Thực hiện QĐ 2345 của NHNN, trong những ngày qua các ngân hàng đều đang khẩn trương triển khai hệ thống và hướng dẫn khách hàng để tuân thủ quy định. Nhiều ngân hàng mở cửa cả ngày nghỉ cuối tuần để hỗ trợ khách hàng. Ví dụ như tại MB, ngân hàng này đã chủ động linh hoạt thay đổi giờ làm việc hằng ngày đến 21 giờ, làm việc cả thứ bảy và chủ nhật để hỗ trợ khách hàng. Được biết MB đã triển khai việc chuyển tiền có xác nhận sinh trắc học bằng khuôn mặt để bảo vệ tài khoản đã được hướng dẫn tới khách hàng từ cuối năm 2023.
Đặc biệt, phía MB cho biết vừa mới tung ra một tính năng độc đáo: nhận diện lập tức tài khoản lừa đảo ngay khi khách hàng nhập thông tin chuyển khoản. Cụ thể, khi thao tác chuyển tiền trên app MBBank, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp số tài khoản nhận tiền là tài khoản lừa đảo, dựa trên thông tin được Cục An ninh và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cập nhật liên tục. Điều này cho phép khách hàng dễ dàng chặn các giao dịch lạ, nghi ngờ, giúp bảo vệ an toàn tài khoản và tài sản của mình.
Thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An, cho biết trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị chiếm đoạt lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Điều này cho thấy bẫy lừa đảo trực tuyến vẫn là mối nguy gây tổn thất cho nhiều đơn vị lẫn người tiêu dùng hiện nay.
Đại diện của MB cũng thông tin thêm, ngoài việc đưa ra tính năng nhận diện tài khoản lừa đảo, thì đơn vị này cũng bám sát chỉ đạo của NHNN trong việc thực hiện sinh trắc học ngay khi có thông tin. Theo đó, cuối năm 2023, MB là đơn vị đầu tiên triển khai xác thực chuyển khoản bằng khuôn mặt chính chủ khớp với dữ liệu trên căn cước công dân, giảm thiểu nỗi lo "bốc hơi" tiền trong tài khoản.
Theo thống kê của NHNN, số lượng giao dịch chuyển khoản trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% trong tổng số giao dịch. Còn nếu tính tổng số người có giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 2 triệu đồng/ngày chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số giao dịch.
Tuy nhiên việc áp dụng sinh trắc học là điều cần thiết nhằm đảm bảo giao dịch chuyển khoản từ tài khoản của người dân được an toàn, bảo mật, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều hình thức gian lận cũng như ý thức bảo mật tài khoản của người dân còn chưa cao như hiện nay.
Dành cho bạn
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, sinh trắc học bằng gương mặt là điều cần thiết để hạn chế kẻ gian dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản thanh toán của khách hàng. Từ đó nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực tài chính. "Ngay cả khi kẻ gian dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài khoản thanh toán của khách hàng, nếu không có các yếu tố sinh trắc học của chủ tài khoản thì kẻ gian cũng khó thực hiện việc chuyển tiền giá trị lớn sang các tài khoản khác. Do đó, xác thực sinh trắc học không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng trước các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng mà còn giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra".
Dưới góc nhìn của tổ chức tài chính, đại diện MB nhìn nhận, đây một chốt chặn quan trọng để các ngân hàng bảo vệ khách hàng, bên cạnh các phương thức bảo vệ tài khoản bằng mật khẩu và Digital OTP.
Theo chia sẻ từ đại diện phía ngân hàng MB, việc xác thực bằng dữ liệu khuôn mặt là một phòng tuyến quan trọng ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, kể cả khi sử dụng công nghệ Deepfake. App MBBank có thể phát hiện các khuôn mặt không đúng với khuôn mặt chủ thẻ, đồng thời cũng từ chối nhận diện các trường hợp đeo khẩu trang, che mặt, đeo kính râm, hay các hành động không lộ rõ khuôn mặt khi xác thực giao dịch.
Bên cạnh đó, MB cũng cảnh báo khách hàng phòng tránh các trường hợp lợi dụng việc hỗ trợ cập nhật dữ liệu sinh trắc để giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa đảo, lấy cắp thông tin. Khách hàng lưu ý không bấm vào các đường link lạ, mà cập nhật thông tin trên các kênh chính thống của ngân hàng.