Ngành công nghệ đang trải qua nhiều tháng khủng hoảng nghiêm trọng sau giai đoạn phát triển thần kỳ. Đã có hàng chục nghìn nhân viên bị sa thải, hàng trăm tỷ USD bốc hơi ở Phố Wall cùng một loạt vụ bê bối tai tiếng tại một số công ty tiền số đã làm lung lay niềm tin vào thị trường còn non trẻ này.
Giữa tình hình u ám của toàn ngành, Microsoft mở họp báo lớn ở phòng hội nghị tại trụ sở để công bố tích hợp mô hình ngôn ngữ của OpenAI, cha đẻ ChatGPT, vào công cụ tìm kiếm Bing.
Satya Nadella, CEO Microsoft trong sự kiện giới thiệu chatbot trong Bing và Edge. Ảnh: CNN.
Hãng công nghệ khẳng định mô hình mới của OpenAI mà Bing sử dụng thậm chí còn nhanh hơn, chính xác hơn và làm được nhiều thứ hơn cả ChatGPT. Nhiều chuyên gia trong ngành tin rằng Internet và trình duyệt web mới tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể là chìa khóa cho tương lai.
Microsoft hưởng lợi nhờ ChatGPT
Từ chỗ bị hoài nghi về tính phổ cập cho người dùng cơ bản, trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới đã trở thành niềm đam mê đối với hàng triệu người dùng cách đây hai tháng khi startup OpenAI phát hành một chatbot có tên ChatGPT.
Thay vì đưa ra phản hồi về danh sách hàng chục trang các kết quả tìm kiếm, ChatGPT trả lời các truy vấn theo phong cách hội thoại, giúp người dùng dễ dàng kéo dài cuộc trò chuyện với hàng loạt câu hỏi liên quan tiếp theo.
Chỉ sau 2 tháng kể từ thời điểm trình làng, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu.
Hiệu ứng bùng nổ mà OpenAI mang lại phần nào nhắc nhở các cựu binh công nghệ về những khoảnh khắc khác đã làm thay đổi Thung lũng Silicon, từ sự xuất hiện của chiếc iPhone đầu tiên, công cụ tìm kiếm Google cho đến trình duyệt web Netscape tạo tiền đề cho thương mại hóa Internet ngày nay.
Chỉ sau 2 tháng kể từ thời điểm trình làng, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: Phương Lâm.
Microsoft từng bỏ lỡ cơ hội với điện toán di động đi kèm với iPhone. Công cụ tìm kiếm Bing của hãng chỉ đứng sau Google về mức độ phổ biến.
Tuy nhiên, Microsoft hoàn toàn có thể là công ty lớn đầu tiên dẫn đầu cho thành công lớn tiếp theo của giới công nghệ nếu các chatbot và công nghệ đằng sau chúng (Generative AI - "AI tạo sinh") đáp ứng được nhu cầu của họ.
"Công nghệ này sẽ định hình lại gần như mọi danh mục phần mềm mà chúng ta biết. Bạn có thể mong chờ một cuộc đua công nghệ đã bắt đầu từ hôm nay”, Satya Nadella, CEO Microsoft phát biểu tại sự kiện giới thiệu chatbot trong Bing và Edge.
Trong căn phòng chật kín gần 100 phóng viên, biên tập viên và nhiếp ảnh gia, Microsoft trình diễn công cụ tìm kiếm Bing thế hệ mới. Trên sân khấu, Yusuf Mehdi, Phó chủ tịch Tập đoàn Microsoft sử dụng giao diện đàm thoại mới để tìm kiếm một chiếc tivi 65 inch phù hợp với nhu cầu game chơi game.
Sau khi Bing liệt kê một loạt tivi, ông Mehdi yêu cầu AI lọc thành danh sách những mẫu rẻ nhất và nhanh chóng được đáp ứng chỉ trong vài giây.
Sau đó, phó chủ tịch Microsoft tiếp tục sử dụng chatbot để lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ ở Mexico và nghiên cứu các nhà thơ Nhật Bản. Với một truy vấn ngắn, ông Mehdi có thể yêu cầu hệ thống dịch kết quả từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh hoặc hiển thị một bài thơ haiku cụ thể.
“Như các bạn có thể thấy, điều này tốt hơn rất nhiều so với những công cụ tìm kiếm ngày nay", Mehdi nói.
Điều này đã khiến hàng triệu người dùng đổ xô dùng thử công cụ tìm kiếm mới nhất của Microsoft, đe dọa công cụ tìm kiếm Google Search.
Yusuf Mehdi, Phó chủ tịch Tập đoàn Microsoft trình diễn khả năng của chatbot trên Bing thế hệ mới. Ảnh: Shutterstock.
Dành cho bạn
Theo TechCrunch, ngay sau khi thông tin tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm được công bố, ứng dụng Microsoft Bing Search trên điện thoại đã nhanh chóng chiếm vị trí cao trên bảng xếp hạng lượt tải về của App Store.
Ở Mỹ, app Bing đã chiếm vị trí thứ 12 trong danh sách những ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất và chiếm vị trí thứ ba trên mục Công cụ (Utility) kho ứng dụng của iPhone, bỏ xa các đối thủ như Gmail, Google Drive và Google Docs. Trên thị trường toàn cầu, lượt tải về mới của app Bing cũng tăng gấp 10 lần.
Những con số này cho thấy phần lớn người dùng có nhu cầu trải nghiệm những công nghệ AI mới và sẵn sàng đổi sang trình duyệt khác để được sử dụng công cụ tìm kiếm mới của Microsoft.
Chạy đua công nghệ
Cơn sốt về ChatGPT đã đẩy giới công nghệ toàn cầu vào một cuộc đua AI chatbot. Dù muốn hay không, ngày càng nhiều công ty công nghệ phải gấp rút công bố về công cụ tương tự ChatGPT của riêng mình.
Google, gã khổng lồ tìm kiếm nắm thị phần cao nhất vội vã kêu gọi toàn bộ công ty tham gia thử nghiệm Bard - chatbot cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT - không lâu sau khi giới thiệu công cụ này.
Meta, công ty mẹ Facebook cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát hành công nghệ tương tự trong nhiều sản phẩm khác nhau.
Google vội vã kêu gọi toàn bộ công ty tham gia thử nghiệm Bard - chatbot cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT. Ảnh: NurPhoto.
Hãng tìm kiếm Trung Quốc Baidu sẽ ra mắt dự án Ernie Bot vào tháng 3, vận hành dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và hiển thị kết quả tìm kiếm dưới dạng hội thoại.
Trong khi đó, vô số startup đang tập trung xây dựng sản phẩm dựa trên công nghệ Generative AI - AI tự sinh có thể tự tạo ra từ ngữ, hình ảnh và các phương tiện khác.
Tuy nhiên, với các CEO, doanh nhân và nhà đầu tư, họ hy vọng chatbot sẽ không trở thành vấn đề lớn mà ngành công nghệ đã phải đối mặt trong thời gian qua, đó là sự tò mò đôi khi không thể đáp ứng được những kỳ vọng to lớn lớn.
Có rất nhiều ví dụ tiêu biểu về những sản phẩm công nghệ đã từng gây sốt khi thử nghiệm, nhưng đến giờ vẫn chưa cho thấy khả năng tạo ra trào lưu thật sự.
Những chiếc xe tự lái vẫn không hoàn toàn làm chủ phần tự lái đúng cách. Thiết bị công nghệ dạng đeo tay vẫn cần phụ thuộc vào một chiếc smartphone bên cạnh để thực sự hữu ích. Các loại tiền số được kỳ vọng sẽ thay đổi thế giới tài chính, nhưng cho đến nay phần lớn chúng vẫn là tài sản với các nhà đầu cơ.
OpenAI - startup đứng sau ChatGPT - đã đẩy giới công nghệ toàn cầu vào một cuộc đua AI chatbot. Ảnh: Phương Lâm.
“Các công ty thường đưa ra những công nghệ này quá nhanh, bỏ qua các lỗi của chúng và sau đó cố gắng sửa ngay lập tức. Điều này có thể gây hại thực sự", Chirag Shah, giáo sư Đại học Washington chuyên khám phá các lỗ hổng trong chatbot cho biết.
Trong một bài đăng dài trên blog, Brad Smith, phó chủ tịch kiêm chủ tịch của Microsoft đã gọi đây là “năm bước ngoặt” và thừa nhận những nhược điểm có thể xảy ra, đồng thời kêu gọi “các cuộc đối thoại sâu rộng” về những vấn đề của AI.
CEO OpenAI Sam Altman đưa ra quan điểm rằng đã đến lúc phát hành AI rộng rãi cho đại chúng: “Chúng tôi mong muốn cải thiện phần mềm từ việc người dùng trải nghiệm. Bạn phải làm điều đó trong thế giới thực, không phải trong phòng thí nghiệm”.