Chủ nhân của ngôi nhà là ông Đỗ Văn Bình (trú tại thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, H.Vũ Thư, Thái Bình). Theo ông Bình, những bút tích để lại cho thấy, ngôi nhà cổ được một vị quan ở Phủ Lạng Sơn dựng lên vào khoảng năm thứ 6 vua Thành Thái.
Ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc đồng bằng Bắc bộ gồm 3 gian, 2 chái, có chiều dài 13,6 m, chiều ngang hơn 7 m.
Bằng sự tìm tòi của mình về lịch sử qua các niên đại, ông Bình nhận định, những hoa văn họa tiết được chạm khắc trên gỗ tại một số bộ phận cửa và cột, kèo của ngôi nhà chủ yếu là hoa lá tây, một trong những nét đặc trưng nghệ thuật thời nhà Nguyễn.
Ngôi nhà thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài ghé thăm và tìm hiểu.
Nói về cơ duyên sở hữu ngôi nhà cổ độc đáo, ông Bình cho hay, ông sinh ra và lớn lên tại xã Hiệp Hòa (H.Vũ Thư), nơi có nhiều đình, chùa, miếu mạo cổ kính nên niềm đam mê đồ cổ của ông cũng lớn dần theo năm tháng.
Khi trưởng thành, có điều kiện hơn, ông đã chuyển những đam mê bằng hành động sưu tầm đồ cổ. Cũng xuất phát từ những điều này mà đến nay công việc của ông cũng liên quan ít nhiều đến đồ cổ.
Dành cho bạn
Cách đây 17 năm, có người buôn gỗ giới thiệu về một ngôi nhà cổ tại Lạng Sơn nên ông Bình tìm đến xem và quyết định mua về dựng trên đất của gia đình. Ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, khung gỗ lim chắc chắn, không bị mục rũa, ngói lợp phía trên được đóng bằng tay từ thời xa xưa.
Tuy nhiều viên ngói đã bị bục, phải thay thế nhưng khung nhà vẫn không bị ảnh hưởng gì. Theo ông Bình, chỉ cần mái ngói không bị thấm nước, nhà không bị dột thì gỗ lim có tuổi thọ lên đến 500 năm. Hiện ngôi nhà chưa có bất kỳ dấu hiệu bị mục hỏng.
Nhiều năm qua, gia đình ông Bình vẫn sinh sống trong ngôi nhà này. Một năm trước, do xây nhà mới nên ông Bình để ngôi nhà cổ thành nhà thờ: "Mùa đông ngôi nhà hơi lạnh nhưng mùa hè không cần dùng quạt vẫn mát như có điều hòa", ông Bình cho biết.