Google lo sợ bị thay thế bởi ChatGPT không phải là không có cơ sở.
Gia tăng áp lực lên big tech
Chỉ trong vòng một tuần kể từ khi ra mắt vào tháng 11-2022, ChatGPT đã thu hút được hơn 1 triệu người dùng, đồng thời vượt mốc 10 triệu người dùng/ngày chỉ sau 40 ngày ra mắt, vượt xa tốc độ tăng trưởng nhanh ban đầu của mạng xã hội Instagram của Meta.
Công cụ AI do tổ chức phi lợi nhuận OpenAI tạo ra được ca ngợi rộng rãi về khả năng biên soạn các bài luận phức tạp, quảng cáo tiếp thị, làm thơ, viết truyện và thậm chí đủ sức tham gia các kỳ thi khó như luật hay MBA với điểm số khá.
Theo tờ Financial Times, các gã khổng lồ công nghệ (big tech) như Google, Meta và Microsoft đã giúp xây dựng các nền tảng cho AI. Tuy nhiên, do sự chú ý dành cho ChatGPT ngày càng tăng, áp lực đối với Google hay Facebook ngày càng tăng.
Trước khi ChatGPT ra mắt, Facebook đã có chatbot tương tự tên Blenderbot. Microsoft cũng từng ra mắt chatbot AI có tên Tay vào năm 2016.
Mười năm trước, Google là công ty dẫn đầu về AI. Năm 2014, Google mua lại DeepMind, một công ty AI tiên tiến. Đến 2016, CEO Sundar Pichai hứa sẽ biến Google thành công ty "thiên về AI".
Sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT đã khiến Google thay đổi chiến lược và dồn nguồn lực để phát triển AI. Trong thông báo cắt giảm 12.000 nhân viên ngày 20-1, ông Pichai tuyên bố Google sẽ tập trung vào AI.
Gần đây, Google đã có đột phá với các biến thể khác nhau của hệ thống AI làm nền tảng cho ChatGPT, bao gồm các mô hình AI có khả năng kể chuyện cười và giải các bài toán.
LaMDA, một trong những chatbot sử dụng AI do Google phát triển, có thể trò chuyện với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên theo cách tương tự như ChatGPT. Các nhóm kỹ sư của công ty đã làm việc trong nhiều tháng để tích hợp nó vào một sản phẩm tiêu dùng.
Dù vậy, bất chấp những tiến bộ kỹ thuật, hầu hết công nghệ của Google vẫn chỉ là chủ đề nghiên cứu. Google bị chính hoạt động kinh doanh "công cụ tìm kiếm" vốn đang mang lại lợi nhuận cao cản trở.
Ông Sridhar Ramaswamy, cựu giám đốc điều hành hàng đầu của Google, cho biết việc đưa ra câu trả lời trực tiếp cho các truy vấn, thay vì hướng người dùng đến các liên kết (link) được đề xuất, sẽ dẫn đến việc có ít lượt tìm kiếm hơn.
Điều này khiến Google đối mặt với "tình thế tiến thoái lưỡng nan".
Đây là thời điểm Google dễ bị tổn thương nhất. ChatGPT cho mọi người thấy trải nghiệm tìm kiếm mới hấp dẫn ra sao.
Ông D. Sivakumar, cựu giám đốc nghiên cứu của Google, nói với báo New York Times.
Cuộc đua chatbot
Hãng công nghệ Microsoft đã trực tiếp tạo ra thách thức cho Google khi ký kết khoản đầu tư trị giá hàng tỉ đô la vào OpenAI - "cha đẻ" của ChatGPT. Động thái này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi ChatGPT trình làng.
Dành cho bạn
Các giám đốc điều hành của Microsoft không giấu giếm mục tiêu sử dụng ChatGPT để thách thức Google sau khi cuộc chiến công cụ tìm kiếm ngã ngũ một thập niên trước, bằng cách kết hợp nó vào dịch vụ tìm kiếm Bing của hãng.
Tuy nhiên, việc xử lý ngôn ngữ để trả lời các truy vấn từ người tìm kiếm như cách ChatGPT đang làm sẽ tốn kém hơn cách tìm kiếm thông thường, cao hơn khoảng bảy lần theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Morgan Stanley.
Rào cản này có thể khiến Microsoft cân nhắc kỹ hơn trong việc đại tu triệt để công cụ tìm kiếm Bing, công cụ tạo ra doanh thu hơn 11 tỉ USD vào năm ngoái.
Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc đua khi có thông tin từ Hãng tin Reuters cho rằng gã khổng lồ tìm kiếm Baidu của nước này dự định sẽ cung cấp dịch vụ chatbot AI giống ChatGPT.
Chatbot này được phát triển dựa trên hệ thống Ernie, một mô hình học máy của Baidu đã được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ trong những năm qua.
Ban đầu chatbot này sẽ được cung cấp như một ứng dụng độc lập và dần dần tích hợp vào công cụ tìm kiếm cùng tên của hãng.
Những mặt trái của ChatGPT
Cựu lãnh đạo Google, ông Ramaswamy, tin rằng AI là công nghệ nền tảng cực kỳ hữu ích cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Nhưng Google sẽ "cần xem xét các tác động xã hội rộng lớn hơn mà những đổi mới này có thể mang lại".
Theo giới chuyên gia, công nghệ chatbot AI có thể được dùng cho mục đích xấu hoặc phi đạo đức. Nó có thể trả lời các câu hỏi theo cách xúc phạm hoặc có nội dung không phù hợp, lan truyền thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm hoặc thao túng các cuộc trò chuyện nhằm đánh lừa người dùng.
OpenAI, "cha đẻ" của ChatGPT, đã thừa nhận trên trang web của họ rằng chatbot này "đôi khi có thể đưa ra các câu trả lời không chính xác" và các câu trả lời đôi khi sẽ gây hiểu nhầm. Tổ chức này khuyến nghị người dùng kiểm tra xem phản hồi của ChatGPT có chính xác hay không.
Các chuyên gia trên khắp thế giới đang lo ngại mức độ phổ biến và việc sử dụng AI như ChatGPT có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động theo cách không thể lường trước được.
Một trong những lĩnh vực đang bị đe dọa nhất là lĩnh vực sáng tạo. Blogger Kaluka Wanjala từ trang tin TechArena cho rằng những người sáng tạo nội dung nên "sợ" ChatGPT.
"ChatGPT sẽ có tác động lớn đến việc tạo nội dung vì nó có thể tạo ra các bài viết chất lượng trong vài giây. Đó có thể là nhà báo, copywriter hay nhiều nghề khác", ông Kaluka nói. "Những người sáng tạo giỏi nhờ công nghệ có thể giỏi hơn nữa nhưng những người không giỏi có nguy cơ thất nghiệp".