Tan ca, Giám đốc Nguyễn Thanh Tâm, Công ty TNHH Giải pháp sự kiện và thể thao Tâm Nguyễn, cùng một số nhân viên ngồi lại trò chuyện. Sau gần 4 tháng tuyển Đào Quốc Việt (33 tuổi), bị mất 2 tay do bỏng điện, vào làm ở vị trí bán hàng, anh Tâm mới thoải mái trò chuyện với nhân viên của mình.
"Trước đây, dù ở cương vị người quản lý nhưng tôi luôn cẩn trọng khi trò chuyện với Việt vì sợ nếu nói chuyện quá tự nhiên, chẳng may lỡ lời có thể khiến Việt buồn. Lúc đó, Việt còn rụt rè, mặc cảm về ngoại hình", anh Tâm cho biết.
Việc làm là một món quà
Suốt 14 năm qua, kể từ ngày thành lập công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực may mặc, in ấn trang phục thể thao, anh Tâm quán triệt chính sách ưu tiên tuyển nhân viên là người khuyết tật. Bởi trước đây, anh thường nghe họ tâm sự rất khó tìm được việc làm ổn định, kể cả những người có bằng cấp.
Thời điểm đó, khi công ty chưa lớn mạnh, anh Tâm chủ yếu tuyển nhân viên khuyết tật làm ở các bộ phận như may, in ấn, xếp quần áo… Tùy thể trạng của họ mà anh phân công việc phù hợp. Ban đầu, anh chủ động tìm tới họ thông qua bạn bè, người thân. Có khi anh đến các trung tâm giới thiệu việc làm nhờ đăng tin tuyển dụng. Anh Tâm cho biết trong quá trình hướng dẫn công việc, anh luôn cố gắng chia sẻ để mọi người sớm hòa nhập.
Tiếng lành đồn xa, người dân trong vùng có con em khuyết tật đều dẫn đến công ty anh Tâm xin việc. Hàng chục nhân viên là người khuyết tật được anh hỗ trợ việc làm đã đến và rời đi theo nguyện vọng cá nhân. Trong đó, anh vẫn nhớ về cô nhân viên bị câm điếc quê Hà Tĩnh làm thợ may, bởi sự tận tâm của cô trong công việc. Vì gặp khó khăn trong giao tiếp nên anh Tâm và cô gái chỉ có thể trao đổi qua tin nhắn. Việc truyền đạt thông tin giữa 2 người khá vất vả.
"Cô ấy thường nhắn tin rất khó hiểu nên tôi phải hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần. Với họ, mình cần kiên nhẫn. Người khuyết tật vẫn có thể làm tốt nếu giao cho họ công việc phù hợp với khả năng", anh Tâm chia sẻ.
Những cuộc đời khác
Anh Nguyễn Văn Dai (35 tuổi), chuyên viên thiết kế website, marketing online, cũng mới đầu quân vào công ty anh Tâm được 1 tháng nay. Anh Dai cho biết vì là người khuyết tật nên thời điểm mới tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, anh không xin được việc. "Khi biết anh Tâm hỗ trợ và ưu tiên tuyển dụng người khuyết tật, tôi rất vui vì nhiều bạn sẽ có cơ hội được làm việc, thể hiện giá trị của mình. Ngược lại, với sự hỗ trợ của những giám đốc như anh Tâm, người khuyết tật trước tiên phải tự tin, cố gắng làm việc tốt", anh Dai chia sẻ.
Dành cho bạn
Còn Việt, chàng trai không tay, cho biết chính giám đốc là người ngỏ lời mời anh về công ty làm nhân viên bán các sản phẩm chạy bộ. Giữa lúc thất nghiệp, Việt rất buồn nên công việc ổn định tại cửa hàng là chiếc phao giúp anh trở lại với cuộc sống vui vẻ và tích cực.
Hiện tại, dù công ty không thiếu nhân viên nhưng anh Tâm vẫn đăng tin lên mạng xã hội, ưu tiên tuyển thêm người khuyết tật ở các vị trí như thiết kế đồ họa, may, cắt chỉ, xếp quần áo… Vì tính chất công việc nên anh chỉ nhận người làm tại Gia Lai, tuy vậy, cộng đồng mạng khắp nơi đều cảm thấy ấm lòng.
Anh cho biết sẽ cố gắng xoay xở, tạo thêm công việc để mọi người có việc làm, kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. "Tôi nghĩ mình chỉ tạo điều kiện hỗ trợ các bạn công việc. Còn để gắn bó lâu dài, phần nhiều cần sự nỗ lực của các bạn. Nhìn vào sự cố gắng đó, các thành viên trong gia đình, bạn bè và đối tác của tôi cũng nể phục và phải học hỏi ở các bạn rất nhiều", vị giám đốc chia sẻ.