Biện pháp phòng dịch Covid-19 nhận phản ứng trái chiều - Hình 1

Hành khách tại sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 27-12-2022

Vẫn là Omicron

Thông tin trên được được ra khi WHO công bố các dữ liệu do Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cung cấp. Các quan chức của WHO đã gặp các nhà khoa học Trung Quốc để thảo luận về tình hình dịch bệnh tại nước này. Theo những dữ liệu phân tích được CDC Trung Quốc cung cấp, các dòng phụ BA.5.2 và BF.7 của biến thể Omicron đang là những dòng gây bệnh chủ đạo, gây ra khoảng 97,5% số ca mắc mới tại Trung Quốc.

Để có được kết quả trên, CDC Trung Quốc đã tổng hợp và phân tích hơn 2.000 gene từ các mẫu bệnh phẩm. WHO cho biết, những dữ liệu trên trùng khớp với những dữ liệu được các quốc gia trên thế giới cung cấp dựa trên kết quả giải trình tự gene virus trong các mẫu bệnh phẩm từ những du khách Trung Quốc. Theo đó, các dữ liệu phản ánh không có biến thể mới hay đột biến đáng chú ý nào.

Hiện số ca mắc mới Covid-19 tại Trung Quốc có chiều hướng tăng sau khi nước này điều chỉnh các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, cho phép dỡ bỏ nhiều hạn chế và nới lỏng các quy định phòng chống dịch. Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan này vẫn duy trì liên lạc với Trung Quốc để nắm bắt tình hình dịch bệnh tại quốc gia này.

Dành cho bạn

Tổ chức Ứng phó khủng hoảng (IPCR) của Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp suốt tuần qua để thống nhất các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ dịch Covid-19. Đội ngũ chuyên gia của IPCR đã thống nhất các biện pháp phối hợp để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 như yêu cầu khách từ Trung Quốc xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành sang châu Âu; tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên với hành khách từ Trung Quốc khi tới châu Âu; giải trình tự gene đối với bệnh nhân dương tính nhằm phát hiện biến thể mới; xét nghiệm, phân tích nước thải từ các chuyến bay quốc tế và từ Trung Quốc nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2 và các biến thể. Tuy nhiên, những biện pháp phòng dịch này lại không nhận được sự thống nhất của các quốc gia thành viên EU về việc bắt buộc thực hiện trong toàn liên minh do một số nước thành viên lo ngại về khả năng Trung Quốc có các biện pháp tương tự.

Trong khi đó, nhiều tổ chức y tế và các hãng hàng không đã bày tỏ không ủng hộ đối với quy định xét nghiệm Covid-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc. Cơ quan Quản lý các sân bay châu Âu (ACI Europe) cho rằng quy định bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc là không hợp lý về mặt khoa học. Theo ACI Europe, cả Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu và WHO nhận định rằng các biện pháp hạn chế đi lại trên toàn cầu không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.