Thông tin được PGS.TS Trần Phan Chung Thủy, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng ASEAN chia sẻ tại hội thảo khoa học về tình hình khiếm thính của trẻ em Việt Nam và tương lai của các cháu diễn ra ngày 9/7 tại Hà Nội.
Theo PGS Thủy, khoảng 1,5 tỷ người trên toàn cầu sống chung với tình trạng mất thính lực, con số này bao gồm khoảng 60 triệu người bị mất thính lực nặng và sâu. Ngoài ra 1-3 trong số 1.000 trẻ sơ sinh gặp tình trạng khiếm thính, 1 trong 3 người trên 65 tuổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất thính lực. Thế nhưng chưa đến 5% được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác.
Việt Nam có 2,5 triệu người bị khiếm thính, trong đó 60% đang ở độ tuổi đi làm. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác còn rất thấp.
Ngoài ra, ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, chúng ta có khả năng khám sàng lọc và chẩn đoán được khiếm thính cho trẻ sơ sinh, thậm chí là trước sinh. Tuy nhiên, việc can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính gặp không ít khó khăn. Đặc biệt chỉ 30% trẻ được sàng lọc thính lực sau sinh.
Mỗi năm nước ta có khoảng 1.500-2.000 trẻ khiếm thính bẩm sinh chào đời song việc can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, việc cấy ốc tai điện tử sớm sẽ giúp cho trẻ bị khiếm thính phát âm và khả năng ngôn ngữ tốt hơn, nhận thức và hiểu lời nói tốt hơn, cùng đó kỹ năng phát triển tâm lý xã hội liên quan đến giao tiếp tốt hơn.
"Trẻ cấy ốc tai điện tử trước 12 tháng tuổi có hiệu quả nghe tốt hơn rất nhiều so với những trẻ cấy sau 12 tháng tuổi", PGS Thủy nói.
Dành cho bạn
Đối với người khiếm thính, để có thể nghe được, họ phải dùng máy trợ thính hoặc được cấy ghép ốc tai điện tử… Tuy nhiên, hiện nay, các thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng thính giác không được thanh toán bảo hiểm y tế.
Người khiếm thính khi sử dụng các thiết bị trợ thính cũng không được bất cứ loại hình bảo hiểm nào (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe…) thanh toán.
Trong khi đó, phần lớn họ không có khả năng kinh tế để có thể được sử dụng những tiến bộ khoa học mới nhất đó của y học trong lĩnh vực điều trị khiếm thính. Trong trường hợp này, nếu có sự chi trả (toàn bộ hoặc một phần) thông qua chính sách bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, trong đó có người bị khiếm thính thì hàng triệu người khiếm thính sẽ có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường.
Các chuyên gia đề xuất cần có chính sách hỗ trợ chi trả can thiệp điều trị khiếm thính. Trẻ khiếm thính cần được phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời và giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.