Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp ấp Trung Nhất do Phú làm chủ. Mô hình được thành lập với thiết bị chính là máy bay nông nghiệp DJI Agras T50 (Agridrone), vốn đầu tư gần 500 triệu đồng.

Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay của chàng trai Khmer

Áp dụng mô hình hiện đại, bảo vệ sức khỏe nhà nông

Phú kể gia đình có 19 ha đất trồng lúa. Trong quá trình canh tác, anh luôn trăn trở với kỹ thuật phun thuốc thủ công, thiếu máy móc hiện đại và hiệu quả không cao. Từ đó, anh mày mò, học hỏi mô hình phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái và mong muốn sắm thiết bị hiện đại này phục vụ ruộng lúa gia đình và bà con địa phương. "Học hết lớp 12, tôi nghỉ để phụ gia đình làm ruộng. Nhận thấy cách phun thuốc thủ công có nhiều hạn chế và ảnh hưởng sức khỏe nông dân nên tôi nghĩ đến việc mang mô hình máy bay nông nghiệp áp dụng trên đồng lúa quê nhà và bắt đầu khởi nghiệp từ đó", Phú kể.

Ban đầu, Phú trang bị một flycam nhỏ, ngày ngày ra ruộng tập thao tác bay cho thành thục. Đến cuối năm 2024, từ nguồn vốn gia đình, Phú mua máy bay nông nghiệp với giá gần 500 triệu đồng. Sau đó, thành lập Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp ấp Trung Nhất, với sự tham gia của 6 đoàn viên, thanh niên địa phương.

Nhận thấy cách phun thuốc thủ công có nhiều hạn chế và ảnh hưởng sức khỏe nông dân nên tôi nghĩ đến việc mang mô hình máy bay nông nghiệp áp dụng trên đồng lúa quê nhà và bắt đầu khởi nghiệp từ đó.

Danh Đức Phú

Khi mới đi vào hoạt động, tổ bay của Phú gặp không ít khó khăn khi đưa máy bay phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trình diễn tại nhiều điểm canh tác lúa vì nông dân còn lạ lẫm, chưa tin. Để tạo niềm tin cho bà con, anh vừa vận hành máy bay phun thuốc thử nghiệm miễn phí, vừa kiên trì thuyết phục bà con thử nghiệm. Sau một thời gian, nhiều nông dân trên địa bàn H.Thạnh Trị đã tin tưởng và tìm đến Phú ký hợp đồng phun thuốc BVTV trên lúa.

Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thanh niên địa phương

Phú cho biết các thành viên trong tổ đều được anh dành thời gian huấn luyện bay, thông số phun, liều lượng thuốc… sao cho phù hợp. Mỗi lần phun thuốc có 3 thành viên, mỗi người một khâu (điều khiển thiết bị bay, sạc pin, pha thuốc). Chẳng hạn, 3 người phun cho 10 ha thì đến 10 ha tiếp theo do 3 người khác đảm nhận.

Dành cho bạn

Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay của chàng trai Khmer
Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay của chàng trai Khmer

 

Trung bình mỗi ngày tổ bay phun phân, thuốc cho khoảng 30 ha ruộng lúa trên địa bàn H.Thạnh Trị. Vào mùa cao điểm, như đầu vụ, thì bay liên tục cả ngày từ 200 - 300 ha. "Nguồn thu nhập chia đều cho từng thành viên. Người phụ trách sạc pin được trả 1.000 đồng/1.000 m², người pha thuốc 1.200 - 1.500 đồng/1.000 m², người vận hành máy 2.500 - 3.000 đồng/1.000 m². Nhờ đó, mỗi ngày, nếu bay khoảng 30 ha, mỗi người có thu nhập vài trăm ngàn đồng", Phú cho biết.

Chia sẻ dự định sắp tới, Phú cho biết sẽ mở rộng mô hình. Nếu có điều kiện, anh tiếp tục sắm thêm thiết bị bay để tạo thêm việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương.

Anh Danh Thi (thành viên tổ bay) cho biết khi Phú thành lập tổ bay, anh được nhận vào đảm nhận khâu pha thuốc. Nhờ mô hình này, mỗi ngày, anh kiếm được trên 300.000 đồng. Mức thu nhập này ở quê là sống khỏe. Tương tự, anh Danh Đình Trí (thành viên tổ bay) chia sẻ: "Nhờ anh Phú mà người trẻ ở quê không có điều kiện học cao như tôi không phải ly hương kiếm sống. Được tham gia tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp, tôi có thu nhập ổn định hằng ngày; riêng mùa cao điểm thu nhập gấp 2 - 3 lần ngày thường".

Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay của chàng trai Khmer

Anh Khưu Nhật Khánh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam H.Thạnh Trị, cho biết: "Từ niềm say mê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, anh Phú đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp. Qua đó, tạo việc làm cho 6 đoàn viên, thanh niên địa phương. Tin rằng thời gian tới, mô hình này sẽ hoạt động hiệu quả và là mô hình tiêu biểu áp dụng chuyển đổi số tại địa phương".