Trên nền tảng mạng xã hội Douban của Trung Quốc, một cô gái có tài khoản tên Kebao chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình. Theo đó, cha mẹ của hai chị em đã bắt người chị gái phải từ chối công việc được trả lương cao trong lĩnh vực tài chính.

Thay vào đó, người con này phải đi làm cho một cơ quan nhà nước, trở thành công chức, SCMP đưa tin. Lý do là phụ huynh tin rằng vị trí đó sẽ "tốt cho việc tìm chồng".

Chi tiết hơn, tác giả bài đăng cho biết chị gái mình đã quyết định không theo đuổi công việc tài chính có thể mang lại cho cô mức lương 300.000 nhân dân tệ/năm (43.000 USD) và chuyển sang làm nhân viên tại một văn phòng cộng đồng cấp quận ở quê nhà - tỉnh Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc).

tu bo viec luong cao anh 1

Dưới sự thuyết phục của cha mẹ, người con gái không còn muốn theo đuổi sự nghiệp tài chính mơ ước. Ảnh: SCMP.

Điều này đồng nghĩa với việc mức lương cô gái nhận được cũng thấp hơn đáng kể.

Trước đó, cô gái này tốt nghiệp một trường đại học thuộc nhóm 985 - tên gọi chỉ dự án của chính phủ và Bộ Giáo dục Trung Quốc về xây dựng các trường đại học mang đẳng cấp thế giới ở nước này.

Chị gái của tác giả đưa ra lựa chọn này sau khi cha mẹ tác động và ra sức thuyết phục. Lý lẽ được đưa ra là ổn định với vị trí công chức chắc chắn không phải làm quá sức, không vất vả bằng nghề tài chính.

Ngoài ra, nó cũng giúp cho phụ nữ dễ kiếm một người chồng "trong hệ thống". Đây là cách diễn đạt thường được sử dụng để mô tả những người làm việc trực tiếp cho chính phủ và các công ty nhà nước tại Trung Quốc.

Công việc nhà nước, từ lâu được nhiều người ở Trung Quốc tin là “bát cơm sắt” ổn định giúp họ không bị thất nghiệp, vừa là yếu tố được đánh giá cao trong chuyện hôn nhân.

tu bo viec luong cao anh 2

Ở Trung Quốc, có một công việc nhà nước ổn định là điểm cộng khi muốn gả chồng. Ảnh: Shutterstock.

Dành cho bạn

Ngoài khả năng kết hôn cao hơn, loại nghề nghiệp này được coi là giúp phụ nữ có thêm thời gian vun vén gia đình, chăm sóc con cái dễ dàng hơn.

Tác giả bài đăng nói thêm rằng cô cảm thấy buồn và tiếc cho chị gái mình vì cô tin rằng hôn nhân không bao giờ nên là lý do khi một người phụ nữ lựa chọn nghề nghiệp, ngoài ra gọi đây là "bi kịch vẫn còn tồn tại của nữ giới".

"Nếu gia đình bạn trai muốn chị tôi làm công chức vì muốn ít áp lực làm việc hơn, điều đó ổn. Nhưng lý do là để lấy được chồng thì nghe thật vô lý. Chuyện đó nghe như thể bao nhiêu công sức học hành, tốt nghiệp trường top đầu của cô ấy chẳng hơn gì của hồi môn", người này bày tỏ.

Tại Trung Quốc, dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 đang ở mức 19,6% vào tháng 3 năm nay, cao hơn 2,5% so với tháng 11/2022, trước khi nước này nới lỏng chính sách Zero Covid-19.

Các vấn đề về thị trường việc làm mà người trẻ gặp phải đã thúc đẩy ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp học lên thạc sĩ hoặc ứng tuyển các kỳ thi công chức.

Năm nay, hơn 4,7 triệu người đã đăng ký tham gia kỳ thi sau đại học, tăng 170.000 so với năm ngoái và hơn gấp đôi so với năm 2017. Hơn 2,5 triệu người đã tranh giành 37.100 vị trí trong kỳ thi tuyển công chức quốc gia.

Theo một báo cáo trên Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, hơn 5 triệu người đã thực hiện các bài kiểm tra công chức cấp tỉnh. Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc cũng được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục, đạt 11,6 triệu người trong năm 2023.