Dù lực lượng cứu hộ với hàng trăm người và phương tiện đã rất nỗ lực, làm việc xuyên suốt ngày đêm từ 31.12.2022 đến 4.1.2023 để cứu hộ bé trai lọt xuống cọc bê tông sâu 35 m nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác nhận bé đã tử vong.

Phép màu đã không xảy ra

Gần 5 ngày liền, khoảng 350 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng của tỉnh Đồng Tháp, Quân khu 9 đã làm việc không ngơi nghỉ nhằm cứu hộ bé Hạo Nam (10 tuổi) bị lọt xuống cọc bê tông của cầu Rọc Sen thuộc dự án thi công tuyến đường ĐT - 857 (ấp 2, xã Phú Lợi, H.Thanh Bình, Đồng Tháp). Tuy nhiên, lúc 18 giờ 27 phút ngày 4.1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp, xác nhận bé đã tử vong.

Bé trai lọt xuống cọc bê tông sâu 35 m đã tử vong: Phép màu không xảy ra - ảnh 1

Hiện trường cứu hộ bé Hạo Nam ngày 4.1

Theo ông Bửu, việc hội chẩn xác định bé Hạo Nam tử vong có sự phối hợp giữa các cơ quan pháp y, y tế, chính quyền địa phương kết hợp với những đánh giá hiện trạng tại vị trí bé bị nạn rơi vào ống cọc với thời gian kéo dài, rơi vào độ sâu 35 m trong 4 ngày. Với độ sâu không được thông khí, chấn thương và với những đánh giá bằng các biện pháp quan sát hiện trường kết hợp với những yếu tố chuyên môn khác để tiên lượng bé sống ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đến nay thì các cơ quan chuyên môn đã có những thủ tục xác định bé tử vong và đang tìm cách đưa thi thể lên mặt đất để thực hiện an táng.

Kế hoạch nhổ cọc luôn thay đổi vì quá phức tạp

Để có thể nhổ được cọc bê tông đóng sâu trong lòng đất 35 m gồm 3 đốt bê tông nối liền nhau, lực lượng cứu hộ phải chạy đua với thời gian để vừa thực hiện các phương án cứu hộ vừa bơm ô xy 24/24 và truyền nước xuống cho bé cầm cự.

Đã có nhiều phương án được bàn thảo, từ thả dây cứu hộ, dùng máy khoan địa chất hoặc khoan cọc nhồi làm giảm lực ma sát giữa lớp đất xung quanh với cọc bê tông để nhổ cọc lên cứu hộ bé. Tuy nhiên, khi triển khai đến giờ “G”, chuẩn bị nhổ cọc lên thì lại phát sinh khó khăn vì địa chất khu cọc phức tạp, có lớp đất sét dày, hầu như rất khó khoan thấu để dùng cần cẩu nhổ 35 m cọc. Điển hình, khi áp dụng phương pháp khoan cọc nhồi, đã khoan đến độ sâu nhất định thì cọc bị xô lệch, có nguy cơ khi cứu hộ thì cọc bê tông gãy các khớp nối gây nguy hiểm cho bé Hạo Nam.

Bé trai lọt xuống cọc bê tông sâu 35 m đã tử vong: Phép màu không xảy ra - ảnh 2

Hiện trường cứu hộ bé Hạo Nam ngày 4.1

Sau đó, phương án dùng khoan guồng xoắn được nhanh chóng triển khai, từng bước làm đất khu vực cọc bê tông tơi xốp, giảm lực ma sát. Tuy nhiên, phương pháp này cũng được đánh giá là không bảo đảm an toàn. Cuối cùng, lực lượng cứu hộ đã dùng phương án dùng ống vách thép có đường kính 1,5 m để đóng bao trùm quanh cọc bê tông sâu 35 m. Theo ông Đoàn Tấn Bửu, đây là phương pháp tốt nhất, được các chuyên gia và lực lượng cứu hộ đánh giá cao.

Đến cuối giờ chiều 3.1, lực lượng cứu hộ tỉnh thông tin trong buổi sáng ngày 4.1 sẽ hoàn tất. Mọi người chờ đợi việc cứu hộ thành công, hướng về hiện trường với niềm ước mong điều kỳ diệu sẽ đến. Để đảm bảo việc nhổ cọc bê tông theo kế hoạch, xuyên đêm 3.1 đến rạng sáng 4.1, việc khoan lấy đất được thực hiện xuyên suốt để làm giảm ma sát với cọc bê tông.

Dành cho bạn

Tối 4.1, chính quyền địa phương, Hội phụ nữ và các đoàn thể, người thân đã đến an ủi, động viên gia đình bé Hạo Nam vượt qua nỗi đau trước mắt để tiếp tục đợi thi thể con được đưa về.

“Mong muốn trong ngày mai thi thể con tôi được đưa về, chứ giờ đã tối lắm rồi. Phần số của cháu không được ở với tôi thì trở thành con người khác”, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, mẹ bé Nam, đau lòng nói.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9, đã đến hiện trường tham gia công tác cứu hộ và đến động viên gia đình bé Hạo Nam. Khi nắm được thông tin gia đình cháu bé rất khó khăn, ruộng vườn ít mà công việc không ổn định, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ một căn nhà cho gia đình. Sắp tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp cùng các cơ quan có liên quan tiến hành khảo sát, triển khai xây dựng nhà để gia đình sớm có nơi ở và đề xuất địa phương hỗ trợ cho gia đình có công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống.

Nam Long

Tuy nhiên, trong suốt ngày 4.1, công tác cứu hộ liên tục gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo lực lượng chỉ huy cứu hộ tại Đồng Tháp, dự kiến ban đầu sẽ triển khai nhổ cọc bê tông, hoàn tất cứu hộ trong buổi sáng 4.1. Nhưng do địa chất lớp đất quanh cọc là lớp đất sét cứng, khó thực hiện khoan phá vỡ kết cấu để xử lý đưa đất ra ngoài làm giảm ma sát của cọc; đồng thời cọc bê tông cắm sâu trong lòng đất đến 35 m nên việc nhổ cọc gặp nhiều khó khăn, dù hệ thống neo đã được triển khai.

Đến 23 giờ 30 ngày 4.1, cọc bê tông vẫn chưa nhổ được. Lực lượng chức năng vẫn đang gấp rút triển khai công tác đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất.