Từ vụ bé trai rớt xuống trụ bê tông: Cứu nạn cứu hộ cần chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn khiến cháu Hạo Nam kẹt trong ống trụ bê tông - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến chuyên gia cùng những câu chuyện về công tác cứu hộ, cứu nạn từ một số quốc gia để làm rõ vấn đề này.

Với các nguy cơ về sự cố, tai nạn, thảm họa bởi thiên tai và nhân tai ngày càng hiện hữu, có thể nghiên cứu thành lập Bộ tình trạng khẩn cấp như một số quốc gia đã làm.

Trung tướng Phạm Hoài Giang

Cần đặt ra các tình huống khó nhất

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Phạm Hoài Giang, nguyên cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), chia sẻ hiện chúng ta luôn đối mặt với hai vấn đề rất lớn là thiên tai và nhân tai với tính chất rất đa dạng, phức tạp, không giải quyết tốt sẽ để lại hậu quả lớn, trong đó có cả uy tín của quốc gia. Để giải quyết vấn đề này về căn cơ lâu dài, ông Giang nêu ra các vấn đề cần giải quyết:

- Cứu hộ, cứu nạn chỉ có hiệu quả trong "giờ vàng" nên đòi hỏi tính kịp thời. Nếu bị động chờ bàn thảo phương án, huy động nhân lực, thiết bị mà qua "giờ vàng" thì không đạt được mục đích cứu nạn. 

Vì thế phải xây dựng được hệ thống luật pháp đầy đủ về cứu hộ, cứu nạn tạo với việc về xây dựng lực lượng, trang thiết bị, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó.

- Cần hình thành cơ chế chỉ đạo điều hành một cách trực tiếp, không qua khâu trung gian vì nếu chờ báo cáo qua tầng lớp, thứ bậc sẽ chậm trễ "giờ vàng".

- Công tác đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trong công tác cứu hộ, cứu nạn từ cơ quan tham mưu đến các đội chuyên trách, chuyên nghiệp phải được đào tạo bài bản. 

Hiện cơ quan tham mưu đang được giao cho Bộ Quốc phòng là rất đúng đắn vì Bộ Quốc phòng có tổ chức chặt chẽ và người lính được rèn luyện một cách bài bản, tính kỷ luật cao, chịu đựng được gian khổ hơn.

- Phải có trang thiết bị phù hợp, hiện đại theo kịp sự phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đất nước như sân bay, bến cảng, kho tàng, nhà cao tầng, công trình giao thông ngầm như các hầm đường bộ dưới sông, hầm metro...

- Phải tăng cường hợp tác quốc tế về trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nhân lực cứu hộ, cứu nạn; phối hợp trong các vụ việc lớn, các thảm họa thiên tai. Thời gian qua có những vụ cứu nạn trên biển chúng ta phải phối hợp các nước liên quan; có vụ việc họ nhờ mình, có việc mình nhờ họ phối hợp cứu nạn.

Trước mắt, theo ông Giang, phải hình thành các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn về sập đổ công trình, sự cố công trình ngầm, cứu hỏa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại với kỹ năng chuyên nghiệp, phương tiện phù hợp, hiện đại. 

Việc đầu tư cho công tác cứu hộ, cứu nạn có thể có quan điểm còn khó khăn nhưng cần có tư duy rộng mở trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, lường hết tình huống ở mức xấu nhất để chủ động ứng phó chứ không phải chạy theo tình huống. 

Ví dụ có người nói nguy cơ sóng thần ở nước ta được dự báo chỉ 1 - 2% nên không cần chú trọng ứng phó. 

Nhưng nếu sóng thần xảy ra vào đúng 1% đó thì ứng phó thế nào, ai chịu trách nhiệm? Cứu hộ, cứu nạn phải đặt ra các tình huống, giả thiết, kịch bản ở mức cao nhất, xấu nhất để chuẩn bị ứng phó, không bị động, bất ngờ.

Từ vụ bé trai rớt xuống trụ bê tông: Cứu nạn cứu hộ cần chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 3.

Toàn cảnh hiện trường với nhiều thiết bị chuyên dụng giải cứu bé Hạo Nam - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Mở rộng mạng lưới cứu hộ, cứu nạn

Đại tá Nguyễn Minh Khương - phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) - cho hay thời gian tới Bộ Công an sẽ mở rộng mạng lưới các đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực cấp huyện (705 huyện) để phủ dày bán kính bảo vệ. Lực lượng này sẽ có mặt nhanh nhất khi có sự cố.

Cũng theo đại tá Khương, sẽ tiếp tục đầu tư, trang bị phương tiện, quần áo, thiết bị bảo vệ cá nhân cho cán bộ chiến sĩ, đáp ứng được yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trong môi trường nguy hiểm, độc hại. 

Các thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân của cán bộ chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ sẽ có cả cơ số dự trữ. Đặc biệt, sẽ tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ chiến sĩ, trong đó có cả việc hợp tác với quốc tế để thực hiện công tác đào tạo.

"Trong giai đoạn đến năm 2025, sẽ hiện đại một số phương tiện như phương tiện cứu nạn, cứu hộ trên cao, những phương tiện, thiết bị bay không người lái để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở những tòa nhà cao tầng. 

Bên cạnh đó sẽ hiện đại các thiết bị tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ dưới sâu. Từ đó, kịp thời ứng phó với các tai nạn bất ngờ, hi hữu, nhanh chóng giải cứu được người bị nạn", ông Khương cho biết thêm. 

Đến năm 2030 sẽ xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Lúc này sẽ nâng tầm thiết bị, phương tiện như trực thăng, thiết bị không người lái, thiết bị xử lý sự cố hóa chất...

Từ vụ bé trai rớt xuống trụ bê tông: Cứu nạn cứu hộ cần chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 4.

Lực lượng chữa cháy cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy karaoke An Phú (Bình Dương), tháng 9-2022 - Ảnh: T.T.D.

Xem trọng cả khâu cấp cứu

Công tác cứu hộ, cứu nạn là công việc ở hiện trường, song để có kết quả tốt nhất còn phải thật sự chú trọng khâu cấp cứu, nơi có lực lượng y tế chuyên nghiệp.

Nói về việc này, đại tá Trần Quốc Việt - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho rằng hiện nay, sân cấp cứu bằng trực thăng nằm trên nóc nhà Viện Chấn thương - Chỉnh hình mới chỉ dừng ở cấp cứu cho quân đội. 

Trong thời gian tới, bệnh viện đã có kế hoạch hợp tác với Binh đoàn 18 để đảm bảo cấp cứu tại khu vực giàn khoan. Ngoài ra, có công ty bảo hiểm muốn hợp tác trong việc cấp cứu khách du lịch, thời gian lâu dài sẽ hướng đến cấp cứu cho người dân.

Đến nay việc dân sự hóa hoặc cấp cứu dịch vụ bằng đường hàng không vẫn chưa thể triển khai được, chủ yếu là phụ thuộc vào quân đội. 

Các cơ sở y tế hoặc những tỉnh khác có bãi đỗ trực thăng, được cấp phép hay chưa là những câu hỏi cần trả lời để cấp cứu bằng đường không có thể triển khai nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM - cho hay trong tương lai, trung tâm mong muốn tổng đài sẽ là hạt nhân, trái tim kết nối khâu liên quan trong hệ thống cấp cứu ngoại viện. 

Trong đó phải kể đến như kết nối bệnh nhân, thân nhân người bệnh với các chuyên gia, xe cứu thương để xác định rõ vị trí, hoặc các bác sĩ không cần lặp lại các khâu sơ cứu đơn giản khi đưa vào bệnh viện.

Đặc biệt, mong muốn trung tâm sẽ có lực lượng chuyên trực thuộc trung tâm cấp cứu đóng rải rác tại các điểm của thành phố, không phụ thuộc vào mạng lưới cấp cứu vệ tinh. Việc này cần đầu tư thêm về cơ sở vật chất, hạ tầng, trung tâm cố gắng tuyển dụng. 

Dành cho bạn

Tương lai Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ đa dạng thêm loại hình cấp cứu như cấp cứu bằng đường thủy, cấp cứu hiện đại, chuyên sâu, cấp cứu thông thường...

TP.HCM triển khai cứu hộ qua mạng thông tin di động

UBND TP.HCM vừa ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động, có hiệu lực từ ngày 10-1.

UBND TP đã cho phép định vị thuê bao di động ở một số trường hợp cần thiết. Trong vòng 15 phút kể từ khi nhận được yêu cầu, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại thành phố phải cung cấp thông tin định vị thuê bao di động để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tối 7-1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho hay UBND tỉnh đã họp với Bộ GTVT và sở, ngành, địa phương, các chuyên gia về việc cứu nạn, cứu hộ sự cố cháu bé lọt vào ống trụ bê tông tại cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình vào ngày 31-12-2022 và đã tử vong.

Tỉnh đã thống nhất phương án nhổ ống trụ bê tông qua nhiều bước do hai đơn vị thi công cầu đường uy tín của Việt Nam tiến hành. Để nhổ ống trụ bê tông cần thêm một cần cẩu 80 tấn hoặc ít nhất 50 tấn bổ sung vào công trường khi hiện tại có hai cẩu 50 tấn và 35 tấn.

Theo phương án này, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê tông tạo thành một bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi tầng 1).

Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê tông (tạm gọi tầng 2). Sau đó đất xung quanh trụ được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy trụ sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc trụ bê tông lên.

Không ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình

Công trình xây dựng ở Nhật rất nghiêm khắc trong việc quản lý an toàn lao động trong thi công công trình và cũng luôn có những biện pháp bảo vệ và ngăn rủi ro xảy đến cho những người dân thường xuyên đi qua lại.

Đối với người lao động, có ba nguyên tắc chính bắt buộc phải tuân thủ vì không ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình:

1. Phải tuân thủ nghiêm các quy định về luật an toàn vệ sinh lao động. Các quy định về biển báo, rào chắn, bảo hộ cường lực... phải được nhà thầu thực hiện đúng quy định.

2. Quy trình thao tác thi công phải được thực hiện an toàn đúng như kế hoạch thi công đã quy định từ trước. Trường hợp có thay đổi thì phải được sự đồng ý của người có trách nhiệm mới được thi công.

3. Tự bản thân mình phải bảo vệ chính mình bằng cách sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ như mũ bảo hiểm, dây an toàn, găng tay lao động, thực hiện đúng các quy trình lao động đã đề ra, không tự ý làm những gì chưa được quy định.

Ngoài ra, mỗi ngày trước khi thi công công việc nào đó, họ sẽ thực hiện họp tổ nhóm nhằm đưa ra khối lượng công việc trong ngày hôm đó, và dự đoán các rủi ro tai nạn lao động có thể xảy ra để tự mỗi cá nhân đưa ra biện pháp khắc phục, dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhất.

Ví dụ, trời mưa có thể dễ bị trượt ngã, vì vậy nên chú ý đi cẩn thận và kiểm tra mặt đất thường xuyên khi di chuyển lúc tác nghiệp.

Với người dân xung quanh, trước khi khởi công, nhà thầu và chủ đầu tư sẽ thông báo cho người dân xung quanh biết về nội dung thi công công trình, những điểm lưu ý cần sự hợp tác về an toàn lao động, thời gian thi công...

Thực hiện lắp đặt những biện pháp cứng như bao chắn công trình, cắm biển báo, hướng dẫn ở những chỗ dễ nhìn thấy với người dân. Bố trí người quan sát, người bảo vệ khi xe lưu thông vào ra công trình.

Đối với những tình huống khẩn cấp, ở công trường người Nhật luôn chuẩn bị những trang thiết bị để đối ứng với những tình huống xấu đã dự trù.

Tuy nhiên, những tình huống ngoài tầm kiểm soát thì cần báo cáo với cấp trên và cân nhắc xử lý đúng quy định theo thể chế ở công trường và luật an toàn vệ sinh lao động.

Kỹ sư Lê Long (từ Tokyo, Nhật Bản)

Tai nạn trên công trường xây dựng là nhiều nhất

Theo thống kê năm 2021 của Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS), số lượng và tỉ lệ các vụ tai nạn gây thương tích, chết người tại công trường xây dựng cao hơn mọi ngành nghề, lĩnh vực khác, bao gồm cả tai nạn giao thông và kho bãi với tỉ lệ 1/5 các trường hợp.

Chỉ tính riêng năm 2020 nước Mỹ có 1.008 công nhân xây dựng chết trong khi đang làm việc.

Cụ thể, những tai nạn liên quan độ cao chiếm 34% số ca tử vong. Theo số liệu của BLS, cơ hội sống sót khi bị ngã ở độ cao 9,1m là gần như bằng 0.

Ngoài ra còn có các tai nạn khi đang phá dỡ công trình, tai nạn do trượt, ngã, cháy, nổ, tai nạn do cần cẩu và xe nâng, tai nạn liên quan các mương, rãnh trên công trình, tai nạn do máy móc, do điện giật, bị mắc kẹt trong vật liệu, tai nạn ở giếng (hố) thang máy...

Theo các chuyên gia, dù hiểu rõ và nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn trên công trường nhưng người lao động cần được truyền đạt thấu đáo.

Công ty xây dựng cần thường xuyên và định kỳ tổ chức các cuộc họp nhóm để chia sẻ thông tin, giải thích rõ những nguy cơ.

Tại một số nơi, những cuộc họp như vậy có thể dễ dàng tổ chức bằng phần mềm xây dựng.

Phần mềm này có thể dùng để cập nhật trực tiếp dữ liệu từ công trình đang thi công, từ đó giúp mọi người cùng nhận ra khi nào và ở đâu, các nguyên tắc an toàn lao động đang chưa được đảm bảo.

Cùng với đó, việc sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc là bắt buộc. Để phòng ngừa các tai nạn trượt ngã, một trong những biện pháp phòng ngừa dễ nhất là giữ cho không gian làm việc sạch sẽ và ngăn nắp, đồ nào việc đó.

D.KIM THOA tổng hợp