Từ hàng chục năm qua, "ông già gân" Bùi Lương, một cái tên không mấy xa lạ của điền kinh Việt Nam nói chung và đặc biệt đối với những người yêu thích môn chạy bộ, luôn được xem là biểu tượng hùng hồn, là động lực mang đến sức sống cho phong trào.
Sở dĩ ông luôn được quý mến và mỗi khi đi đến đâu đều được ngưỡng mộ, không chỉ vì thành tích lẫy lừng tại giải việt dã hàng năm quốc gia, mà còn vì thái độ sống của ông với nghề nghiệp, với cuộc đời. Tấm gương rèn luyện, cần mẫn của ông và tình yêu với chạy bộ đã "thổi lửa" đam mê cho nhiều địa phương, tỉnh thành, khơi dậy tiềm năng, góp phần đào tạo nên những thế hệ kế thừa cho marathon Việt Nam.
Cái tên "ông già gân" không phải ngẫu nhiên mà có vì ông đã có một sự nghiệp đáng tự hào và những cống hiến trọn đời lẫy lừng cho chạy việt dã. Dù thể hình không cao to, chỉ tầm thước 1,62 m nhưng bù lại người đàn ông sinh năm 1939 gốc gác ở TP.HCM đã đến với môn thể thao này bằng một đam mê và xem món "chạy bộ" như cơm ăn, nước uống hằng ngày không thể thiếu.
Tôi nhớ có lần ngồi cạnh ông dự lễ trao giải Cúp chiến thắng hàng năm của thể thao Việt Nam ở Hà Nội, ông kể lại: "Tôi sinh ở miền Nam nhưng lại theo gia đình tập kết ra Bắc. Trong những ngày xa quê để xua đi nỗi nhớ, tôi không biết làm gì, chỉ biết rèn luyện ý chí, nghị lực và duy trì sức khỏe bằng môn chạy bộ. Tập riết lâu ngày thành thói quen, rồi bất ngờ tham gia cự ly 5.000 m, gọi là chạy đường trường toàn miền Bắc tại Hà Nội, quanh hồ Hoàn Kiếm năm 1957 và về vị trí thứ 3. Chính kết quả đó giúp tôi củng cố niềm tin để sau đó quyết tâm theo đuổi môn chạy bộ".
Nhờ có tố chất và quyết tâm tích cực tập luyện, ông Bùi Lương đã giành ngôi vô địch việt dã lần đầu vào năm 1961 và giữ kỷ lục về chạy cự ly 5.000 m và 10.000 m toàn quốc trong suốt 14 năm (1961-1975) đến khi Nguyễn Văn Tuyết của Lào Cai lập thành tích mới.
Đặc biệt, có một kỷ lục của ông Bùi Lương mà cho đến nay chưa một VĐV Việt Nam nào phá được, đó là 9 lần giành HCV giải việt dã do Báo Tiền Phong tổ chức. Nói về thành tích đầy tự hào này, ông Bùi Lương khi đó chỉ nhắc lại ngắn gọn: "Tôi hạnh phúc vì chạy bộ như ăn vào máu. Với tôi còn sống là còn chạy, còn đam mê. Để có được kết quả này, tôi có thói quen chạy vào sáng sớm hằng ngày, duy trì sức khỏe bằng cách tập luyện và cố gắng nói không với những chất kích thích".
Ông Bùi Lương đến với công tác huấn luyện khi đã gần 40 tuổi, nhưng suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông luôn miệt mài cho ra đời nhiều thế hệ tài năng. Từ những Đặng Thị Tèo, HCV marathon toàn quốc; Đoàn Nữ Trúc Vân, vô địch chạy 10.000 m ở SEA Games 22; Nguyễn Chí Đông và Nguyễn Thị Hòa, HCB marathon SEA Games 22 năm 2023 đều có sự hỗ trợ dẫn dắt của ông.
Dành cho bạn
Không những thế, nhiều nhà vô địch quốc gia và có thành tích ở SEA Games, hay nhiều địa phương có những chân chạy cự ly trung bình và dài tốt, hầu hết cũng đều một tay do ông khai phá. Đặc biệt có giai đoạn gần 10 năm, bằng tâm huyết, ông đã đến Bình Phước biến nơi đây thành "mỏ vàng" của chạy bộ Việt Nam. Như trường hợp của Trần Văn Lợi hay Hoàng Nguyên Thanh, VĐV đầu tiên của Việt Nam đoạt HCV lịch sử nội dung marathon với thời gian 2 giờ 25 phút tại SEA Games 31 năm 2022.
Tấm gương về chạy bộ của ông Bùi Lương đã thổi đam mê cho nhiều người chạy mọi lứa tuổi. Có lần nghe ông kể lại với niềm hạnh phúc rạng ngời: "Khi xây dựng phong trào ở Bình Phước, tôi may mắn trở thành điểm sáng về tinh thần thể thao dù tuổi đã ngoài 60. Được sự ủng hộ của lãnh đạo nơi đây, tôi đã mang hết khả năng giúp cho những người đến với chạy bộ, có người yếu về thể chất, không đủ sức khỏe để theo đuổi hăng hái tham gia luyện tập, từ đó khơi dậy sức mạnh thôi thúc mọi người tham gia đều đặn. Có người nói với tôi, khi mới tập chạy sẽ có phản ứng như đau chân, đau cơ, khó thở và tôi đã chỉ giúp họ phương pháp, kỹ thuật và nhất là phải có tinh thần khổ luyện để từng bước vượt lên", ông Bùi Lương nói.
Vĩnh biệt ông, người đã tận tụy suốt đời với điền kinh và môn thể thao chạy bộ Việt Nam được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng ba từ năm 1980. Ông mãi mãi sẽ là gương sáng cho mọi thế hệ tiếp nối rèn luyện, noi theo. Những gì ông nhận được ở hạng mục thành tựu cống hiến trọn đời tại lễ trao giải Cúp chiến thắng năm 2016 cũng đã nói lên sự ghi nhận của những người làm thể thao và người hâm mộ nước nhà dành cho ông.
Ông ra đi thanh thản ông nhé!