Khu vực thu mua rác thải tái chế của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - Ảnh: THÀNH KHOA
Ngoài ra, công ty chú trọng nâng cấp hệ thống trạm trung chuyển theo công nghệ hiện đại, phù hợp điều kiện hạ tầng, mỹ quan đô thị, môi trường, phương tiện thu gom hiện đại đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bảo vệ môi trường từ trong ý thức
Theo ông Cao Văn Tuấn - trưởng Phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng của Citenco, đơn vị này đảm nhiệm việc quét dọn, thu gom, vận chuyển rác ở một số địa bàn như Bình Tân, Tân Phú và thu gom - vận chuyển rác tại khu vực 2 (quận 9 cũ), khu vực 3 (quận Thủ Đức cũ) của TP Thủ Đức.
Là khu vực được thí điểm mô hình phân loại và thu gom rác tái chế từ những năm 2012, người dân tại chung cư Tây Thạnh (quận Tân Phú) đã hình thành được thói quen phân loại rác tại nguồn. Người dân sẽ phân loại rác và sau đó đổi rác tái chế lấy nhu yếu phẩm.
Đều đặn mỗi tối chủ nhật, chị Hiền (lô A, chung cư Tây Thạnh) mang số rác tái chế được gia đình chị phân loại trong tuần giao cho các công nhân thu gom của Citenco.
Chị Hiền cho hay ban đầu thấy vận động cũng không biết mục tiêu phân loại để làm gì, sau dần tìm hiểu mới thấy được lợi ích việc phân loại rác giúp giảm chi phí thu gom, xử lý cho TP và lượng rác thải ra môi trường.
Ngoài tự phân loại rác, chị Hiền còn giảm sử dụng túi ni lông và các loại sản phẩm làm từ nhựa. "Phân loại không chỉ được đổi quà mà còn giúp công nhân thu gom đỡ cực. Ban đầu, hàng xóm hỏi làm vậy chi, mình giải thích cho họ cặn kẽ rồi họ cũng làm theo", chị Hiền kể.
Ngoài ra, Citenco cũng liên danh với công ty dịch vụ công ích các quận huyện như quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Hóc Môn... để vận chuyển rác từ các điểm hẹn, nhằm giải phóng nhanh nhất lượng rác phát sinh mỗi ngày và đưa đến nơi xử lý.
Một hoạt động khá vất vả mà đơn vị này luôn đặt nhiều tâm huyết là vớt rác trên kênh. "Chúng tôi đang thực hiện vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hiện nay chất lượng vệ sinh ở các tuyến kênh này luôn được đảm bảo, góp phần mang lại màu xanh cho dòng kênh, để người dân TP có thể tận hưởng không khí trong lành", ông Tuấn chia sẻ.
Đối với hoạt động thu gom vận chuyển rác công nghiệp, rác y tế, nguy hại, và rác xây dựng, đại diện đơn vị này cho biết công ty luôn không ngừng đổi mới công nghệ, phương tiện, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cụ thể là trang thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển cũng như công nghệ xử lý luôn được cải tiến, nâng cấp theo hướng hiện đại để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của khách hàng, người dân,... và nhu cầu phát triển của TP.
Bà Mai Thị Ngọc Thảo (TP.HCM) phân loại rác tại nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công nghệ đốt rác phát điện hoặc tái chế
Đó là mục tiêu TP đặt ra vào năm 2025. Đại diện Citenco cho rằng, cần triển khai rộng rãi mạng lưới thu gom và tái chế rác công nghiệp thông thường.
"Cụ thể, tại các trạm trung chuyển, chúng tôi thiết lập các điểm tiếp nhận rác thải công nghiệp thông thường từ lực lượng thu gom rác dân lập, chủ nguồn thải nhỏ lẻ... với giá thấp, thậm chí thấp hơn giá người dân trả cho đơn vị đang thu gom hiện tại.
Đây cũng là điều kiện để lực lượng thu gom rác dân lập tham gia mạng lưới này. Hoặc thông qua đường dây nóng, họ có thể gọi cho chúng tôi để được ký hợp đồng và thu gom", ông Tuấn phân tích.
Một mạng lưới đang trong giai đoạn thí điểm là thu gom và xử lý tái chế rác thải sau phân loại từ chương trình phân loại chất rắn sinh hoạt tại nguồn của TP. Theo đó, rác được phân loại theo hướng dẫn từ các chủ nguồn thải, người dân sẽ được đưa về các trạm của Citenco để được thu hồi và mua lại trên cở sở ngang giá với thị trường.
Dành cho bạn
Sau đó Citenco sẽ chuyển về các nhà máy/các đơn vị có nhu cầu để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, tái chế thành các sản phẩm khác. Hiện hoạt động thí điểm thu được 3 - 5 tấn rác thải tái chế mỗi ngày.
Đối với tro xỉ từ việc đốt rác, Citenco đã nghiên cứu để sản xuất gạch không nung, tấm đan, gạch lót đường vỉa hè... phục vụ lại cho hoạt động nội bộ công ty.
Chúng tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc, đảm bảo mỹ quan cho các khu vực. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là ý thức trong việc góp phần chung tay bảo vệ môi trường của TP.
Ông Cao Văn Tuấn (trưởng Phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng của Citenco)
Định hướng gắn với bảo vệ môi trường
Theo ông Tuấn, Citenco đề xuất và nghiên cứu các dự án gắn với những nội dung mà chủ tịch UBND TP đã định hướng.
Thứ nhất là nâng cấp, cải tạo hệ thống trạm trung chuyển. Hiện các trạm này nằm trong nội thành nên việc thiết kế thi công phải đảm bảo yếu tố môi trường như không phát tán mùi ra bên ngoài và đảm bảo về mặt mỹ quan, kiến trúc. Hiện nay TP chỉ có 13 trạm trung chuyển, năm 2015 đã bỏ dần các bô rác tạm.
"Lâu dài, TP cần các đơn vị đủ năng lực đầu tư, quản lý, vận hành những trạm trung chuyển lớn. Tổng khối lượng rác của TP hiện khoảng 9.000 - 10.000 tấn/ngày. Nếu chúng ta có những trạm lớn, có thể giải quyết được 2.000 - 3.000 tấn/ngày/trạm thì chỉ cần 3 hoặc 4 trạm lớn là có thể đảm bảo", ông Tuấn lý giải.
Đại diện Citenco cũng cho biết công ty đang chờ TP chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày sử dụng công nghệ đốt hiện đại, tiên tiến. Đây là dự án mà công ty đã chuẩn bị các nguồn lực (công nghệ, tài chính, nhân sự) hơn bốn năm nay, sau khi có chủ trương công ty sẽ triển khai ngay.
"Dự án được chúng tôi đang ấp ủ là xây dựng trung tâm xử lý và tái chế rác thải tại TP.HCM. Tại trung tâm này, đầu vào là rác thải, đầu ra sẽ trở thành nguồn nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất khác, lấp đầy khoảng trống trong các hệ sinh thái công nghiệp và giảm thiểu lượng rác thải.
Chúng tôi mong muốn được triển khai thực hiện dự án này để góp phần chung tay xây dựng TP ngày càng sạch hơn, xanh hơn, để TP.HCM luôn là TP văn minh hiện đại, là đầu tàu kinh tế của cả nước", ông Tuấn kết luận.
Giám đốc Citenco nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
Vừa qua, ông Huỳnh Minh Nhựt, bí thư Đảng ủy, giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, đã được nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Cùng dịp này, ông Bùi Trọng Hiếu, phó bí thư Đảng ủy, phó giám đốc công ty, cũng nhận được huy hiệu 30 năm và nhiều thành viên khác của công ty cũng được nhận biểu trưng 25 năm, 20 năm tuổi Đảng.
Phát biểu cảm xúc khi nhận được huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ông cho biết 40 năm là một chặng đường dài và ông sẽ tiếp tục cố gắng. Nếu còn sức khỏe, còn điều kiện ông sẽ tiếp tục tham gia công việc ở địa phương hay ở bất cứ đâu.
"Vào Đảng là để hy sinh, sống theo lý tưởng, tiếp theo cờ Đảng là tương lai sáng tươi, và tôi nguyện theo Đảng đến cùng", ông Nhựt nhấn mạnh.