Đến lượt ngân hàng tiền ảo khổng lồ Signature Bank bị đóng cửa - Hình 1
Ảnh minh hoạ – Ảnh: WSJ.

Signature Bank, ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới, đã bị nhà chức trách nước này đóng cửa vào ngày Chủ nhật (12/3), đ.ánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai ở nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 3 ngày.

Nhà băng có trụ sở ở New York rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin sau khi một ngân hàng khác là Silicon Valley Bank (SVB) bị cơ quan chức năng Mỹ giành quyền kiểm soát vào hôm thứ Sáu. Cũng tuần trước, vào hôm thứ Tư, ngân hàng tiền ảo lớn thứ hai là Silvergate Bank tuyên bố đóng cửa. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đã có 3 ngân hàng của Mỹ sụp đổ.

Không chỉ chao đảo vì khủng hoảng niềm tin, Signature còn lâm nạn vì có đặt cược lớn vào hoạt động ngân hàng tiền ảo trong bối cảnh thị trường tiền ảo tụt dốc và các cơ quan chức năng siết chặt giám sát đối với việc các ngân hàng có dính líu đến tài sản số. Signature Bank “sập tiệm” là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ, sau vụ SVB và vụ lớn nhất là Washington Mutual vào năm 2008.

Signature ra sức tìm một đối tác mua lại hoặc một giải pháp khác để củng cố tình hình tài chính trước khi bước sang ngày thứ Hai, nhưng không thành công – nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Wall Street Journal.

Nhà chức trách tuyên bố khách hàng của Signature sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gửi, bao gồm cả những khoản tiền gửi vượt trần bảo hiểm tiền gửi liên bang là 250.000 USD.

Signature vốn có hoạt động lớn ở mảng cho vay bất động sản, nhưng cuối cùng lại trở thành một ngân hàng tiền ảo. Việc chuyển hướng hoạt động này giúp Signature tăng gấp đôi được lượng tiền gửi chỉ trong vòng 2 năm. Vào đầu năm 2022, khoảng 27% tiền gửi tại nhà băng này đến từ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực tài sản số.

Việc Signature đi sâu vào hoạt động ngân hàng tiền ảo đã trở thành một vấn đề đối với ngân hàng này khi thị trường tiền ảo tụt dốc trong năm 2022. Biến động thị trường sau vụ sụp đổ của sàn tiền ảo FTX vào tháng 11 đã dẫn tới hàng tỷ USD tiền ảo bị rút khỏi Signature.

Dành cho bạn

Trong khoảng thời gian trước khi sụp đổ, Signature cho biết đã cắt giảm hoạt động ở mảng tiền ảo và cắt quan hệ với một số khách hàng trong lĩnh vực tiền ảo. Trong đó, Signature đã ngừng mối quan hệ với mảng quốc tế của sàn tiền ảo lớn nhất Mỹ Binance. Tuy nhiên, động thái này không đủ để trấn tĩnh nhà đầu tư. Vòng xoáy mất mát niềm tin càng sâu hơn sau khi Silvergate và SVB lần lượt đổ vỡ.

Giá cổ phiếu Signature giảm 23% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đ.ánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2004. Trong vòng 12 tháng, cổ phiếu này đã giảm hơn 75%. Signature có 110 tỷ USD tài sản và năm 88,6 tỷ USD tiền gửi ở thời điểm cuối năm 2022.

Ngày 12/3, Sở Dịch vụ tài chính New York vào cuộc và đưa Signature vào sự tiếp quản của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC).

Sự đảm bảo của nhà chức trách Mỹ đối với tiền gửi trong hai vụ sụp đổ của Signature và SVB đã giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Giá tiền ảo Bitcoin lúc gần 8h sáng nay tăng hơn 10% so với cách đó 24 tiếng, đạt 22.630 USD, hồi phục toàn bộ mức giảm của tuần trước – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.

Đồng stablecoin USD Coin (USDC) cũng hồi lên mức hơn 0,99 USD, tăng gần 3% so với cách đó 24 tiếng. Đồng này đứt neo 1 USDC đổi 1 USD vào hôm thứ Bảy vừa rồi sau khi công ty phát hành là Circle tiết lộ gửi 3,3 tỷ USD ở SVB trong tổng số 40 tỷ USD tiền đảm bảo của USDC.