TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân N.T.N., 42 tuổi đến khám tại khoa do có biến chứng sau tiêm filler (chất làm đầy).

Chị N. cho biết, trước đó 5 tháng đã tiêm chất làm đầy tạo hình mũi tại một cơ sở spa. Vài ngày sau tiêm, chị N. xuất hiện sưng nề, nóng đỏ, đau tức ở mặt và có quay trở lại cơ sở spa đó để kiểm tra lại. Chị được cơ sở spa tiêm chất giải nhằm làm tan chất làm đầy nhưng không rõ loại và nguồn gốc.

Sau khi được tiêm giải filler, tình trạng sưng đỏ vẫn không cải thiện, xuất hiện nhiều cục cứng lổn nhổn, đỏ rực khắp má, mũi, chị đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

TS Hà cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng sau tiêm chất làm đầy với kết quả siêu âm phần mềm cho thấy hình ảnh viêm mô bào, sinh thiết và xét nghiệm khác đã loại trừ các bệnh lý do tự miễn dịch.

Người phụ nữ nổi mảng cứng đỏ rực khắp mặt sau tiêm filler làm đẹp

Bệnh nhân được theo dõi và dùng các thuốc chống viêm tuy nhiên tổn thương vẫn cải thiện tương đối chậm. TS Hà đánh giá, việc điều trị còn kéo dài, do không biết chính xác sản phẩm tiêm.  Tuy biến chứng không gây nguy hiểm tính mạng người bệnh, nhưng nó khiến bệnh nhân lo lắng, ức chế, tự ti, khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm.

TS Hà thông tin thêm, việc tiêm chất làm đầy vùng mũi ít được chỉ định, nhất là tạo hình mũi cao vì ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tai biến và dễ bị tràn tổ chức gây biến dạng sống mũi cũng như khó để tìm được chất liệu làm đầy phù hợp. Phương pháp này thường được dùng để điều chỉnh một số khiếm khuyết nhỏ ở mũi.

Theo TS Hà, tiêm chất làm đầy từ lâu đã được coi là phương pháp an toàn và hiệu quả, được ứng dụng trong thẩm mỹ. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, không mất thời gian nghỉ dưỡng và có kết quả ngay nên tiêm chất làm đầy là thủ thuật thẩm mỹ được thực hiện nhiều thứ hai sau tiêm Botulinum toxin.

Tuy nhiên, nếu thực hiện tại các cơ sở không được phép, người thực hiện không có chuyên ngành da liễu hoặc phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí không được đào tạo về y tế khi thực hiện thủ thuật này rất nguy hiểm.

Dành cho bạn

"Họ không nắm rõ cấu trúc giải phẫu, tiến trình lão hóa, chất liệu được lựa chọn để tiêm thích hợp nên các tai biến rất hay xảy ra với những trường hợp này. Bệnh nhân gặp biến chứng thường làm thủ thuật từ những cơ sở không phải là cơ sở y tế, hay chuyên ngành da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng trong thời gian gần đây", TS Hà cảnh báo.

Theo đó, các biến chứng thường gặp gồm phản ứng viêm, nhiễm trùng, tắc mạch gây hoại tử, mù mắt...

Nguyên nhân của những tai biến này chủ yếu do người tiêm không được đào tạo bài bản về kỹ thuật tiêm, sản phẩm không đảm bảo về chất lượng.

TS Hà cho biết, tới đây, tại Hội nghị Da liễu Thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 7 diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Nha Trang, nhiều kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực hành và ứng dụng công nghệ mới trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ sẽ được chia sẻ.

Các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận nhiều xu hướng làm đẹp mới của ngành da liễu - thẩm mỹ như: ứng dụng Botulinum Toxin và chỉ; cập nhật điều trị sẹo; ứng dụng tiêm chất làm đầy; thẩm mỹ nội khoa; điều trị rụng tóc; kết hợp laser và thủ thuật thẩm mỹ khác; điều trị rám má, trứng cá… và xử lý các biến chứng do làm đẹp.