Gần đây, chị N.T.N (38 tuổi, trú Tân Bình, TP.HCM) thấy người mệt mỏi, cảm giác hoa mắt nên tìm tới PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Bệnh Viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, để kiểm tra. Kết quả, chị được chẩn đoán rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ độ 2, polyp túi mật. 

Khi nghe kết quả trên, nữ bệnh nhân hết sức bất ngờ. Chị cho biết mình ăn chay trường suốt gần 10 năm nay. Thân hình của chị cân đối và luôn tự tin sức khỏe của mình tốt. Chị lại đến một cơ sở y tế khác làm lại xét nghiệm, kết quả không thay đổi.

Phó giáo sư Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, ngoài trường hợp trên ông đã khám và điều trị cho rất nhiều người có thói quen ăn chay trường nhưng vẫn mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt gan nhiễm mỡ.

Vì sao ăn chay vẫn thừa mỡ?

Nhiều người khám sức khỏe định kỳ phát hiện huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, mỡ máu cao đã chuyển sang chế độ ăn chay và thời gian sau đi kiểm tra sức khỏe kết quả các chỉ số còn cao hơn chỉ số cũ.

Theo bác sĩ Nam, nguyên nhân gây ra các bệnh lý trên ngoài yếu tố gene, việc ăn chay nếu dư thừa năng lượng vẫn tích tụ và chuyển thành mỡ gây rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ. Nhiều người nghĩ rằng ăn chay là khỏe nhưng thực chất họ chỉ ngừng ăn các thực phẩm từ động vật thay thế bằng các thực phẩm khác.

Hiện nay, gan nhiễm mỡ là bệnh lý ngày càng tăng, trẻ hóa. Trong khi đó, các thực phẩm chay như xôi, các loại đậu, đặc biệt là đậu tương cũng chứa tới 15-25% bột đường, 15-20% chất béo, 35-45% chất đạm… Đặc biệt, các món chay được chế biến gần như món mặn chiên nhiều dầu, thậm chí dùng dầu được chiên đi chiên lại làm tăng lượng cholesterol xấu LDL, giảm cholesterol tốt HDL trong máu.

Dành cho bạn

Theo vị chuyên gia này, người ăn chay sẽ thiếu khẩu phần là thịt, cá. Các loại thực phẩm này cung cấp lượng protein, omega-3 cho cơ thể. Nếu bạn không ăn thịt nguy cơ thiếu hụt protein, canxi, sắt, iốt và vitamin B12 cao hơn. 

Khi thiếu hụt các chất trên, cơ thể có thể đến các triệu chứng như mệt mỏi, cảm thấy yếu, thiếu máu, mất xương và các vấn đề về tuyến giáp. Mặc dù nhiều người bổ sung thêm protein từ thực vật như các loại ngũ cốc nhưng không đủ.

Theo PGS Nam, cơ thể thiếu hụt vitamin B12 có thể kích thích quá trình sản xuất quá nhiều homocysteine, dẫn đến trầm cảm, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, táo bón, thiếu máu, bệnh tim và đột quỵ. Ngay cả những người ăn chay và người không ăn chay thường xuyên có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin B12. 

Vì vậy, bác sĩ nam khuyến cáo người ăn chay cũng cần cân bằng dinh dưỡng. Bạn cần tính toán để có một chế độ ăn hợp lý, cân bằng các chất cần thiết như tinh bột, đạm, đuờng, béo, vitamin và khoáng chất. Thực phẩm nào cũng tốt nhưng ăn nhiều quá lại không tốt. Đối với trái cây, PGS Nam cho rằng việc ăn nhiều trái cây dư thừa lượng đường fructose cũng chuyển hóa thành mỡ máu, mỡ gan...