Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp có những trao đổi, thảo luận xung quanh các chính sách phát triển hạ tầng số và quản trị dữ liệu; giải pháp phát triển CĐS cho doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ phát triển công dân số, xã hội số, ứng dụng định danh và xác thực VNeID nhằm thúc đẩy giao tiếp trên môi trường điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến và đảm bảo tính minh bạch, an toàn cho các giao dịch...
Tại diễn đàn, ông Vũ Ngọc Dương, Phó trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Cục Viễn thông, Bộ TT-TT cho biết, theo định hướng phát triển đến năm 2025 hạ tầng số của nước ta đạt trình độ tiên tiến của khu vực; đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc. Trong đó ưu tiên nguồn lực, triển khai hiệu quả quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, bảo đảm hạ tầng số phải đầu tư đi trước một bước để tạo nền tảng cho CĐS.
Theo ông Dương, giải pháp để thực hiện là triển khai mô hình gắn kết “3 nhà” gồm: Nhà nước - nhà mạng - nhà ứng dụng. Đồng thời thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp.
Còn ông Phạm Quốc Hoàn, Giám đốc sở TT-TT Khánh Hòa cho rằng, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19.10.2021 của BCH Đảng bộ Tỉnh về CĐS tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2030 tỉnh cơ bản hoàn thành CĐS và xây dựng đô thị thông minh, thuộc nhóm 20 tỉnh,thành phố về CĐS.
Một số lĩnh vực ưu tiên CĐS của tỉnh gồm xây dựng đô thị thông minh ở TP.Nha Trang, TP.Cam Ranh, TX.Ninh Hòa, H.Cam Lâm; đồng thời CĐS trong khu vực du lịch, dịch vụ, y tế, GD-ĐT nghề nghiệp, nông nghiệp, GTVT và TN-MT.
Theo ông Hoàn, việc triển khai chính quyền số-đô thị thông minh của Khánh Hòa được thực hiện theo 3 trục tam giác gồm: Trục hạ tầng; trục dữ liệu và trục ứng dụng thông minh. Trong từng giai đoạn, việc triển khai các trục thực hiện theo lộ trình, mức độ ưu tiên khác nhau nhưng đảm bảo tính bền vững.
Dành cho bạn
Tại diễn đàn, các nội dung thảo luận đã tập trung vào các chính sách, giải pháp cần thiết để thúc đẩy CĐS trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần xây dựng Khánh Hòa trở thành một tỉnh hiện đại, phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số.
Các tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển mạng lưới 5G, nâng cao năng lực kết nối internet trên địa bàn tỉnh. Việc quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển chính quyền số.
Diễn đàn cũng đề xuất triển khai chính sách hỗ trợ, cung cấp miễn phí hoặc với chi phí thấp chữ ký số cho người dân, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào các hoạt động chính quyền số một cách dễ dàng, an toàn và bảo mật...