Nhắc đến thời điểm khó khăn khi rẽ ngang sang làm thiết kế thời trang, Hương Giang đến nay vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. Ngay khi trở thành “bà chủ” tiệm váy cưới nổi tiếng, cô vẫn nhớ như in câu nói của anh bạn: “Em phải nói em học thời trang ở Pháp về thì em mới bán được”, nhưng với một kẻ “ngoại đạo” cứng đầu như Giang, cô vẫn luôn tự tin về những sản phẩm váy của mình để vượt ra khỏi giới hạn, định kiến đạt được thành công.
Hương Giang nuôi niềm đam mê với thiết kế thời trang ngay từ nhỏ.
Hương Giang hiện là người sáng lập và điều hành thương hiệu váy cưới CIEL de GIA. Cô tốt nghiệp chuyên ngành International Studies (Quốc Tế Học) tại Đại học Hà Nội – chuyên ngành học thiên về ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ. Sau khi có tấm bằng cử nhân, Giang được bố sắp xếp công việc tại một cơ quan báo chí thuộc VCCI, nơi mà không phải ai muốn vào cũng vào được. Tuy nhiên, chỉ sau đúng 13 ngày làm việc cô nàng đã quyết định bỏ ngang vì không thấy nơi này dành cho mình.
Đi đến quyết định nghỉ việc, Giang nhận ra sự bất an, lo lắng hiện lên trong ánh mắt của cả bố và mẹ. Phụ huynh của cô càng sốc hơn khi lắng nghe con gái chia sẻ về đam mê và dự định làm thời trang. Giang hiểu rằng công việc này sẽ khó trở thành điều được ủng hộ trong gia đình công chức, chính cô cũng có thời điểm dằn vặt, suy nghĩ về con đường mới mẻ, không liên quan đến ngành học.
Cuối cùng, bằng sự ngang ngược của tuổi đôi mươi và niềm tin vào bản thân, Hương Giang nhận được sự đồng ý “miễn cưỡng” của bố mẹ. Nén tiếng thở dài vào trong bố dấm dúi, giấu mẹ đưa vào tay cô 20 triệu để khởi nghiệp. Không tính toán quá kỹ lưỡng, nhưng với Giang số tiền này đủ để cô làm vốn đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng để theo đuổi mơ ước.
Cầm trong tay số tiền bố gửi gắm, Hương Giang tự nhủ bản thân phải nỗ lực hết mình theo đuổi bằng được niềm đam mê. Cô khẳng định rằng, niềm đam mê với thời trang ở cô như dòng máu chảy trong huyết quản, chỉ có điều được phát ra sớm hay muộn, có được bồi dưỡng không.
Đam mê thiết kế ngấm vào máu lúc nào không hay, chỉ biết mỗi khi cắt hay xử lý form dáng thành công Giang lại nở nụ cười tươi, lâng lâng trong người.
“Mình thích vẽ vời, khâu vá, đan lát từ nhỏ và mình thấy bản thân tự tin khi làm những việc đấy. Hồi tiểu học, môn mình yêu thích nhất là mỹ thuật và hay tham gia những cuộc thi khéo tay, từ may quần áo cho búp bê, lớn hơn mình bắt đầu tự mày mò may quần áo cho bản thân rồi đem đi chụp ảnh đăng lên Yahoo Blog 360/ Flickr”, Giang cho biết.
Bước chân lên Đại học, Giang theo học chuyên ngành Quốc Tế học – một ngành không liên quan đến thời trang. Để cân bằng giữa việc học và đam mê Giang mày mò, chủ động tìm, xin đi làm thêm các công việc liên quan đến thời trang. Với suy nghĩ non nớt lúc bấy giờ, Giang chỉ đặt ra mục tiêu duy nhất là phải có tiền mới “nuôi” được đam mê, nên cô chấp nhận đi làm thêm ngoài để lấy thu nhập quay vòng đầu tư lại cho niềm yêu thích của mình. Tất bật vừa học, vừa làm đôi khi khiến Giang vô cùng áp lực, mệt mỏi, tuy nhiên cô khẳng định chưa từng có ý định bỏ cuộc giữa chừng.
Thành quả sau 8 năm theo đuổi nghề.
Với vốn tiếng Anh không tồi, song song với việc học Hương Giang vẫn tìm đọc thêm tài liệu hướng dẫn từ nước ngoài. Dành thời gian tự nghiên cứu may đồ cho bản thân, dùng tiền tiết kiệm để mua máy khâu gia đình, mua manocanh về để dựng váy, thiết kế và may vá thành phẩm, thấy bộ nào đẹp cô lại mang đi chụp ảnh. Đam mê thiết kế ngấm vào máu lúc nào không hay, chỉ biết mỗi khi cắt hay xử lý form dáng thành công Giang lại nở nụ cười tươi, lâng lâng trong người.
Giang bắt đầu khởi nghiệp với việc đi thuê mặt bằng nhỏ nhất khu Zone 9 lúc bấy giờ với 12 triệu, số tiền 8 triệu còn lại cô tiết kiệm để mua vải vóc, dụng cụ khác. Từ con số 0, Giang tự mày mò học tập kinh doanh, sáng tạo sản xuất ra sản phẩm váy đầu tiên. Đây cũng là giai đoạn Hương Giang buộc phải đối mặt với những vấp váp, khó khăn, cản trở: ” Cửa hàng nhỏ ở Zone 9 hoạt động được một thời gian vì lí do an toàn xây dựng, toàn bộ khu Zone 9 buộc phải đóng cửa buộc mình lại phải di chuyển chỗ khác“.
Hoang mang, suy sụp mất một thời gian ngắn, Giang nhanh chóng tìm lại tinh thần làm việc để tiếp tục công việc và đam mê của mình. May mắn mỉm cười với cô khi qua sự giúp đỡ của một người bạn, Giang đã thuê lại một địa điểm trên tầng 2 tại Hạ Hồi để bắt đầu cửa hàng chính thức đầu tiên làm váy cưới với giá thuê 10 triệu đồng/tháng.
Chuyện không may liên tiếp xảy ra khi kinh doanh vừa ổn định một thời gian, cửa hàng lại tiếp tục bị “đòi” mặt bằng đúng thời gian đầu của dịch Covid. Vừa đầu tư sửa sang cửa hàng mới với bao tâm huyết được hơn 1 năm lại phải chuyển địa điểm, sửa sang gấp gáp lại trong khoảng thời gian giãn cách khiến Giang stress nặng.
Cô nhớ lại: “Mình khi ấy đã phải chọn phương án tạm ngừng kinh doanh trong vài tháng để tìm và sửa xong mặt bằng mới, thật sự rất tốn kém mà lại không có doanh thu trong thời gian đó. Trong 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, mình buộc phải cắt giảm những chi phí không cần thiết, tối ưu hoá những tiềm năng có thể khai thác được”.
Các mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên.
Dành cho bạn
Đối mặt với hàng loạt khó khăn, gian nan đầu đời Giang luôn tự nhủ bản thân phải vững vàng đối mặt và quyết tâm không ngừng. Để theo đuổi được niềm đam mê này, Giang luôn chủ động trong mọi việc, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi tình huống xảy ra.
Nhờ vào niềm tin không ngừng và tâm lý vững vàng, lần lượt những chiếc váy đầu tiên được ra đời mang phong cách dạ hội với bao tâm huyết của Giang. “Những chiếc váy đầu tiên mình làm ra để bán thực ra lại không phải váy cưới mà là những chiếc váy tiệc nhẹ nhàng, bay bổng có giá trong khoảng từ 500.000 đồng tới 2 triệu đồng. Một số khách hàng của mình đã mua để đem đi chụp ảnh cưới, sau đó bắt đầu có những khách đặt mình may váy cưới riêng cho họ, mình nghĩ đấy là lúc mình bắt đầu nghĩ đến việc làm váy cưới”, Giang cho hay.
Từ một kẻ “ngoại đạo” theo đuổi đam mê thời trang váy cưới và đang sở hữu trong tay thương hiệu nổi tiếng, Hương Giang bày tỏ: “Mình nghĩ “giàu” không phải là điều kiện quyết định nhưng là điều kiện nên có trong nghề”.
Theo cô, để tạo ra những sản phẩm đẹp, bản thân người sáng tạo cần ý tưởng tốt, chất liệu phù hợp, những thứ đó đều phải mua. Bản thân Giang có kinh nghiệm sành sỏi đều phải trải qua quá trình không ngừng học hỏi, luyện tập và trải nghiệm.
Thời trang không chỉ là quần áo để mặc, để đẹp mà còn gắn liền với văn hoá, xã hội, lịch sử và thời đại. Bản thân Hương Giang đã tự tham khảo nhiều lĩnh vực, đi đây đi đó để trải nghiệm sống và đều cần chi phí cho những việc đó. Thời điểm hiện tại, sau những biến cố, sóng gió ban đầu Giang đã tạm yên tâm với con đường mình chọn. Niềm vui của cô đơn giản là được làm điều bản thân yêu thích, đó là được góp một phần mình trong sự kiện trọng đại nhất, đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi cô dâu.
Ngoài kiểu dáng, chất liệu, các sản phẩm váy của Giang đặc biệt chú ý đến form váy giúp tôn lên dáng người nhưng vẫn đủ thoải mái di chuyển, hoạt động. “Mình không quá tập trung vào yếu tố phá cách, mới mẻ mà cần yếu tố timeless – dù bây giờ hay những năm sau này nhìn lại vẫn thấy đẹp. Về giá thành váy trung bình của mình bây giờ so với lúc ban đầu (8 năm trước) đã gấp 5-10 lần, có những chiếc lên tới hàng trăm triệu”, Hương Giang chia sẻ.
Hương Giang hiện đang đảm nhiệm vai trò CEO của thương hiệu váy cưới CIEL de GIA.
Mọi ý tưởng thiết kế đều được Giang lấy cảm hứng từ những cái đẹp, nhiều nhất là từ thiên nhiên, hoa lá. Ngoài ra, Hương Giang đặc biệt thích sự nữ tính cổ điển của Christian Dior, Christian Lacroix, Oscar De la Renta… xuất hiện trong các thiết kế của mình.
Thông thường, cô sẽ có 2 kiểu khách hàng, đối với khách hàng chưa định hình được phong cách, thường sẽ được Giang cho xem những hình ảnh sản phẩm đã có, qua cửa hàng thử sau đó sẽ được tư vấn thêm về kiểu dáng, chất liệu cho phù hợp với tính cách và đặc điểm cơ thể. Với cô dâu đã hình dung rõ về chiếc váy họ muốn, Giang sẽ tiếp nhận ý tưởng và hiện thực hóa, đồng thời bằng kinh nghiệm cô sẽ tư vấn thêm để có một sản phẩm ưng ý nhất.
Nhắc đến tên cửa hàng, Hương Giang hào hứng chia sẻ: “Mình rất thích văn hoá phương Tây, đặc biệt là Pháp nên đã chọn đặt tên cửa hàng bằng tiếng Pháp. Lúc đầu mình đặt tên là La Penderie de GIA (Tủ váy của GIA – Gia là nickname của mình). Nhưng sau đó cái tên có vẻ hơi dài, cùng với sự phát triển dường như “La Penderie” – cái tủ có vẻ chưa đủ, nên mình chọn CIEL de GIA (khoảng trời của GIA) để thoải mái sáng tạo và bay nhảy hơn. Tên CIEL de GIA cũng đã được mình đăng ký sở hữu bảo hộ thương hiệu.”
Giang cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi những chiếc váy tự tay mình làm ra được diện trong sự kiện trọng đại nhất của mỗi cô dâu.
Nhìn lại hành trình dài 8 năm, Hương Giang cho biết tuy con đường này nhiều khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ cô thấy hối hận. Ngược lại, Giang cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi những chiếc váy tự tay mình làm ra được diện trong sự kiện trọng đại nhất của mỗi cô dâu, giống như mình đang góp một phần kiến tạo nên hạnh phúc.
“Mình không plan cho những kế hoạch quá dài, ý tưởng có rất nhiều nhưng để thực hiện được thì mình cần điều kiện, cơ hội phù hợp. Quan điểm của mình là hãy cố gắng làm tốt những việc ở hiện tại theo khả năng của mình, cuộc sống có rất nhiều biến động có thể ảnh hưởng tới kế hoạch của bạn, kế hoạch tốt nhất là luôn sẵn sàng với những thay đổi”, Hương Giang gửi gắm.