Tự chủ nhưng không khác gì không tự chủ !
Thảo luận tại hội trường về luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) sửa đổi chiều 6.1, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về quy định về tự chủ đối với bệnh viện công trong dự thảo luật.
Theo ĐB Nhân, dự thảo quy định các bệnh viện tự chủ được tự chủ trong tổ chức nhân sự, tài chính song lại nói “theo quy định của pháp luật” mà không rõ là luật nào. Dự thảo luật cũng không nói rõ việc thực hiện các quyền tự chủ này sẽ thực hiện theo nguyên tắc nào. “Chúng tôi thấy nếu không nói cụ thể là theo quy định của luật nào thì phải nói các nguyên tắc để thực hiện tự chủ. Nếu không ta đợi hướng dẫn của Chính phủ thì không biết sự hướng dẫn có phù hợp với cái chúng ta suy nghĩ hay mong muốn hay không”, ông Nhân nói.
Người dân có bảo hiểm y tế đóng tiền khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh viện nhân dân 115
Dẫn ví dụ việc chi trả lương, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế như một nội dung của tự chủ về bộ máy, nhân sự, ông Nhân cho biết hiện chưa có quy định cấp luật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, nếu thực hiện theo quy định của pháp luật, tức theo Nghị định 60 của Chính phủ (về tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công - PV), quy định trả lương theo ngạch, bậc và lương tăng thêm không được quá 2 lần lương cơ sở, sẽ không đáp ứng được yêu cầu tự chủ về tổ chức, cán bộ. Từ đó, ĐB TP.HCM đề nghị cần phải ghi rõ vào luật nguyên tắc tự chủ để các bệnh viện thực hiện.
Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng dự thảo luật nói cho phép các bệnh viện tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền làm một số việc như xác định giá, tổ chức bộ máy, nhân sự… song “đọc kỹ vào từng điều khoản của dự thảo thì thấy các quyền này gần như không thực hiện được”.
“Quy định ở đây nói rằng những bệnh viện tự chủ được tự quyết định về tổ chức, nhân sự, nhưng lại gắn một cái đuôi vào là tuân thủ theo quy định của pháp luật. Như vậy thì gần như các đơn vị này không khác gì những đơn vị không tự chủ”, ông Cường phân tích và dẫn ví dụ nếu như tuyển dụng, sa thải, đề bạt mà phải tuân thủ quy trình như tuyển dụng viên chức của các bệnh viện hiện nay thì khó tuyển được nhân sự có chất lượng tốt. Hay như vấn đề trả lương, bệnh viện tự chủ được quyền tự quyết định mức chi trả nhưng lại phải tuân thủ theo quy định pháp luật thì sẽ vẫn phải trả lương theo ngạch, bậc hiện nay. “Như vậy không khuyến khích được những người giỏi”, ông Cường nêu.
Theo ĐB Cường, tự chủ bệnh viện quan trọng nhất là bệnh viện đó có đủ khả năng tự quyết những vấn đề của mình hay không. Do đó, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị dự luật trước hết phải đưa ra điều kiện tự chủ, trong đó điều kiện tiên quyết là năng lực quản trị, khả năng tự quyết định của bệnh viện, sau đó mới đến các mức độ về tự chủ trong tài chính.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thăm khám cho bệnh nhân
Nên có 2 loại giá khám, chữa bệnh
Các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũng là vấn đề nhiều ĐB băn khoăn. ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện nhà nước nên chia làm 2 loại. Một là giá dịch vụ cơ bản đáp ứng phần đông mọi đối tượng và không vượt quá khung quy định nhà nước. Thứ hai là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu do bệnh viện tự quyết định, không cần theo khung giá của nhà nước nhưng phải dựa trên quy định về các yếu tố cấu thành giá, phương pháp định giá của Bộ Y tế.
Để làm được điều này, theo ông Cường, cả hai loại giá phải cùng dựa trên một phác đồ điều trị giống nhau. Sự khác nhau về giá nằm ở “chất lượng” như yếu tố nguồn gốc xuất xứ của thuốc, thiết bị cũng như các yếu tố dịch vụ đi kèm.
Bệnh viện tự quy định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết vấn đề tự chủ bệnh viện liên quan tới rất nhiều luật hiện hành, nên dự luật KBCB sửa đổi chỉ quy định một số nội dung mang tính chất nguyên tắc, đặc thù với ngành y tế.
Dành cho bạn
“Về lâu dài chúng tôi rất mong muốn Quốc hội, Chính phủ sẽ có luật liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết căn cơ, triệt để các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan tới các đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, không chỉ có ngành y tế mà ngành giáo dục và các ngành liên quan khác sẽ quyết được những vấn đề mà đại biểu Quốc hội mong muốn”, bà Lan nói.
Đối với vấn đề giá dịch vụ KBCB, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giải quyết được những vấn đề căn cơ, khó khăn đối với các bệnh viện trong thời gian qua. Bà Lan cho hay mới chỉ tính được 2/4 yếu tố cấu thành giá là nhân công và chi phí trực tiếp. Còn các chi phí liên quan đến khấu hao và quản lý thì chưa được tính trong giá thành. “Chính phủ có một lộ trình cụ thể để tính đúng, tính đủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHXH, của ngân sách và khả năng của người dân”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trên cơ sở lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KBCB, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ KBCB do Quỹ BHYT hoặc ngân sách nhà nước thanh toán. HĐND cấp tỉnh sẽ quy định giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn của tỉnh quản lý nhưng không được vượt qua khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.
“Cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước sẽ được tự quyết định giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Còn cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì được quyết định giá theo luật Giá. Chúng ta sẽ quy định vấn đề liên quan đến kê khai, niêm yết công khai giá theo quy định của pháp luật về giá và tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra về giá”, bà Lan cho hay.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đánh giá tự chủ bệnh viện công và giá KBCB là 2 vấn đề dự thảo luật “đang rất loay hoay”. Tương tự ĐB Hoàng Văn Cường, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề xuất với giá dịch vụ KBCB cần phân ra 2 “luồng” mới đảm bảo tính khả thi. Một là giá thu viện phí được bảo hiểm chi trả, cần lộ trình tính đúng, tính đủ và tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. Theo ông Hiếu, vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối Quỹ BHXH tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám, chữa bệnh. Do đó, luật nên quy định nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.
Loại giá thứ hai là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Theo ông Hiếu, đây sẽ là động lực để các bệnh viện, ngành y tế phát triển nên không thể quy định giá trần (tối đa) mà cần tuân theo quy luật thị trường. Bộ Y tế chỉ quy định chất lượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế như chất lượng nhân lực, máy móc, thời gian khám...
Ông Hiếu nhận định tự chủ bệnh viện công là vấn đề khó nhất nhưng nếu chúng ta đã giải quyết được về giá khám bệnh theo yêu cầu thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Theo ông, đây chính là lối đi của tự chủ, “làm tốt, thu được tốt thì đủ tiền để nuôi quân, đủ tiền để đầu tư, phát triển thương hiệu”. “Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty, nhưng có thêm tính chính trị là đáp ứng trong tình huống cấp cứu người bệnh. Bệnh viện có thể vay, thuê, cho thuê theo luật Doanh nghiệp, bên cạnh việc phát triển các mô hình bệnh viện phi lợi nhuận”, ông Hiếu nói.
Dự kiến, luật KBCB sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào phiên bế mạc kỳ họp bất thường chiều 9.1 tới.