Trong các hội nhóm chuyên trao đổi về nấu ăn, dụng cụ nhà bếp trên mạng xã hội ở Việt Nam, bài viết về nồi gang tráng men của Le Creuset luôn thu hút được sự chú ý của các thành viên.

Sản phẩm của thương hiệu này không chỉ có màu sắc đa dạng mà còn… đắt. Mức giá của một chiếc nồi có thể lên tới vài triệu đồng, tùy vào kích thước. Một số loại thông dụng được các nhà nhận đặt hàng nước ngoài xách về Việt Nam với giá trên dưới 3 triệu đồng, có những chiếc 5-7 triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng, riêng cái núm vung đã gần 700.000 đồng. 

Thậm chí, tại một số hội nhóm về bếp núc, việc sở hữu những chiếc nồi gang tiền triệu, hàng độc lạ, màu sắc bắt mắt, kịp "trend" còn là thước đo về sự giàu có, sành điệu của các bà nội trợ. 

Chị em nhà giàu Việt mê nồi gang giá vài triệu đồng, bóc hồ sơ nhà sản xuất - 1

    Nồi Le Creuset có giá không rẻ nhưng vẫn được nhiều chị em ưa chuộng (Ảnh chụp màn hình).

    Theo tờ Forbes, nồi gang tráng men của hãng được coi là tiêu chuẩn vàng trong danh mục sản phẩm này.

    Vậy Le Creuset là hãng nào? Sản phẩm của họ có gì ghê gớm mà khiến chị em Việt cũng như người dùng trên khắp thế giới ưa chuộng?

    Dưới đây là câu chuyện lịch sử gần 100 năm tuổi của thương hiệu này:

    Những chiếc nồi gang tráng men trứ danh

    Câu chuyện về Le Creuset bắt đầu vào năm 1925 khi chuyên gia đúc kim loại Armand Desaegher và chuyên gia tráng men Octave Aubecq, gặp nhau tại một triển lãm thương mại ở Brussels (Bỉ). Cả 2 người đàn ông đều có chung niềm đam mê tạo ra những dụng cụ nấu ăn chất lượng có thể tồn tại lâu dài và họ quyết định hợp lực để biến điều đó thành hiện thực.

    Desaegher và Aubecq đã chọn thị trấn Fresnoy-le-Grand (miền bắc nước Pháp) làm địa điểm đặt xưởng đúc vì nó nằm dọc theo các tuyến vận chuyển nguyên liệu thô mà họ cần: than cốc, sắt và cát. 2 người cùng nhau cải tiến quy trình tráng men, phủ một lớp men cao cấp lên dụng cụ nấu bằng gang, biến đây thành chất dẫn nhiệt, chưa kể đến khả năng chống gỉ và dễ dàng làm sạch.

    Chị em nhà giàu Việt mê nồi gang giá vài triệu đồng, bóc hồ sơ nhà sản xuất - 2

    Le Creuset đã đặt ra tiêu chuẩn mới về thiết kế cũng như chất lượng của nồi gang tráng men (Ảnh: Le Creuset).

    Mặc dù Desaegher và Aubecq không phải những người đầu tiên tạo ra dụng cụ nấu nướng bằng gang tráng men nhưng với cải tiến của họ, Le Creuset đã đặt ra tiêu chuẩn mới về thiết kế cũng như chất lượng.

    Bất chấp cuộc Đại khủng hoảng và Thế chiến 2, công ty vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1952, Le Creuset bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ. Đến những năm 1960, Le Creuset đã trở thành thương hiệu toàn cầu, nổi tiếng với việc sản xuất các dụng cụ nấu ăn bền, chất lượng cao, vừa tiện dụng vừa đẹp mắt.

    Dành cho bạn

    Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng từ năm 1925 đến nay có tên Dutch Oven và hiện được bán lẻ với giá dao động từ 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) đến 675 USD (khoảng 15,8 triệu đồng), tùy kích thước.

    Tuy một số công nghệ mới đã được tích hợp vào quy trình chế tạo Le Creuset nhưng nhiều kỹ thuật sản xuất từ thời kỳ đầu vẫn giữ nguyên cho đến nay. Theo tờ Guardian, từ đầu tới cuối, mỗi sản phẩm của Le Creuset đều qua bàn tay của không dưới 15 nghệ nhân lành nghề và đều được bảo hành trọn đời. Chính vì thế, chúng đã trở thành vật gia truyền trong nhiều gia đình.

    Bí quyết thành công: Biến nồi niêu thành vật trang trí, thể hiện đẳng cấp 

    Theo Le Creuset, chính khả năng tạo nhiều màu sắc cho sản phẩm của công ty đã tạo nên thành công ban đầu của thương hiệu. Vẻ đẹp của sản phẩm Le Creuset đã mang đến một cách nhìn mới: Không chỉ có chức năng nấu nướng mà còn có thể được coi như một món đồ trang trí cho nhà bếp.

    Theo tờ Delish, vào thế kỷ trước, Le Creuset đã tạo ra những dụng cụ nấu nướng với khoảng 100 màu sắc khác nhau. Nhiều chiếc đã tồn tại gần như cùng thời với thương hiệu và một số màu ngừng sản xuất đã trở thành món đồ mà các nhà sưu tập săn lùng.

    Chị em nhà giàu Việt mê nồi gang giá vài triệu đồng, bóc hồ sơ nhà sản xuất - 3

    Nồi Le Creuset không chỉ để nấu ăn mà còn để trang trí nhà bếp (Ảnh: Ethos).

    Mức độ ưa chuộng của màu sắc sản phẩm thay đổi theo từng quốc gia. Ví dụ, người Mỹ chủ yếu chọn các màu cơ bản như xanh dương, đỏ và vàng trong khi người Nhật thích các màu phấn nhạt. Mỗi năm, người hâm mộ vẫn chờ Le Creuset tung ra sản phẩm với màu sắc mới.

    Có một số ý kiến cho rằng sản phẩm của Le Creuset đắt đỏ. Tuy nhiên, theo Cookware Insider, mức giá của chúng xứng đáng với trải nghiệm của người tiêu dùng.

    Le Creuset đã trở thành cái tên quen thuộc đối với những người đam mê nấu ăn, đầu bếp và những người yêu thích ẩm thực trên toàn thế giới, với sản phẩm được bán tại hơn 60 quốc gia.

    Hãng cam kết tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt qua thử thách của thời gian. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công ty cũng ngày càng nhận thức được tác động của sản xuất đối với môi trường và đã thực hiện một số biện pháp để giảm lượng khí thải carbon.

    Một trong những cách mà công ty thực hiện là đầu tư vào năng lượng tái tạo, lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái của nhà máy để tạo ra đủ điện cung cấp cho toàn bộ hoạt động của công ty. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải carbon mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí.