Phải đi phượt xuyên Việt trước tuổi 30
Nguyễn Thị Minh Huệ (29 tuổi), quê ở tỉnh Điện Biên nhưng đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Từ nhỏ, Huệ đã có niềm đam mê xê dịch, thích đi phượt, du lịch không chỉ ở Việt Nam mà xa hơn là được khám phá những vùng đất mới trên khắp thế giới. Vì vậy, khi lớn lên, mỗi năm Huệ đều đi du lịch tới nhiều nơi. Mỗi nơi Huệ đặt chân đến, cô đều thuê xe máy chạy một mình để tự đi khám phá.
Trong một lần đi du lịch, cô chợt nghĩ: "Tại sao mình không làm một chuyến đi bằng xe máy xuyên Việt từ Hà Nội đi khắp các tỉnh thành? Điều mà tôi đã ấp ủ muốn thực hiện trước 30 tuổi. Và quan trọng hơn cả, rất nhiều chị em là con gái cũng đã đi xuyên Việt được, thì tôi cũng sẽ làm được, không gì là không thể".
Thế là Huệ bắt đầu lên kế hoạch cho hành trình dài đầu tiên trong đời. Trước ngày khởi hành, Huệ đã đọc nhiều chia sẻ từ những người đã có kinh nghiệm để chuẩn bị đồ dùng cần thiết. Tiêu chí của Huệ là phượt tiết kiệm, nhưng không đồng nghĩa với tằn tiện.
Với nhiều người khi đi du lịch nên có bạn đồng hành để vui vẻ và an toàn hơn. Nhưng với Huệ, niềm vui và sự an toàn là do chính bản thân mang lại. Đồng thời, bạn đồng hành chính của Huệ là chiếc xe máy cũ của anh trai ở Điện Biên. Chiếc xe Dream 12 năm tuổi này đã chịu sự phản đối của rất nhiều người, kể cả mẹ của cô vì cho rằng: "Xe này mà đòi đi xuyên Việt. Sao không đi xe có vỏ không ruột cho an toàn". Thế nhưng Huệ vẫn tin vào "người bạn" này, bởi nếu cứ đợi tới khi có xe xịn thì không biết bao giờ mới xách ba lô lên và đi được.
Ngày đầu tiên, Huệ xuất phát từ Hà Nội đến Thanh Hóa với quãng đường khoảng 150 km. Ngày thứ hai, từ Thanh Hóa, Huệ đi một mạch đến Quảng Bình, đây cũng chính là chặng đường "nặng đô" và mệt nhất, kéo dài từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. "Khi tôi chia sẻ chặng đường này lên mạng xã hội, nhiều bạn nam vào bình luận nói tôi quá lì", Huệ kể lại.
Huệ chia sẻ tiếp: "Vì muốn đi đúng lịch trình đã định nên đây là chặng tôi đi dài nhất và bắt buộc phải đi ban đêm. Thực sự cũng có chút e ngại, bởi có những đoạn đường không có đèn đường, trời tối, đèn xe cũng không sáng. Nhưng may mắn đã không có chuyện gì xảy ra".
Tiếp đến, từ Quảng Bình, cô tiến vào Huế, Đà Nẵng rồi từ đó đi Tây nguyên. Băng đến Măng Đen, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn… xuống miền Tây đi An Giang và điểm cuối là TP.HCM. Tổng quãng đường mà Huệ di chuyển lên đến 4.000 km, qua 27 tỉnh thành.
Hành trình của Huệ khá may mắn, chỉ hai lần bị thủng ruột do điều kiện đường sá, ngoài ra không gặp bất kỳ sự cố nguy hiểm nào. Ở mỗi chặng đường, Huệ tìm hiểu trước nơi đến, cung đường di chuyển, tính toán thời gian, tránh đi vào những cung đường vắng và không di chuyển vào ban đêm, bởi nếu gặp chuyện bất trắc về xe hay tai nạn sẽ khó tìm được người hỗ trợ, cứu giúp.
Dành cho bạn
Được ngắm rõ quê hương
Trong hành trình, vùng đất làm Huệ ấn tượng nhất là An Giang. Khi đặt chân tới đây, cô cứ ngỡ như sang một đất nước khác chứ không phải ở Việt Nam. Bởi ở tỉnh An Giang có một làng với cộng đồng người Chăm rất lớn. Người dân mặc trang phục truyền thống, đàn ông quấn xà rông, đội mũ cả khi ra khỏi nhà lẫn khi ở trong nhà đối với Huệ vô cùng lạ mắt.
"Khắp An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường nhưng nổi bật nhất trong số đó là hai thánh đường: Mubarak và Masjid Jamiul Azhar. Nó có kiến trúc bắt mắt, quan sát người dân hành lễ. Kèm theo đó là những hàng cây thốt nốt cạnh ruộng lúa mà không ở đâu có. Ngoài ra, ẩm thực An Giang làm tôi rất mê như nước và bánh thốt nốt, bún mắm, lẩu mắm…", Huệ kể lại.
Thời điểm Huệ phượt xuyên Việt vào Tết Nguyên đán 2024 trong 29 ngày. Chưa kể ngày kết thúc hành trình cũng là ngày 29.2. Ngày mà bốn năm mới có một lần và trùng vào năm Huệ 29 tuổi.
Là con gái, lại một mình phượt xuyên Việt, Huệ cho biết đã được ngắm rõ hình hài đất nước từ Bắc vào Nam, từ biển lên miền núi, đa dạng bản sắc dân tộc. Và cô cảm thấy đất nước Việt Nam quá đẹp, hùng vĩ.
Chuyến hành trình đó với Huệ đã tích cóp được rất nhiều niềm vui trong đời, mặc dù khi được hỏi có lẽ mình cũng không thể trả lời khẳng định được. "Cái tôi 'giàu có' nhất hiện tại không phải là tiền bạc, mà là những trải nghiệm, ngày đi lang thang, làm quen với nhiều người bạn mới, những lần rung động khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, học được thêm nhiều kỹ năng sinh tồn, làm nên một tuổi trẻ sống hết mình với sở thích đi phượt", Huệ khẳng định.