023" - Ảnh: NVCC
Trước phản ánh này, đơn vị tổ chức Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam 2023 đã gửi bằng chứng chứng minh tính hợp pháp về tên gọi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai.
“Hiện tại Bellalove đã nhận được quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam” - đại diện ban tổ chức nói.
Ban tổ chức Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam 2023 cho biết thêm, nếu Miss Eco Teen International vi phạm pháp luật Việt Nam trong chuyển nhượng bản quyền cử thí sinh đi thi quốc tế thì đơn vị sẽ ngừng hợp tác.
Tranh chấp kéo dài
Trước đó, hai cuộc thi hoa hậu khác cũng từng xảy ra tranh chấp tên gọi và chưa có hồi kết. Đó là tranh chấp về tên gọi tiếng Việt của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa Công ty Sen Vàng và Minh Khang.
Tháng 9-2022, Minh Khang tổ chức Miss Peace Vietnam 2022 (ban đầu kèm tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) tại Đà Nẵng. Tuy nhiên phút cuối cuộc thi chỉ dùng tên tiếng Anh.
Cuối tháng 3-2023, Minh Khang lại công bố kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, khẳng định không có căn cứ Minh Khang sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu Miss Grand International - cuộc thi mẹ của Miss Grand Vietnam do Sen Vàng tổ chức.
Dành cho bạn
Còn Sen Vàng cho biết Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cấp phép tổ chức vào năm 2022 và năm 2023.
Ngoài ra, cuộc chiến giành tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam giữa Công ty Unicorp (Việt Nam) và Tập đoàn toàn cầu JKN (Thái Lan) cũng gây chú ý.
JKN cho rằng họ là chủ sở hữu hợp pháp danh hiệu Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Unicorp không có quyền sử dụng tên gọi này.
Ngọc Châu, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 và Quỳnh Nga, giám đốc quốc gia Miss Universe Vietnam - Ảnh: NVCC
Trong khi đó, Unicorp khẳng định việc bảo hộ của tổ chức Miss Universe tại Việt Nam chỉ bao gồm tên thương hiệu và nhãn hiệu Miss Universe. Unicorp sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ khi có cá nhân hoặc tổ chức nào cố tình sử dụng tên gọi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Các tranh chấp này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Bên cạnh việc có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, việc tranh chấp tên gọi cũng dần khiến các cuộc thi mất điểm trong mắt khán giả.
Trong khi ban tổ chức mất nhiều thời gian giải quyết tranh chấp, họ khó dành nhiều thời gian đầu tư cho dự án của những người đẹp đăng quang. Người đăng quang có thể được nhắc đến nhiều nhưng với góc nhìn không tích cực.
Trần Thị Ban Mai - Miss Peace Vietnam 2022 - nói với Tuổi Trẻ Online: "Có chăng mình có thể trở thành đề tài mọi người bàn luận trên các diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu quá tập trung vào ý kiến tiêu cực, mình sẽ không thể phát triển bản thân tốt nhất".
Cô cho biết cô ưu tiên học tập, phát triển bản thân nên việc tranh chấp không quá ảnh hưởng. Trong khi hai đơn vị tổ chức giải quyết tranh chấp, cô vẫn cố gắng làm tròn nghĩa vụ suốt nhiệm kỳ hoa hậu, mong được khán giả nhìn nhận công tâm.
Ban Mai chia sẻ: “Mong chúng ta đừng xem việc tranh chấp bản quyền tên gọi là cuộc chiến. Hãy xem nó là những ví dụ để mọi người hiểu hơn và khiến các cơ quan chức năng tìm ra biện pháp xử lý để những câu chuyện tương tự không xảy ra trong tương lai".