Chỉ sau vài tuần về quê, Quỳnh Anh, sinh viên một đại học tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), bất ngờ khi quán cơm sinh viên gần ký túc xá đã tăng thêm 4.000 đồng/suất. Quán ăn bình dân này nằm trong khu vực nên thu hút khá đông khách hàng là sinh viên.
Từ đầu năm đến nay, quán này đã 2 lần tăng giá với tổng mức tăng vào khoảng 6.000 đồng/suất. Không chỉ có mỗi quán cơm này, một số quán ăn khác trong khu cũng đẩy giá bán phở, bún, miến... lên thêm khoảng 2.000-5.000 đồng so với trước đây. "Giá tăng thế này chắc từ mai em với các bạn cùng phòng sẽ mua đồ về tự nấu để tiết kiệm hơn", Quỳnh Anh chia sẻ.
Bà Hạnh, chủ quán cơm, cũng xác nhận sau vài tuần cố gắng cầm cự để giữ giá khoảng 25.000 đồng/suất thì bà buộc phải tăng thêm 4.000-5.000 đồng do chi phí đầu vào tăng mạnh.
"Chủ yếu bán cho sinh viên và người lao động nên tôi cũng cố gắng giữ giá cả ổn định trong thời gian dài. Nhưng nay tôi không thể giữ thêm được nữa vì các mối hàng cứ đổ lỗi cho giá xăng, giá điện mà tăng giá bán nên tôi cũng buộc phải tăng theo", bà Hạnh chia sẻ.
Chị Tú Anh (Đống Đa, Hà Nội) cũng bất ngờ khi quán bún gần nhà đã tăng giá lên 40.000 đồng/bát. Trước đây, mỗi bát bún ở đây có giá 35.000 đồng. Là quán quen, lại nằm trong ngõ nhỏ nên theo chị, giá thuê mặt bằng sẽ rẻ hơn. Thực tế, cuối năm ngoái, chủ quán đã tăng lên 37.000 đồng/bát. Và hiện tại, giá lại tăng thêm 3.000 đồng nữa lên 40.000 đồng/bát mặc dù chất lượng đồ ăn vẫn vậy.
Chị Mai, chủ quán bún cho hay, vì quán nhỏ nên chị luôn cố gắng để có giá bán rẻ nhất còn giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, tháng trước, giá điện chưa tăng mà hóa đơn điện đã lên tới gần 4 triệu đồng. Từ tháng này, giá điện tăng nên chắc chắn hóa đơn sẽ nhiều lên. "Thêm nữa, các nguyên liệu nhập vào cũng tăng theo giá điện nên mình phải tăng giá còn giảm bớt khó khăn, cũng mong khách thông cảm", chủ quán bày tỏ.
Những bát bún, cốc cafe bình dân cũng bắt đầu tăng giá (Ảnh: Phương Liên).
Anh Minh, chủ một quán cà phê yêu thích của giới trẻ tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng lo lắng cho chi phí tháng này. Nắng nóng, khách giảm ở một số khung giờ nhưng điều hòa vẫn cần bật 24/24. Anh cho hay điện tăng, chi phí tăng, doanh thu thì giảm do nắng nóng. Hiện tại thì chưa nhưng anh Minh cũng đang nghĩ tới việc tăng giá đồ uống.
Tương tự, quán phở của anh Long ở khu Nhân Chính (Thanh Xuân) cũng vừa tăng giá thêm 3.000 đồng/bát. Anh chia sẻ, cửa hàng của mình vẫn bán 35.000 đồng/bát suốt mấy năm qua, nhưng nay chi phí tăng cao khiến anh buộc phải tăng lên 38.000 đồng/bát.
"Nhiều người cứ đổ lỗi cho quán khi thấy giá đồ ăn tăng, nhưng thật ra do giá đầu vào tăng nên chúng tôi mới phải tăng giá bán, chứ tôi cũng không lãi thêm được nhiều đâu, thậm chí còn giảm lãi do giá tăng nên khách giảm nhiều", anh Long chia sẻ.
Chung tình trạng, quán nước ép của chị Ngọc tại Phùng Khoang (Hà Đông) dù đắt hàng vào mùa nóng nhưng chị cũng rục rịch chuẩn bị tăng giá bán để tránh lỗ khi giá điện tăng cao hơn.
Dành cho bạn
Quán chủ yếu là bán cho khách mang về, nhưng máy ép, máy xay, quạt và đèn đều phải hoạt động liên tục cả ngày nên cũng tốn khá nhiều điện. Không những vậy, giá hoa quả đợt này chị nhập vào cũng cao hơn nên chị buộc tăng giá bán. Một cốc nước ép dứa trước kia chị chỉ bán 7.000 đồng nhưng nay cũng phải tăng lên 10.000 đồng thì mới không bị lỗ.
Chị Thảo Mai, một cô giáo mầm non tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) không khỏi lo lắng khi nghe tin giá điện tăng trong thời gian qua. Chị chia sẻ rằng, thời tiết nắng nóng, hóa đơn tiền điện vừa rồi đã tăng thêm gần 200.000 đồng so với trước mà sắp tới dự báo còn tăng nữa.
Với chị việc hóa đơn tiền điện tăng chỉ là một phần, điều chị lo ngại nhất là giá nhiều mặt hàng hóa sẽ tăng theo khiến chi tiêu trong gia đình chị bị ảnh hưởng. "Điện thì không thể không dùng nên trước hết mình sẽ tìm giải pháp để tiết kiệm điện, rồi sẽ xem giá cả hàng hóa tăng ra sao để tùy cơ ứng biến. Trong lúc khó khăn thế này, mình cứ phải vá chỗ này, đắp chỗ kia mà vẫn thấy thâm hụt", chị Mai thở dài.
Quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% được đưa ra ngày 4/5 vừa qua. Với mức tăng này, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia thành 6 bậc, cao nhất là 3.015 đồng/kWh, thấp nhất là 1.728 đồng/kWh.
Theo tính toán của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, mức tăng 3% của giá điện sẽ tác động trực tiếp làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,099%, tác động gián tiếp khoảng 0,18%. Nếu tính tác động đến giá thành các nhà sản xuất sử dụng điện nhiều thì giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,18%, giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy khoảng 0,4%.
Còn ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 0,17%. Còn thực tế giá điện chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu nên tác động đến CPI rất nhỏ.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa phân tích thêm, mức tăng CPI thực tế ra sao, cao hay thấp hơn dự báo còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, của cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, Việt Nam áp dụng biểu giá điện sinh hoạt thang 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Bên cạnh đó, những tháng nắng nóng, tiền điện tiêu thụ thường tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp 2 lần. Do vậy, tiền điện sắp tới của người dân tăng mạnh là điều không tránh khỏi.
"Vì thế, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này", nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá nói. Theo ông Thỏa, giải pháp quan trọng nhất là có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định bán lẻ điện theo hướng rút gọn.