Câu nói khiến nam nhân viên ngành kiểm toán 29 tuổi, ở Hà Nội tự ái, giật lấy ly rượu, uống cạn. Chiêu này có thể khiến Thành uống hàng chục chén rượu mỗi cuộc nhậu. Không ít lần anh gục trên bàn ăn, phải nhờ người đưa về.

Cuối năm là thời điểm Thành và các đồng nghiệp ăn nhậu triền miên, rải rác đến hết tháng Chạp. Trung bình mỗi tuần anh phải tham gia 2-3 cuộc liên hoan trong nội bộ phòng, giao lưu với các phòng ban khác và lãnh đạo các cấp. Toàn bộ nhân viên bắt buộc tham gia, muốn vắng mặt phải có lý do chính đáng.

Nhưng ám ảnh nhất là nạn mời rượu mà như ép. "Thẳng thừng từ chối dễ khiến người mời phật ý, sau khó làm việc", anh nói. Điều này cũng khiến người từng uống một chén đã say như Thành, sau 6 năm đi làm có thể uống cả lít rượu.

Một bữa tiệc tất niên anh Thế Hiển tham gia cùng nhóm bạn cấp 3, giữa tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một bữa tiệc tất niên anh Thế Hiển tham gia cùng nhóm bạn cấp 3, giữa tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài đối tác làm ăn, anh Thế Hiển, 45 tuổi, kinh doanh tự do tại Hải Dương, nhận hàng chục lời mời gặp mặt cuối năm từ bạn bè các cấp học, đồng nghiệp cũ, hội đồng hương cho đến nhóm chạy bộ, cầu lông.

Không sợ bị ép rượu, vấn đề của anh Hiển là phải xếp lịch để tránh trùng và không ảnh hưởng đến công việc. Nhiều năm kinh nghiệm, anh sẽ đặt lời nhắc trong điện thoại, sau lập kế hoạch di chuyển phù hợp.

Nếu bị trùng lịch, anh sẽ dành một tiếng đến bữa tiệc thứ nhất, mời rượu một lượt rồi xin phép chạy sang bữa tiệc khác. Có buổi tối anh phải dự ba buổi tiệc với đối tác, đồng nghiệp và bạn bè. "Nếu tôi đi người này mà từ chối người kia dễ bị đối phương trách móc. Mỗi năm chỉ có một lần nên tôi cố đi, sau có việc còn dễ nhờ vả", anh nói.

Liên hoan cuối năm là hoạt động thường niên của nhiều người, đặc biệt là dân công sở, người kinh doanh. Điều này thúc đẩy doanh thu của các nhà hàng, dịch vụ chở khách và thị trường bia, rượu tăng trưởng mạnh.

Anh Lê Mạnh Khang, chủ quán buffet lẩu nướng có sức chứa gần 200 khách ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết lượng người đến quán dịp cuối năm tăng hơn 50%, nhiều thời điểm phải dừng nhận khách. Nhóm đặt bàn tiệc trên 10 người chiếm hơn nửa, chủ yếu trong độ tuổi từ 20 đến 30, nhưng phải đặt trước một tuần. Nhiều hàng quán khác tại Hà Nội, TP HCM cũng ghi nhận lượng khách tăng đáng kể.

Thị trường bia rượu cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối năm. Báo cáo bốn năm gần nhất của của hai đơn vị sản xuất rượu bia nội địa lớn nhất là Sabeco và Habeco cho thấy, mức tăng trưởng doanh thu thuần trong quý 4 hàng năm thường nhỉnh hơn, do sản lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tăng.

Riêng năm 2020, hai doanh nghiệp có dấu hiệu sụt giảm do chịu tác động kép từ Nghị định 100 và dịch Covid-19. Đến quý 4/2021, cả hai lại có sự tăng trưởng vượt bậc.

Chỉ tính riêng TP HCM, các tháng Tết hàng năm, trung bình người dân tiêu thụ 44-45 triệu lít bia, tăng 30% so với tháng thường, theo số liệu của Sở Công Thương.

Theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Văn hóa kinh doanh, bản chất của tiệc tất niên là nâng cao đời sống tinh thần, tri ân người lao động, tạo dựng các mối quan hệ thân thiết. Đây vốn dĩ là hành vi tích cực nhưng đang bị biến tướng thành cuộc ép rượu.

"Chỉ đơn thuần là buổi gặp mặt tự nguyện nhưng lại khiến người tham gia tiêu tốn thời gian; thâm hụt kinh tế; tổn hại đến sức khỏe; gây mất an toàn giao thông, trật tự xã hội; ảnh hưởng đến hiệu suất công việc...", ông Cương nói.

Dành cho bạn

Anh Phúc Thành thừa nhận, sau mỗi chầu nhậu thường xuyên bị đau đầu, mệt mỏi kéo dài. Trong khi lượng công việc cần giải quyết lớn, buộc anh phải tranh thủ giờ nghỉ trưa, cuối tuần.

Ăn ít, uống nhiều cũng khiến bệnh đau dạ dày của Thành tái phát, xuất hiện triệu chứng của men gan cao. "Cuối năm chi cả đống tiền cho ăn uống, mua sắm, giờ thêm khoản thuốc men. Muốn chối cũng không được", anh than.

Nhậu nhẹt triền miên khiến anh Thế Hiển không có thời gian ăn cơm cùng gia đình, đưa đón con đi học. Đây cũng là nguồn cơn khiến hai vợ chồng liên tục cãi vã, xích mích trong những tháng cuối năm. "Đều là những mối quan hệ thân tình tôi không đi không được, vậy mà vợ con không chịu hiểu", anh Hiển phân bua.

Ngoài tốn thời gian, sức khỏe, tiệc tất niên còn khiến Thu Hương, 25 tuổi, ở TP HCM kiệt quệ về kinh tế. Ba tuần trước Tết Nguyên đán, nữ nhân viên liên tục nhận lời mời dự tiệc từ chục nhóm lớn, nhỏ trong công ty và bạn bè, tiền ăn tự đóng góp. Chi phí cho mỗi bữa dao động từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng, khiến mức lương 9 triệu đồng mỗi tháng của Hương không đủ chi tiêu.

"Nhiều buổi liên hoan tôi phải vay bạn bè, bởi lương chỉ đủ trả tiền nhà, ăn uống và nuôi em trai học đại học. Nhưng bản thân cũng không dám từ chối vì sợ đồng nghiệp nghĩ 'chảnh', cấp trên đánh giá thiếu hòa đồng", cô nói.

Dù sức tăng trưởng đáng chú ý của ngành dịch vụ, thực phẩm và đồ uống trong giai đoạn cuối năm, PGS TS Đỗ Minh Cương cho rằng, nên hạn chế tổ chức các buổi tiệc tốn kém, tạo cơ hội thúc ép nhau uống rượu dịp cuối năm.

"Doanh nghiệp có thể tổ chức tiệc trà đơn giản, đề xuất khen thưởng những nhân viên có thành tích tốt trong năm; các cấp quản lý, trưởng nhóm nên nhắc nhở nhân viên không nên sa đà vào các cuộc vui, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc; người lao động cũng cần học cách từ chối nếu không thích", ông Cương nói.

Nhiều năm nay, Đức An, 28 tuổi, nhân viên công nghệ thông tin tại Hà Nội, luôn từ chối mọi lời đề nghị ăn nhậu cuối năm để bảo vệ sức khỏe, kinh tế và tránh trở thành "con mồi" của nạn ép rượu, bia.

Chàng trai 28 tuổi nói rằng cần nhiều thời gian để giải quyết công việc tồn đọng. Các khoản chi tiêu, tiền thưởng cũng được anh tính toán phù hợp để có khoản biếu bố mẹ tiêu Tết, mua sắm đồ cho gia đình. "Riêng những mối quan hệ thân thiết tôi sẽ dời lịch gặp mặt sang năm mới, khi thời gian dư dả hơn", anh tâm sự.

Không chỉ các cá nhân, một số công ty cũng thay đổi cách thức tổ chức tiệc tất niên. Mọi năm, chị Phương Hằng, 42 tuổi, giám đốc một công ty dầu nhớt ở Hải Phòng, phải chi hàng chục triệu đồng để tổ chức tiệc tất niên cho nhân viên và các đối tác. Sau hai năm dịch bệnh cộng với tình hình kinh doanh không khởi sắc, chị nói năm nay bỏ tiệc cuối năm, tiền dự định tổ chức sẽ chia đều cho nhân viên. Đề xuất này được 100% người lao động ủng hộ.

"Tổ chức tiệc tùng tốn kém nhưng nhiều nhân viên không thích hội họp, ghét rượu bia. Chi bằng tôi tặng tiền, để người lao động chủ động sử dụng, miễn sao là cuối năm mọi người đều vui vẻ", chị Hằng nói.