Nơi bà Út sống còn được biết đến là phường nghèo nhất ở Q.8 (P.14) với nhiều căn nhà tạm xây ven kênh Đôi. Mùa nắng, người lao động nghèo ở đây cũng có những cách riêng để sống chung với nắng nóng kỷ lục ở TP.HCM.
Nóng chịu không thấu
12 giờ trưa, bà Út vừa đi giúp việc nhà về. Nghỉ xả hơi sau khi đi ngoài đường nắng nóng rát da, bà móc trong tủ một chiếc hộp nhỏ đựng kim chỉ, vá chiếc quần rách. Chỉ vào gốc cây dừa mọc lên giữa căn nhà, bà nói đây là nơi lý tưởng nhất trong nhà để trốn nóng, trốn nắng.
"Nhà ở ven kênh, có gió thổi, nhưng nóng chịu không thấu, nói gì tới mấy người nhà hẻm. Bật quạt lên cũng không khá hơn, nóng còn nóng thêm. Chỉ có ở dưới gốc cây như vậy là đỡ. Cái cây này có từ hồi chủ nhà cho thuê rồi, mùa mưa nước men theo chảy vô ướt nhà, chứ mùa nắng là cứu cánh của mình", bà chỉ tay vào gốc cây, nói.
Cây dừa của nhà bà Út mọc lên khỏi nóc nhà, cao lênh khênh. Những căn xung quanh, cũng có một cây dừa tương tự. Tôi thử ngồi cạnh gốc cây dừa giống bà, thực sự không khí có phần dễ chịu, mát mẻ hơn.
Nhà có 4 người, gồm vợ chồng bà và 2 con trai. Ban ngày, 2 người con bà đi làm, một người làm công nhân, người làm tài xế công nghệ. Bà làm giúp việc, buổi trưa về nghỉ, chiều đi làm tiếp, tối cả nhà mới cùng trở về. May mắn nhà có cây dừa che mát, nên bà không quá ám ảnh mỗi lần về nhà mùa nắng nóng.
Những căn nhà tạm mọc lên ven kênh Đôi ở TP.HCM, những ngày nắng nóng liệu có mát mẻ hơn?
CAO AN BIÊN
Cách nhà bà Út không xa, bà Lan (58 tuổi), trong căn nhà cũng ven kênh Đôi xung quanh lợp thiếc cũng nóng hầm hập. Bà chủ mồ hôi nhễ nhại làm bò kho, chuẩn bị cho chiều bán, trong khi chồng bà ngồi ở khu nhà sàn phía sau xây trên kênh, mở 2 quạt liên tục.
Dù nhà gần sông, có trồng thêm cây xanh, nhưng với thời tiết nắng nóng hiện tại, bà Lan cho biết nhà mình chẳng khác gì cái lò nung. “Ra đường càng nóng, ở nhà cũng nóng, thì chịu chứ biết sao giờ. Lo làm để quên đi nắng, đợi tới chiều. Nắng cỡ này, muốn bệnh luôn!”, bà nói.
Dành cho bạn
Mấy chục năm sống ở đây, hơn 20 năm bán bò kho mưu sinh, bà Lan nói rằng những ngày nắng, việc buôn bán ế hơn so với thường ngày. Chưa kể, bà phải chú ý trong khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, vì nhiệt độ dễ ảnh hưởng tới chất lượng đồ ăn.
Cây xanh là "cứu cánh"
Nhìn ra ngoài trời 13 giờ trưa nắng đổ lửa, bà Võ Thị Tài (73 tuổi), được người dân trong xóm gọi là bà Hai thấy dễ chịu khi sát nhà có một cây xanh cổ thụ, rợp bóng. Ven kênh gió thổi hiu hiu, gần nhà là cây xanh, những rặng dừa nước, bà Hai thấy trong người không quá khó chịu.
Làm nghề bán vé số mưu sinh, bà nói 1 tháng qua, vì bệnh nên bà chỉ ở nhà một mình, sống nhờ tình yêu thương của bà con hàng xóm. Bởi ở đây ai cũng biết bà khó khăn, mọi người xung quanh cũng không khá giả nhưng đùm bọc nhau.
Căn nhà của bà Hai xây ở mé kênh, nhà sàn, không khí thoáng đãng. Mùa mưa, dột, gió lùa nhưng mùa nắng đây lại là nơi ở lý tưởng. Bà cho biết cả đời mình sống ở đây. Bà có một cô con gái, giờ có gia đình riêng, cũng sống gần đây.
“Tôi bị bệnh, bật quạt lên là thấy trong người khó thở. Nhờ khí trời, bóng râm như vậy mà đỡ quá. Nắng này, tôi cũng không dám ra ngoài, ra chút chắc xây xẩm mặt mày, bệnh nặng thêm. Sắp tới thấy trong người khỏe hơn, tôi định bán vé số lại, mà nắng vậy cũng lo", bà nói.
Nhờ có bóng cây, một quán nước ven kênh Đôi cũng hút khách ngồi hơn bởi mát mẻ. Chị chủ cho biết những ngày nắng nóng, việc buôn bán cũng ổn hơn. Tuy nhiên, nhiệt độ cao bất thường cũng khiến chị lo lắng, vì ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình.