Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Vừa bước qua tuổi 30, dù đã có gia đình và hai con nhỏ - hoàn cảnh mà xã hội thường dán nhãn định kiến rằng phải có “công ăn việc làm ổn định”, Thu Trang quyết định nghỉ làm ở một công ty truyền thông dưới vai trò biên tập. Lý do nghỉ việc của Trang không hẳn vì muốn tìm một công việc mới có cơ hội thăng tiến hơn hay mức lương cao hơn, mà đơn giản, Trang muốn được “sống là chính mình” và “làm việc để sống, chứ không sống để làm việc”.

Từng làm việc ở nhiều loại hình công ty: nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty gia đình,… Trang thấy dù ở môi trường nào, tính cách thẳng thắn, quyết liệt và không biết e dè nhún nhường của mình trong công việc dường như đều sẽ có “tác hại oái oăm” nào đó. Hơn nữa, những “quy tắc gò bó” bất thành văn tại công ty thường khiến Trang cảm thấy ngột ngạt. Ví dụ như, mỗi nhân viên có thể ở lại làm thêm giờ đến lúc nào tuỳ thích, nhưng thu nhập làm thêm giờ hầu như không có. Tuy nhiên chỉ cần chấm công muộn một giây thôi là “Vèo!” -  Trang sẽ bị trừ phạt đi muộn vào phần lương tháng tới. Bên cạnh đó là nhiều bất cập về mặt quy trình làm việc ở một số doanh nghiệp, Trang quyết định nghỉ công việc full-time với mức thu nhập tầm trung để dành thời gian và cơ hội cho sự nghiệp freelance (làm việc tự do) của mình, nơi Trang được tự quản lý tài chính, quản lý thu nhập cũng như quỹ thời gian để làm công việc mình yêu thích.

Duy Long, 28 tuổi, từng rơi vào tình trạng căng thẳng vì quá tải khi làm cả 2 công việc cùng một thời điểm. Dành thời gian để nhìn lại cách sống và mục tiêu cuộc đời của bản thân, Long nhận ra đã đến lúc mình cần giảm bớt khối lượng công việc và cần sự tự do để cân bằng cuộc sống. Chàng trai Hà thành quyết định giã từ chốn công sở - vốn đã quá gắn bó với cậu từ ngày “chân ướt chân ráo” đi làm, và chuyển hướng sang nghề freelancer để phù hợp với mục tiêu sống cũng như cá tính riêng. Hiện tại, Long đang là một Food Reviewer với kênh TikTok “Long ăn gì?” với gần 200.000 người theo dõi.

Trang và Long không phải là những người trẻ duy nhất có cách tư duy về cuộc sống và công việc như vậy. Với không ít người từ 23 - 35 tuổi ngày nay, việc đi làm văn phòng dần trở thành một nỗi ám ảnh, và nếu sự “không phù hợp” quá lớn có thể dẫn đến hệ luỵ tâm lí như trầm cảm, rối loạn lo âu, kiệt sức, đi làm mỗi ngày như “zombie” trả bài,… Bởi thế nhiều người, thậm chí trẻ hơn Trang và Long rất nhiều, đang âm thầm tìm cho mình một môi trường làm việc thích hợp hơn thông qua những lần “nhảy việc” hoặc lựa chọn hướng đi mới như freelancer. Cho dù điều đó, đã và đang nhận lại rất nhiều ánh mắt dò xét hoài nghi cùng những định kiến xã hội cố hữu về chuyện “làm công, ăn lương”.  

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Millennials hay còn gọi là thế hệ Y (Gen Y), là những người sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000. Đây là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và công nghệ, đồng thời là lực lượng lao động nòng cốt của hiện tại và tương lai. Còn thế hệ Z (Gen Z) là những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010. Theo dự đoán của PwC Việt Nam, đến năm 2025, thế hệ Gen Z sẽ chiếm gần 1 phần 3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Cũng trong một báo cáo của PwC Việt Nam, có đến 80% người được khảo sát dự đoán rằng làm việc từ xa sẽ trở thành một xu hướng mới trong tương lai gần.

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Trước khi được ghép thành một từ, freelance vốn là hai từ đơn “free lance”, nhằm để chỉ những người lính đánh thuê thế kỷ 18, họ sẵn sàng làm việc cho bất kì người hay tổ chức nào đó - miễn là trả cho họ nhiều của cải vật chất nhất. Ngày nay, freelance được hiểu là làm việc tự do, không bị ràng buộc lâu dài bởi bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào. Tương tự, freelancer được chỉ những người làm việc tự do, đảm nhận những dự án/công việc ngắn hạn từ các doanh nghiệp và không bị gò bó như những nhân sự toàn thời gian.

Trở thành một freelancer, bạn sẽ “được” những gì?

Linh hoạt thời gian và tự chủ được cuộc sống

Dường như đây là ưu điểm lớn nhất của nghề freelancer khiến nhiều bạn trẻ quyết định “quay xe” với chốn công sở “8 tiếng/ngày”. Bạn có thể làm việc ở bất kỳ đâu tuỳ thích và mặc bất cứ trang phục nào bạn cảm thấy thoải mái, không cần bận tâm rằng liệu nó có quá dông dài hay “sexy” so với môi trường hành chính. Thay vì phải chấm công đầu giờ, đi làm muộn phải xin phép, thì bạn có thể tự sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt tuỳ theo ý muốn của bản thân. Nhờ đó, bạn có thể thu xếp nhiều thời gian chăm sóc bản thân và cân bằng cuộc sống – một phong cách sống “tự do trong nề nếp”.

Ngoài ra còn có một điểm cộng khiến nhiều người (như cô bạn Thu Trang phía trên) cảm thấy như được “cởi trói tâm hồn” và được sống đúng là mình khi lựa chọn nghề freelance. Đó là bạn sẽ không phải cố chấp nhận trước những yếu tố ngoài tầm kiểm soát, ví dụ như những người đồng nghiệp hay “bàn tán thị phi", hay những đối tác khó ưa và vị lãnh đạo vô lý. Là một freelancer, bạn hoàn toàn có quyền chọn đối tác, khách hàng và đồng nghiệp phù hợp – những người bạn muốn cùng họ tạo ra giá trị.

Ý thức về giá trị công sức lao động của chính mình và không hạ thấp bản thân

Khi đi làm văn phòng, đôi khi bạn sẽ gặp phải những công ty “dìm lương” không thương tiếc, khiến thu nhập nhận về cuối tháng không thực sự tương xứng với công sức bạn bỏ ra. Với một số người, để được tăng lương là cả quá trình cố gắng và đợi chờ mòn mỏi, đôi khi là ròng rã từ năm này sang năm khác, vậy mà con số được "nhích" lên có khi chỉ “nhẹ hều” tựa chiếc lá thu rơi - tuỳ thuộc vào tình hình làm ăn của công ty hay thiện cảm của sếp đối với bạn. Thế nhưng, là một freelancer – “làm thật ăn thật”, bạn được tự định giá bản thân và đo lường chính xác giá trị công sức lao động của mình khi nhận việc. Bởi những công ty đi thuê dịch vụ “outsource” chắc chắn sẽ thấm thía việc chất lượng đi liền cùng chi phí, “tiền ít không thể có hàng thơm”. Nhờ vậy, nếu muốn có thù lao cao hơn, bạn có thể cố gắng phát triển tay nghề hơn nữa để cải thiện chất lượng sản phẩm của mình - một cách chủ động. 

Tuy nhiên, trên thị trường cũng có những freelancer vì để cạnh tranh đã cố tình hạ thấp giá trị của sản phẩm do mình làm ra, như một hình thức “phá giá” để giành “job”. Bước chân vào nghề này, bạn chớ nên "hạ giá bản thân" dù ở hoàn cảnh nào, đừng để chính mình - dù thừa năng lực nhưng vẫn phải đắn đo trước những yêu cầu như “bài viết 1000 từ chuẩn SEO, độc đáo hấp dẫn” với giá 60.000đ. Nhìn nhận sai lệch về giá trị công sức của bản thân khiến một lúc nào đó, bạn sẽ tự hoài nghi về năng lực của bản thân. Muốn đứng vững khi làm freelancer, đừng để mình rơi vào cuộc cạnh tranh giảm giá, mà thay vào đó, bạn hãy hoàn thiện năng lực, khẳng định bằng chất lượng sản phẩm mình làm ra để nâng cao thu nhập.

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Không mắc kẹt trong “vùng an toàn”

Bị nhiều người cho rằng thu nhập bấp bênh là một bất lợi lớn của nghề freelance, nhưng thực tế nếu thay đổi góc nhìn, bạn sẽ thấy đó là một điểm sáng bất ngờ. Nhờ sự “không ổn định” và không nhận lương đều đặn hàng tháng, bạn sẽ không sinh tâm lý ỷ lại và thiếu động lực phát triển. Rất nhiều người làm công ăn lương, tố chất năng lực của họ hoàn toàn có thể đạt mức 90 nhưng chỉ vì đã quen an vị trong vùng an toàn, họ thường chỉ làm đến mức 50 và nhủ rằng sức mình chỉ có vậy. Là một freelancer, sự thiếu ổn định về thu nhập khiến cho bạn luôn có ý thức nỗ lực và cố gắng mỗi ngày. Cũng như các ngành nghề khác, nếu không muốn nhận mức giá bèo bọt, bạn phải trau dồi kiến thức, rèn luyện và học hỏi để đạt được đến trình độ nhất định. Và nhờ vậy, bạn có thể mở ra nhiều cánh cửa cơ hội để thử sức, để nâng cao giá trị bản thân và vượt qua chính mình.

Cũng có không ít quan điểm khá tiêu cực cho rằng làm freelancer sẽ khiến bạn mất đi cơ hội giao thiệp, tiếp xúc nhiều người để học hỏi và phát triển. Nhưng đây là một góc nhìn khá phiến diện. Bởi có rất nhiều freelancer khi biết cách thu xếp thời gian làm việc linh hoạt, còn có thể có thêm nhiều thời gian để học những lĩnh vực khác – thậm chí còn học hỏi được nhiều hơn so với khi đi làm văn phòng. Việc học hỏi miễn phí luôn có, chỉ là bạn có biết tự tìm tòi nguồn kiến thức học tập hay không mà thôi. Các khoá học free của các tổ chức trong và ngoài nước, hoặc các workshop chia sẻ từ hội nhóm là những nguồn chất lượng bạn có thể tham khảo. Tóm lại, mỗi sự việc, là thách thức hay cơ hội đều do chính bạn nhìn nhận và hành động.

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Có tính chất công việc thoải mái tự do, không bị bó buộc bởi những luật lệ rập khuôn như những người làm việc giờ hành chính, song người freelancer phải đối diện với những thách thức khác nhau.

Tự quản lý bản thân

Nếu muốn làm việc tự do đem lại năng suất hiệu quả, bạn cần học kỹ năng quản lý để tự làm “sếp của chính mình”. Tất cả mọi việc đều cần khả năng quản lý sát sao: tiến độ dự án, chất lượng công việc, quản lý thời gian và sự ưu tiên trong công việc, các mối quan hệ và đối tác làm ăn, tự định giá sản phẩm,…

Điểm tuyệt vời khi trở thành freelancer là bạn có thể linh hoạt thời gian, công việc và địa điểm làm việc. Bạn có thể thong thả ngồi vào bàn làm việc lúc 9h sáng thay vì thức dậy từ 6h sáng và cuống cuồng chạy xe tới công ty. Tuy nhiên đó cũng chính là “cạm bẫy” của nghề này, nhất là với những ai chưa biết sắp xếp thời gian hợp lý. Điển hình là nhiều bạn trẻ dành cả ngày để “cày phim” nhưng rồi vài ngày sau lại trắng đêm để “cày cật lực” cho kịp deadline của khách, thậm chí còn không bước ra khỏi cửa.

Đây là vấn đề không của riêng một freelancer nào, và Duy Long cũng vậy: “Mình có tính xấu là hay trì hoãn, thế nên thường phải giải quyết deadline lúc… nửa đêm. Mình đang cố cải thiện để thu xếp thời gian làm việc hợp lý hơn trong tương lai”.

Dành cho bạn

Nếu theo đuổi định hướng freelance lâu dài và nghiêm tục, bạn nên xây dựng một thời gian biểu phù hợp, lành mạnh để tự quản lý bản thân, đủ tự do để bạn cảm thấy “dễ thở”, đủ nề nếp để bạn có thể kiếm được số tiền mong muốn mà vẫn đảm bảo sức khoẻ, cân bằng cuộc sống.

Thu nhập không đều

“Cái khó” thứ hai của nghề freelance là thu nhập không ổn định. Nhưng có một điều cần đính chính ở đây, đó là nghề freelance có thu nhập không đều, chứ chưa chắc đã là giảm đi như nhiều người vẫn tưởng. Thực tế, có nhiều freelancer kiếm được con số lớn hơn là đi làm công việc full-time rất nhiều. Bởi có những dự án chỉ cần thực hiện trong hai tuần nhưng đã có thu nhập gấp 3, 4 tháng lương đi làm văn phòng. Ngược lại, cũng có những ngày bạn sẽ không nhận được việc nào, đây là chuyện hoàn toàn bình thường. Hãy chuẩn bị tâm thế khi bước vào hướng đi này bằng cách vạch ra cho mình kế hoạch tài chính và một “khoản phòng thân”.

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Chuyện ổn định thu nhập cũng từng khiến hot TikToker "Long ăn gì?" phải bận tâm: “Mình cũng từng có chút cân nhắc khi từ bỏ lối sống “from nine to five” đã quá gắn bó với bản thân từ ngày đầu đi làm để trở thành freelancer: Làm sao để có nguồn thu nhập vững chắc, hay bảo hiểm và lộ trình thăng tiến về sau sẽ như thế nào. Giờ nói là hối hận thì không phải, mình coi đó là “những băn khoăn” cần phải giải quyết thôi. Mình thấy rằng, hai vấn đề thường gặp nhất của các bạn freelancer như mình là: ổn định thu nhập và sắp xếp thời gian làm việc”.  

Còn Thu Trang, trước khi nghỉ công việc full-time, Trang cũng đã dành dụm cho bản thân một khoản gọi là “quỹ nghỉ việc” – đủ để Trang sinh hoạt trong 6 tháng và lên một kế hoạch hành động rõ ràng sau khi nghỉ việc. “Mình nghĩ ai cũng vậy, trước khi quyết định thay đổi lộ trình kiếm tiền thì đều nên chuẩn bị cho mình một tư duy tài chính rõ ràng, với các khoản tiền buộc phải chi trong thời gian ngắn để bản thân không phải chịu áp lực nhanh chóng kiếm tiền. Có như vậy, tâm lý và tư duy của các bạn mới có thể không bị dao động trong quá trình gây dựng sự nghiệp riêng. Cạnh đó là những kiến thức cần thiết về công việc bạn muốn làm, hãy nắm được tình hình thị trường và sự phát triển của nó ra sao. Và quan trọng nhất, bạn phải đủ tự tin để bắt tay vào từng việc một trong các chuỗi công việc ấy, không lười biếng và không chùn bước”.

Sự cô đơn

Dấn thân với nghề freelance đã ngót nghét 5 năm, Thu Trang cho rằng một mình vừa là “cái được”, vừa cũng là “cái khó” trên hành trình này. Cái được là bạn được hoạt động độc lập, không còn chịu cảnh “1001 quy định” trong môi trường làm việc hay phải “nhìn mặt đoán ý” sếp mỗi ngày, thay vào đó, bạn toàn quyền tự điều hành “công ty một thành viên” của riêng mình. Nhưng đổi lại, “cái khó” chính là sự cô đơn trong thời gian dài khi bạn không có đồng nghiệp để “buôn dưa” và “bán than” lúc mệt mỏi, cũng không có những buổi tụ tập giữa hay sau giờ làm,… Tất cả những áp lực căng thẳng, thất bại hay trục trặc trong dự án với đối tác như sản phẩm demo chưa đạt yêu cầu, thời gian gấp rút,… bạn đều phải tự nếm trải và chịu đựng một mình.

Nhưng đừng sợ hãi, sau những cú vấp và căng thẳng đầu tiên, dần dà bạn sẽ “lớn khôn” trên chặng đường tự chủ về công việc cũng như thu nhập của mình, chỉ cần bạn không bỏ cuộc.

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Phán xét của xã hội

Trong cuốn “Nỗi lo âu về địa vị”, Alain de Botton viết như thế này: "Trong mắt người khác, tôi là người ra sao? Tôi là một người thành công hay một kẻ thất bại? Sâu bên trong mỗi người đều tồn tại những lo âu khó nói thành lời về thân phận và địa vị của mình trong xã hội”. Hầu như ai cũng từng trải qua nỗi lo về địa vị, về những gì người khác đánh giá mình. Đây cũng là một băn khoăn lớn của những người do dự nên chọn “làm công ăn lương” hay là trở thành một freelancer: “Khi nghỉ việc, không còn “ánh hào quang” của tổ chức đoàn thể, liệu tôi có bị đánh giá là một kẻ thất nghiệp?”, hoặc “Sẽ ra sao khi tôi không thể tự giới thiệu mình là chuyên viên cấp cao của công ty X?”.

Nhưng cái nhìn của người khác không phản ánh con người thật của bạn. Người khác nghĩ gì không quan trọng đến thế, bởi họ đâu thể xắn tay vào giúp cuộc đời bạn tốt hơn? Chỉ bạn mới có thể làm điều ấy. Trước quyết định trở thành freelancer hoặc làm việc văn phòng, hãy tự hỏi mục đích cốt lõi mà bạn hướng đến trong hướng đi này là gì: mình sẽ thấy thoải mái vui vẻ hơn; hay vì làm như vậy sẽ khiến người khác ngưỡng mộ mình hơn? Khi biết rõ câu trả lời, bạn sẽ hiểu điều gì là tốt nhất cho bản thân mình. Và dù có lựa chọn ra sao cũng hãy nhớ rằng, sự công nhận của bạn với chính mình mới là quan trọng nhất.

Tạm kết: Nghề freelancer không dành cho tất cả mọi người 

Theo đuổi chủ nghĩa tự do và dịch chuyển không ngừng, giờ đây những người trẻ đang chọn freelance như một hướng đi mới để “nhập cuộc” và nâng cao thương hiệu cá nhân. Áp lực thì nghề nào - lĩnh vực nào cũng có, không cứ gì chỉ freelancer. Làm việc tự do chỉ là không bị gò bó về thời gian, không gian,… nhưng xét cho cùng vẫn là một công việc, nơi chúng ta tạo ra giá trị và phải nghiêm túc thì mới có quả ngọt.

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Sau một thời gian đủ dài hoạt động như một freelancer, hiện tại Thu Trang (thứ 2 từ phải sang) đã tạo được tên tuổi trong thị trường thu âm lồng tiếng miền Bắc và tự phát triển một doanh nghiệp riêng - chuyên sản xuất phim hoạt hình, video và các dự án truyền thông phi chính phủ.

Thu Trang chia sẻ: “Trải qua những mồ hôi và nước mắt khi “lầm lũi” dò đường một mình, bạn sẽ có thêm các “chiến hữu” sát cánh để phát triển dự án, kha khá các đối tác “xịn” nếu bạn làm tốt và dần dà có tiếng nói trong lĩnh vực bạn dấn thân. Bạn sẽ có một kho kiến thức đồ sộ trong mảng mình làm, từ đó đưa ra được lộ trình phát triển chính xác mà bạn muốn hướng tới. Và “được” kha khá những thứ hay ho khác mà khi làm công sở bạn sẽ không thể nếm trải.

Sẽ có lúc, bạn “được” là một “kẻ khùng” khi làm việc bù đầu mà vẫn miệt mài hăng say. Bởi được làm việc mà mình thích mệt sao được? (cười) Nhưng tốt nhất, mình nghĩ chúng ta vẫn nên đặt ra “giới nghiêm” trong thời gian biểu để bảo vệ sức khoẻ bản thân mình. Làm ra rất nhiều tiền nhưng lỡ bệnh hay ốm nặng thì ai tiêu hộ bạn đây? Thưa rằng, chính là bác sĩ tiêu hộ bạn đó thôi!

Tuy nhiên để "được" thật sự, bạn cần nghiêm túc đặt ra cho mình lộ trình rõ ràng, chuẩn bị sẵn quỹ dự phòng cùng tâm lý vững vàng trước mọi vấn đề có thể tới khi bị dán nhãn "thất nghiệp" trong mắt nhiều người”.

Chán ngán chấm công, nhiều người trẻ tìm chỗ đứng với nghề freelancer: Chẳng phải ‘màu hồng’ nhưng cũng không hẳn ‘xám’

Làm việc từ xa được dự đoán sẽ trở thành một xu hướng mới trong tương lai gần. Ảnh: Unsplash

Tựu trung lại, nghề freelancer chắc chắn không dành cho tất cả mọi người. Và đi làm văn phòng cũng vậy. Hãy cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bạn lựa chọn phương án nghề nghiệp cụ thể cho riêng mình. Nghề nào cũng có áp lực riêng biệt, có muôn kiểu buồn vui sướng khổ không giống nhau, quan trọng là nó có phù hợp với mục tiêu sống, mục đích sống, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn mỗi ngày hay không. Không có con đường nào trải sẵn hoa hồng, nhưng chỉ cần quyết tâm và không bỏ cuộc, chắc chắn sớm muộn bạn cũng sẽ gặt hái thành quả xứng đáng!