Làm nông nghiệp số, nông dân trúng đậm

Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, Đặng Dương Minh Hoàng ở xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã quá quen thuộc với hình ảnh người nông dân vất vả, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà hiệu quả đem lại không cao, cuộc sống vẫn khó khăn. Đây cũng là lý do khi từ Pháp trở về quê hương để nối nghiệp gia đình, Hoàng quyết định làm “nông dân số”, bắt đầu từ cây bơ bản địa.

Áp dụng phương pháp trồng cây hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học, nên Hoàng cần theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây để có những phương án chăm sóc hiệu quả nhất. Đó là động lực để Hoàng cùng cộng sự phát triển app (ứng dụng) AutoAgri với mục đích theo dõi toàn bộ vườn thông qua thiết bị thông minh.

 Với chiếc smartphone, Hoàng dễ dàng tưới nước, bón phân cho từng gốc cây trong vườn chỉ bằng những cái "chạm tay".

Chăm sóc cây hoàn toàn tự động thông qua các app trên chiếc smartphone nên cả trang trại bơ rộng 12ha gần như vắng bóng nông dân. Hoàng có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, thậm chí ngồi ở Mỹ vẫn có thể tưới nước, bón phân… cho từng cây trồng trong nông trại của mình bằng những cái "chạm tay" trên chếc smartphone. Thế nên, ở nông trại bơ, Hoàng chỉ sử dụng 2 nhân công làm nhiệm vụ kiểm tra hệ thống máy móc trong vườn.

Chỉ vào cây bơ có gắn mã QR code, Hoàng cho biết đó là mã để vào xem “nhật ký số”. Thông qua nhật ký số này, người tiêu dùng sẽ biết được các loại phân bón đã sử dụng, thời gian bón phân, ngày sản phẩm được thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của trái bơ…

“Hai năm trước, dù đại dịch Covid-19 có lúc làm thị trường tê liệt, nông sản ùn ứ phải giải cứu, “Bơ ông Hoàng” vẫn được tiêu thụ tốt với giá cao”, Hoàng kể và tiết lộ, từ cây bơ, anh thu lãi khoảng 8 tỷ đồng/năm.

Không giống như Hoàng làm nông nghiệp số từ ngày đầu khởi nghiệp, lão nông Đặng Văn Bảy ở xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) sau 20 năm nuôi con tôm theo phương pháp truyền thống mới chuyển sang hướng công nghệ cao khép kín. Năm 2020, ông quyết định số hoá các ao tôm.

Nói về hệ thống ao nuôi với quy mô rộng 36ha của mình, ông cho biết, ao tôm được lắp hệ thống máy móc cho ăn, hệ thống xử lý nước tự động với máy đo chính xác nồng độ. Ông hoặc công nhân sẽ theo dõi qua các app đã được cài trên điện thoại thông minh. Hàng ngày, chỉ cần vào app với vài cái “chạm tay”, máy móc đồng loạt hoạt động, tôm được ăn đầy đủ, đúng liều lượng.

“Kiểm tra kích cỡ tôm cũng vậy. Tôi chỉ cần bắt tôm bỏ vào chậu nước, vào app chụp hình tôm trong chậu là tự động cho ra kết quả chính xác trọng lượng của con tôm. Việc tính toán size tôm chuẩn sẽ thuận lợi hơn cho khâu mua bán”, ông nói.

Dành cho bạn

“Năm nay chi phí nuôi tôm tăng nhưng với 36ha diện tích ao nuôi, tôi vẫn lãi khoảng 17 tỷ đồng. Năm ngoái tôi còn thu lãi tới 25 tỷ đồng”, ông Bảy khoe.

“Chuyến tàu” nông nghiệp số tăng tốc

Thời điểm giữa năm 2021, trong hội nghị chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nói: “Thế giới đang không ngừng chuyển động, trong khi chúng ta đã bỏ lỡ nhiều chuyến tàu. Bây giờ, chúng ta lại ở sân ga lên một đoàn tàu mới mang tên “chuyển đổi số”. Cùng nắm tay nhau đi trên chuyến tàu này để tiến xa hơn”.

Thực tế đến nay, “chuyến tàu” nông nghiệp số đang dần tăng tốc. Những mô hình trồng rau, nuôi tôm, nuôi gà bằng smartphone, hoặc cánh đồng không bước chân… xuất hiện này càng nhiều. Từ miền ngược tới miền xuôi, từ Bắc vào Nam, người nông dân chuyển đổi số không còn “trông trời, trông đất, trông mây” mà trông vào... dữ liệu số. Thậm chí, thông qua chiếc điện thoại thông minh, họ có thể bán nông sản ra toàn cầu.

Tháng 6 năm nay, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi chính thức được triển khai. Đây là một trong những "viên gạch" đầu tiên tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Bởi, hệ thống dữ liệu là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

Ngay sau đó, Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng cũng được đưa vào sử dụng. Hệ thống này góp phần giải quyết bài toán tạo ra sự “đúng, đủ, sạch, sống” trong dữ liệu vùng trồng, cả về thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả... Từ đó, dần thay đổi phương thức từ “quản lý thủ công” sang “quản lý dựa vào công nghệ số”.

Việt Nam dù là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2022 lập kỷ lục lịch sử khi đạt 55 tỷ USD, song, với 7 triệu mảnh ruộng, 9 triệu hộ nông dân, nền nông nghiệp vẫn còn mang 3 “lời nguyền” - manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi số sẽ minh bạch mọi thông tin và dần xoá đi những “hố đen” của ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng lưu ý, muốn làm chuyển đổi số, phải thấy được nhu cầu thực sự khi mỗi người bước vào môi trường, không gian mới, đó chính là không gian số. Chúng ta thay đổi nhận thức, thấy được đam mê, niềm vui, lợi ích từ chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống sản xuất. Song chúng ta cũng phải kết nối, làm tăng giá trị chuyển đổi số để tạo ra lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với việc tăng sản lượng.