Khai thác bệnh sử, K. cho biết máu từ vết thương chảy nhiều gây khó thở và choáng váng. K. cố gắng dùng tay bịt vết thương, loạng choạng chạy bộ về nhà. Nhìn thấy con trai máu me bê bết, bố của anh vội vàng đưa con đến bệnh viện gần nhà để cấp cứu. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của ca tai nạn, các bác sĩ nhanh chóng sơ cứu, đặt nội khí quản cho bệnh nhân, chuyển đến Bệnh viện FV.
Ngày 17.4, bác sĩ Hạ Thị Hạnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV, cho biết bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng vật vã, lơ mơ, huyết áp tụt 46/20 mmHg - biểu hiện của sốc mất máu. Cổ được băng ép cầm máu tạm thời từ tuyến trước, nhưng máu lại tiếp tục trào ra mũi và họng.
Bệnh nhân lập tức được truyền dịch, truyền máu, tiêm thuốc vận mạch, chụp CT scan, song song đó các bác sĩ chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ngay lập tức.
Do tính chất phức tạp và tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, hội đồng y khoa FV đã hội chẩn khẩn và thống nhất ê kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ từ 4 chuyên khoa. Trong đó, bác sĩ Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát là người phẫu thuật chính cho bệnh nhân.
"Vết thương của bệnh nhân rất nguy hiểm, gây rách thủng vùng hạ hầu - thực quản một đoạn dài khoảng 4 cm, đi từ mặt trước cổ với vết lóc da rộng, xuyên sâu đến mặt trước cột sống cổ. Máu từ vết thương tràn qua vết rách vùng hầu - thực quản, một phần bị hít sặc vào phổi, phần khác bị nuốt xuống dạ dày, trào ra mũi họng", bác sĩ Thái chia sẻ.
Dành cho bạn
Do mất một lượng máu lớn, nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền tới 1.500 ml máu.
Sau 2 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công. Bệnh nhân được chuyển về phòng ICU để tiếp tục theo dõi.