Hình ảnh mắt của bệnh nhân sau khi bị chó cắn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chiều 13-3, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân 40 tuổi bị chó cắn vào mắt, làm rách kết mạc, đứt lệ quản.
Theo chia sẻ của người nhà, khi bệnh nhân mở cửa thì bị chó cắn vào vùng mặt và mắt trái, phải mất vài phút mới có thể ngăn cản sự tấn công của chó.
Sau đó, bệnh nhân đưa đến Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương trong tình trạng đau đớn vì các vết thương phức tạp chảy máu nhiều, vết thương góc trong mi trên có kích thước 1cm, đứt lệ quản trên vị trí 1/3 trong.
Không những thế, bệnh nhân còn bị vết thương góc ngoài cung mày kích thước 1,5 x 0,5cm, rách phức tạp khóe mắt gồm: đứt dây chằng mi góc ngoài, rách sụn mi, rách kết mạc nhãn cầu góc ngoài kích thước 0,5cm.
Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu giảm đau, cầm máu, sơ cứu vết thương, tiêm vắc xin phòng bệnh dại và chuyển phẫu thuật...
May mắn hiện mắt bệnh nhân đã có thể nhìn được và đang được chăm sóc tại khoa liên chuyên khoa. Dự kiến bệnh nhân có thể ra viện trong vài ngày tới.
Các nhân viên y tế bệnh viện cho biết họ không dám tưởng tượng nếu không ngăn cản được sự tấn công của chó kịp thời, hậu quả để lại với mắt của bệnh nhân sẽ như thế nào.
Dành cho bạn
Thời gian gần đây cả nước xảy ra rất nhiều vụ bị chó tấn công rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong do bị chó cắn; hay gặp tai nạn nguy kịch khi đang lái xe trên đường do đâm vào chó thả rông.
Thương tâm nhất trong số này là trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Phượng (31 tuổi, dạy tiếng Anh tại Trường tiểu học Hùng Xuyên, Phú Thọ) đã bị chấn thương sọ não nghiêm trọng sau khi xe máy đâm vào chó thả rông, khi cô giáo trên đường đến trường vào ngày 7-3.
Những lời chúc sức khỏe cô giáo khiến trái tim các bác sĩ như bóp nghẹt và nỗ lực hết sức để cứu chữa. Hiện sức khỏe của cô giáo Phượng đã có phần nào hy vọng, gọi hỏi có đáp ứng, có thể cử động các ngón tay và ngón chân.
Theo Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, những vụ chó tấn công, chó gây ra tai nạn đều là những con chó được nuôi trong gia đình hoặc hàng xóm, thường ngày hay gần gũi và người nhà nên thường không đề phòng nhiều.
Do đó, các gia đình nếu có nuôi chó cần nhốt, rọ mõm, tiêm phòng đầy đủ và có cảnh báo với người dân xung quanh. Khi bị chó cắn cần theo dõi chó và ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.