Những ngày tháng 4.2024, từ sáng sớm, tiếng đò máy, cười nói rộn ràng của ngư dân nuôi hàu rộn ràng cả khu đầm Lập An, đây là thời điểm nhiều người dân bắt đầu công việc thu hoạch.
Sau khi kéo lưới, hàng ngàn chiếc lốp xe bám chi chít loại nhuyễn thể hai mảnh được người dân đưa lên bờ, sau đó họ bắt đầu những công đoạn bóc tách.
Anh Mai Hồng (35 tuổi, người dân nuôi hàu trên đầm Lập An) cho hay, từ nhiều đời nay, người dân vùng này đã tận dụng mặt nước đầm để nuôi thủy hải sản, trong đó nhiều nhất là con hàu. Trước đây, hàu được nuôi trên cây tre, gỗ, dây cước buộc đá, bê tông... tuy nhiên sau một thời gian ngâm trong nước lợ dễ hư hỏng vì vậy sau này họ "sáng kiến" ra việc dùng những lốp xe cao su để nuôi loài "đại bổ".
Hơn 10 năm nay, mỗi năm hàng nghìn chiếc vỏ lốp cao su được thả xuống khu đầm Lập An để hàu bám vào, sinh trưởng.
"Việc thu hoạch bắt đầu 3 giờ sáng, nghề này công đoạn nào cũng vất vả cả mà bây giờ còn còn rớt giá vì người ta lo ngại nuôi bằng lốp xe độc hại. Thật chất, hàu chỉ bám vào lốp thôi chứ thức ăn là những chất phù du trong tự nhiên, chứ có răng đâu mà ăn lốp xe. Loại hàu nhỏ thì bán cho các hồ nuôi tôm hùm để làm thức ăn cho tôm, nhưng con to thì để mang về ăn, nếu độc hại thì chúng tôi đâu dám ăn", anh Hồng nói.
Hàu được bóc tách ra khỏi lốp xe, chờ thương lái đến chở đi
LÊ HOÀI NHÂN
Dành cho bạn
Mỗi kg hàu mắm được người dân đầm Lập An bán với giá chỉ từ 3.000 đồng, sau khi hàu được bóc tách ra khỏi lốp cao su, sẽ đưa vào bao tải để xe tải đến vận chuyển vào các tỉnh miền Nam. Số hàu lớn, người dân sẽ tách vỏ, làm sạch mang ra chợ địa phương bán hoặc để ăn, với giá dao động từ 120.000 đồng/kg.
Trước những lo ngại của nhiều người về việc nuôi hàu bằng lốp cao su có độc hại hay không, năm 2020, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã kiểm tra, phân tích nguồn nước và các mẫu vật, các chỉ tiêu lý hóa và kim loại nặng trên con hàu. Theo đó, các chỉ tiêu cho thấy con hàu đầm Lập An vẫn nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không mang chất gây ung thư.
Dù vậy có thấy rằng việc nuôi hàu bằng hàng nghìn chiếc lốp cao su đang làm xấu cảnh quan đầm nước lợ này. Thậm chí, lâu dài có thể gây nguy cơ đầu độc nguồn nước tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Trọng Huy, Phó chủ tịch UBND TT.Lăng Cô cho biết địa phương có hơn 500 hộ dân nuôi hàu trên đầm Lập An. Liên quan đến việc bảo vệ hệ sinh thái của đầm, trước đó UBND H.Phú Lộc đã có quyết định về việc phê duyệt đề án khai thác mặt nước. Cụ thể, sẽ quản lý phát triển sản xuất thủy sản gắn với du lịch sinh thái, bảo tồn mặt nước đầm, trong đó nỗ lực quy hoạch, tìm phương án để người dân chuyển đổi cách thức nuôi hàu.